Y tế - Văn hóaThư giãn

Thất 7 của tôi ngày ấy

Tạp Chí Giáo Dục

Tht 7 ch là tên gi bình thưng, gin d ca mt lp hc đu cp (đ tht) ca mt trưng trung hc, y vy mà nó tr thành mt t rt đi thân thương và đã đi theo chúng tôi đến tn bây gi, 57 năm.


Nhóm cu hc sinh Trưng Trn Quc Tun chp hình lưu nim ti bui hp m Sài Gòn đ chun b cho l k nim 65 năm ngày thành lp trưng

Năm ấy, 1963, Trường Trung học Trần Quốc Tuấn tuyển 300 học sinh toàn tỉnh vào lớp đầu cấp và chia làm 7 lớp, chúng tôi được xếp vào lớp Đệ thất 7. Như những cánh chim khắp tỉnh, từ những miền quê đồng ruộng Đức Phổ, Bình Sơn, từ vùng biển đảo, núi non xa Lý Sơn, Trà Bồng… đã bay về đậu trong một tổ ấm. Trong cái tổ ấm ấy, suốt bốn năm đệ nhất cấp (từ đệ thất đến đệ tứ – lớp 6 đến lớp 9 bây giờ – chúng tôi vẫn cứ gọi chung là “dân thất 7 – 63”) dĩ nhiên bao nhiêu chuyện của thời “nhất quỷ, nhì ma thứ ba học trò” đã diễn ra, và bao nhiêu chuyện đã đọng lại và trở thành những kỷ niệm êm đềm như những dòng suối nhỏ róc rách chảy trong một đời người…

Người bù nhìn, bài học từ người thầy

Đọng lại nhiều nhất là những chuyện mà hình ảnh những cậu học trò lóc nhóc, còn mặc quần sọt gắn liền với một người thầy đáng kính, như chuyện “người bù nhìn”… Tôi chắc chắn rằng không bạn Thất 7 nào quên được trò nghịch ngợm ấy và hình ảnh người thầy tế nhị, bao dung, đã nhẹ nhàng biến trò đùa nghịch của lũ Thất 7 chúng tôi thành một bài học sinh động, dạy chúng tôi bài học về lòng yêu quý người nông dân. Hôm đó, buổi sáng có giờ học Việt văn của thầy Duật (giờ học hôm trước thầy vừa giảng bài thơ “Người bù nhìn” của Lê Thánh Tông). Trước khi thầy vào lớp, không biết từ “sáng kiến” của bạn nào mà chúng tôi đã vượt rào, lao ra cánh đồng lúa mênh mông sau trường, hăm hở băng xuống một đám ruộng và ì ạch “nhổ” một ông bù nhìn làm bằng rơm cao to hơn cả gần gấp rưỡi chúng tôi, rồi hè nhau khiêng vào đặt ngay trên bục giảng trong lớp học làm “giáo cụ trực quan”! Trống vào lớp, không như mọi hôm, một không khí khác lạ trùm lên lớp học, cả lớp im phăng phắc. Thầy vào lớp. Hình như trò nào cũng sợ vì đã thấy ra trò nghịch ngợm quá đáng của mình và nghĩ thế nào cũng bị nhận một hình phạt đích đáng từ thầy. Nhưng không. Cả lớp, sau khi ngồi xuống, ai cũng lấm lét hết nhìn thầy lại nhìn qua ông bù nhìn đứng trơ trơ sừng sững trên bục giảng. Vẫn như mọi hôm, thầy bước đến bàn đặt chiếc cặp. Nhìn thoáng qua cả lớp rồi thầy chăm chăm nhìn người bù nhìn. Bỗng thầy quay lại, cả lớp nghe nhẹ tênh: thầy gật gật đầu và mỉm cười, nói: “Đúng là người bù nhìn, nhưng các em biết thiếu cái gì không?”, rồi thầy đọc lại hai câu thơ: “Xét soi trước mặt đôi vầng nguyệt/ Vùng vẫy trên tay một lá cờ…”, cả lớp ồ lên phấn khích: thiếu cái lá cờ. “Đúng, đúng” thầy nói và say sưa giảng thêm về bài thơ, cả lớp như nuốt từng lời thầy giảng. Cuối cùng, thầy nói: “Nhưng các em à, người bù nhìn này nằm ngoài ruộng, rất hữu ích cho người nông dân. Các em biết không, để làm được nó một cách công phu như vầy chắc người nông dân phải tốn nhiều công sức lắm. Mất, chắc họ buồn tiếc lắm. Các em lấy của họ quả là điều không phải…”. Chúng tôi lặng yên thấy ra điều thầy nói và sau buổi học, mặc trưa nắng chang chang, chúng tôi khệ nệ khiêng người bù nhìn đặt lại trên đám ruộng. Và, không biết bạn nào đã moi lượm từ đâu được một chiếc áo rách dài tay tròng thêm vào cho “ổng”. Trưa, giữa đồng mênh mông, “ổng” đứng sừng sững, đôi tay phất phất phơ phơ trước gió nắng đổ lửa. Quả là… “quyền trọng ra uy trấn cõi bờ”.

