“Có một nghề bụi phấn bám đầy tay/Người ta bảo là nghề trong sạch nhất/Có một nghề không trồng cây vào đất/Lại nở cho đời muôn đóa hoa thơm”. Đó là câu chuyện về cô giáo trẻ môn Tin học Diệp Thị Thanh Thảo, Trường THCS Nguyễn An Khương, huyện Hóc Môn, TP.Hồ Chí Minh.
Cô Diệp Thị Thanh Thảo cùng các em học sinh đoạt giải Tin học cấp TP |
1. Sinh ra và lớn lên trên một mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, quê hương của cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, vùng đất gắn liền với địa danh Mười tám thôn Vườn trầu, nên ngay từ khi còn bé, cô Thảo đã ôm ấp trong mình khát vọng phải có được những đóng góp nào đó thật ý nghĩa cho quê hương. Năm 2007, sau khi tốt nghiệp Khoa Tin học, Trường Cao đẳng sư phạm TP.HCM, cô Thảo đã quyết định chọn chính mảnh đất quê hương làm nơi khởi đầu cho sự nghiệp trồng người. Thảo được phân công về công tác tại Trường THCS Nguyễn An Khương. Cũng năm ấy, người thầy kính yêu đã dìu dắt cô năm nào lâm bệnh nặng, và thầy ra đi khi tuổi đời chỉ mới ngoài ba mươi. Đau thương, mất mát và hụt hẫng, khi chưa được trả ơn thầy. Có lẽ, khi một ngọn lửa tắt đi, những ngọn lửa khác sẽ bùng cháy lên để tiếp tục tỏa sáng. Từ đó, cô Thảo tự bảo với chính mình “Sẽ thay thầy tiếp bước cho những chuyến đò tri thức”. Là một giáo viên trẻ, cô Thảo luôn cố gắng nỗ lực hết mình trong công tác, năng nổ, nhiệt tình, chịu khó học hỏi các đồng nghiệp đi trước. Đồng thời Thảo cũng không ngừng tìm tòi, nghiên cứu để nâng cao kiến thức và kỹ năng cho chính mình. Chính sự siêng năng, cần cù, chịu khó ấy mà năm học 2012-2013, cô Thảo đã xuất sắc giành được giải Nhất trong kỳ thi Giáo viên dạy giỏi cấp Huyện – môn Tin học, do Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hóc Môn tổ chức. Sau đó, năm học 2013-2014, cô Thảo vinh dự là đại diện cho các giáo viên Tin học của huyện Hóc Môn tham gia kỳ thi Giáo viên dạy giỏi cấp Thành phố. Và ở cuộc thi này, cô đã đạt được giải Ba.
2. Tâm sự về công việc của mình, cô Thảo chia sẻ “Tôi đi dạy là để khám phá bản thân, khám phá năng lực và cả khám phá các giới hạn của chính mình! Việc tương tác với các học sinh là một cách để mỗi giáo viên làm mới mình, luôn cập nhật mọi biến đổi của thế giới. Khi thường xuyên ở bên cạnh các em học sinh, tôi cũng cảm thấy mình trẻ trung, yêu đời hơn, có một góc nhìn mới hơn với những kiến thức mình giới thiệu cho các em và cười nhiều hơn mỗi ngày lên lớp, nhất là những hôm các bạn học sinh hợp tác, hết bài sớm và cô trò có thời gian tâm sự”.
Liên tục từ năm 2013 đến nay, cô Thảo đã trực tiếp bồi dưỡng học sinh dự thi “Tin học trẻ cấp Thành phố”. Không phụ lòng tin yêu của các cấp lãnh đạo, của phụ huynh học sinh, ngay năm đầu tiên dẫn dắt, đội tuyển dự thi môn Tin học của cô Thảo đã xuất sắc giành được ba giải ở kỳ thi cấp Thành phố với một giải Nhất (đồng thời là Thủ khoa cấp Thành phố) và hai giải Ba. Với bước khởi đầu thuận lợi ấy, liên tục những năm sau đội tuyển của cô đều giành được giải Nhất, Nhì, Ba.
3. Với những học sinh, đạt giải là một niềm vui lớn, nhưng đối với cô giáo trẻ, ấy là cả một quá trình nỗ lực và tự hào. Với những đóng góp tích cực cho công tác giảng dạy, năm 2015 cô Thảo đã được Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh tuyên dương là “Nhà giáo trẻ tiêu biểu Thành phố”, huyện Đoàn huyện Hóc Môn tuyên dương “Nhà giáo trẻ tiêu biểu đất Vườn trầu Năm 2016”. Không dừng lại với những gì đã đạt được, cô Thảo vẫn luôn không ngừng tìm tòi học hỏi những phương pháp dạy học mới, ứng dụng thế mạnh công nghệ thông tin của bộ môn vào trong thực tiễn. Năm 2016, cô Thảo đã thử sức với cuộc thi “Giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin” qua Dự án “Một ngày làm sử gia”. Dự án cuối cùng đã giành được giải Ba cấp Thành phố.
Không chỉ bản thân yêu thích nghề dạy học, mà gia đình cô Thảo cũng là một gia đình Nhà giáo tiêu biểu. Chồng cô, thầy Trần Đức Quân, cũng là một giáo viên dạy Tin học, hiện đang công tác tại Trường THCS Phan Tây Hồ, quận Gò Vấp. Người em gái và người em rể hiện cũng đang là giáo viên dạy tiểu học tại quận Gò Vấp. Một điều vô cùng thú vị, cả ba trong bốn thành viên trong gia đình cô đều đã được Thành đoàn TP.HCM tuyên dương là “Nhà giáo trẻ tiêu biểu Thành phố”.
“Đối với tôi, nghề giáo dù lương thấp, áp lực khi phải đối mặt nhiều thứ nhưng việc giúp nhiều em học sinh trưởng thành làm chính tôi vui và cũng cảm thấy mình trưởng thành hơn. Tôi được nhiều lắm! Và tôi luôn tự hào về nghề “trồng người” mà mình đã chọn!” – cô Thảo chia sẻ!
Phạm Thị Thanh Nhung
(GV Trường THCS Nguyễn An Khương)
Bình luận (0)