Bút Non, đất của những “nhà”

Cũng là “quỷ” là “ma”, nhưng Thất 7 không chỉ nghịch ngợm, đùa bỡn, quậy phá, kiểu như thư ký lớp Nguyễn Bốn đi chép thời khóa biểu về đọc lại cho cả lớp viết một câu trở thành câu “nổi tiếng” trong trường. Thời khóa biểu ghi tên thầy cô và môn dạy: Cô Hương dạy môn sử, thầy Đô dạy vẽ, thầy Kỉnh dạy Việt văn, trong đó có hai giờ dạy môn chữ Hán. Nguyễn Bốn đọc một mạch: “Cô Hương sử thầy Đô vẽ hán thầy Kỉnh”… Thất 7 “nổi tiếng” không chỉ vì những đùa nghịch như vậy. Thất 7 còn “nổi tiếng” một chuyện nghiêm túc hơn: làm báo. Năm lên đệ ngũ (lớp 8 bây giờ), trò Tạ Văn Doanh (sau này là Tổng Biên tập Báo Giáo dục TP.HCM, đã nghỉ hưu) đã khởi xướng và cùng một số bạn cho ra đời tờ Tạp chí Bút Non. Đó là tờ nguyệt san (định kỳ “xuất bản” mỗi tháng). Tờ báo viết tay. Mỗi tác giả viết bài trên giấy vở và gửi về “tòa soạn” (tức là đưa cho Doanh hoặc mấy bạn nòng cốt). Gom đủ bài (tính ra thường cũng trên 100 trang), “họa sĩ” dùng giấy bìa cứng vẽ bìa rồi mang ra tiệm in cho đóng lại, cắt xén ngay ngắn. Xong, chúng tôi ngồi đánh số trang hoàn chỉnh và nắn nót ghi ở trang sau cùng: “Chăm sóc bài vở: Tạ Văn Doanh, Hàng Chức Nguyên, Cao Viết Tuệ. Trình bày: Nguyễn Văn Lập. Xuất bản: Ngũ 7 (Thất 7 – 63) – Trần Quốc Tuấn…”, và cho “phát hành”, nghĩa cho chuyền tay nhau đọc. Mỗi độc giả chỉ được giữ đọc tối đa hai ngày. Ấy vậy mà sau khi ra được vài số, Bút Non đã thu hút khá đông cộng tác viên. Nhiều anh ở cấp lớp trên, các bạn ở các trường trung học tư thục, có cả nhiều bạn ở trường nữ trung học cũng gửi bài vở tham gia. Đặc biệt là thầy dạy vẽ của chúng tôi có một lần đã trang trí một trang bìa thật đẹp tặng Bút Non. Số báo đó chúng tôi trang trọng ghi tên thầy: Trình bày, tranh bìa: Giáo sư môn họa, họa sĩ Trần Hữu Đô. Bút Non có đủ thể loai: văn, thơ, kịch, khảo cứu, phê bình, nhạc, tin tức. Và những cô câu học trò loắt choắt bỗng trở thành “nhà” hết: Nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình, kịch tác gia… “Nhà” nhưng vẫn rất là “… thứ ba học trò”. Có lần Cao Việt Tuệ (bút hiệu Vương Tử Kinh, đã viết mấy vở kịch đăng trên Bút Non), bị té ngã qua cửa sổ trẹo cánh tay trái. Số Bút Non kỳ đó, Tạ Văn Doanh đã cho đăng ngay bản tin: “Kịch tác gia Vương Tử Kinh bị gãy tay: do mang dép không có quai sau bị thầy giám thị đuổi bắt, kịch tác gia Vương Tử Kinh đã chạy vào một phòng học và bí quá bèn phóng qua cửa sổ, bị té nhào. Hậu quả là tay trái bị gãy. Hiện kịch tác gia Vương Tử Kinh đang phải nằm nhà  bó lá cánh tay…”. Các “nhà” sáng tác rất say mê, đến nỗi có hiện tượng vở của trò nào viết chưa đến giữa cuốn mà không cảnh giác, canh chừng thì sẽ có nguy cơ bị các “nhà” rứt hết những trang còn trắng: có giấy để viết bài gửi cho Bút Non…


Tác gi (th 2 t phi sang)

Hết năm học đệ tứ, hè, chia tay, cũng là lúc Bút Non đình bản. Gom lại, Bút Non đã ra được 14 số. Nhìn những tờ Bút Non ai cũng vui, ai cũng muốn giữ cho mình, nhưng rồi bùi ngùi chia tay, ai cũng đồng ý để bạn Tạ Văn Doanh giữ trọn cho khỏi thất lạc. Lên cấp 3, số anh em Thất 7 – 63 nòng cốt của Bút Non lại tiếp làm nòng cốt trong Ban báo chí của trường Trần Quốc Tuấn, đứng đầu là Tạ Văn Doanh, Trưởng ban và liên tiếp mấy năm Ban báo chí đã làm những đặc san xuân, phát hành (bán) ở nhiều trường trong tỉnh và mang ra bán tận các trường ở Tam Kỳ, Quảng Tín (Quảng Nam).

Đm tình Tht 7

Thất 7 – 63 có quá nhiều chuyện vui nhưng cũng có những chuyện buồn, rất buồn. Đa số các bạn ở vùng nông thôn nên qua những mùa thiên tai bão lũ, lớp lại vắng đi một hai bạn. Năm đệ lục, mùa đông mưa gió ầm ào, một trận lụt lớn đổ xuống. Nghỉ học. Cơn lụt qua, đi học lại, buổi đầu tiên, như thường lệ, lớp trưởng Nguyễn Tài điểm danh. Khi đọc đến tên Nguyễn Thông, không có tiếng “có” vang lên. Tài dừng lại một đỗi rồi giọng nghẹn ngào báo tin: “Cả nhà Thông bị cuốn trôi rồi các bạn ơi…”. Lớp học không còn Thông nữa, nhưng chỗ ngồi của Thông, đầu bàn thứ năm, dãy trái, vẫn còn đó, trống trơn suốt cả năm học. Bước vào lớp hình như bạn nào cũng nhìn về chỗ trống ấy. Thỉnh thoảng trên khoảng bàn trống ấy bạn nào đó đã đặt có khi là cái kẹo, có khi chỉ là một miếng bánh tráng nướng bẻ ra…

Rồi chiến tranh, đạn bom ập đến. Lớp lại vắng thêm bạn. Gần cuối năm đệ ngũ, cả tuần lớp không thấy bạn Trần Thành. Hỏi nhau, thư ký lớp Nguyễn Bốn đầy vẻ bí mật, nghiêm trọng, ngó trước ngó sau mới nói nho nhỏ: “Nó nhảy núi rồi…”. “Nhảy núi” và rồi Trần Thành đã để lại một tình bạn, tình bạn Thất 7, đã làm động lòng các bạn. Sau Tết Mậu Thân 1968, lúc chúng tôi học đệ tam, thì lớp vắng Nguyễn Khoa Thu. Thời gian qua nhanh, chúng tôi thi tú tài bán, rồi tú tài toàn. Bạn đậu, bạn rớt. Những cánh chim bảy năm trước về đậu trong cùng một lớp học giờ lẻ cánh bay đi nhiều ngã… May thay, cùng với nhiều bạn cùng cấp lớp đệ thất của Trần Quốc Tuấn năm ấy vào Sài Gòn học đại học có 6 bạn Thất 7 (Ngoài tôi và Tạ Văn Doanh làm báo, còn có Đinh Quang Anh Đạt, bác sĩ, Nguyễn Tấn Xuân, võ sư, Huỳnh Hoa (Liên), giáo viên, Tống Phát, doanh nghiệp). Và giờ đây, 57 năm qua, các bạn Thất 7 vẫn là nòng cốt, đứng đầu vẫn là Tạ Văn Doanh, quy tụ thành lập nhóm Cafe 357 gồm những bạn học thân thiết thời trung học, thời đại học. Giữa Sài Gòn, sáng sáng, anh em (đã là các cụ hưu trí) gặp nhau để cười, và cười…, đúng như Trần Thoại Nguyên (một cộng tác viên của Bút Non ngày ấy) đã viết: “Cầm tuổi trẻ rong chơi ngày tóc bạc/ Mỗi sớm mai ta đi hái nụ cười”.

Hàng Chc Nguyên

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)