Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Thắt chặt ngân sách, nhiều trường kêu khó

Tạp Chí Giáo Dục

So với năm 2011, ngân sách Nhà nước (NSNN) cho các trường, các đơn vị trực thuộc Bộ GD-ĐT trong năm 2012 sẽ không giảm nhưng cũng không tăng, do ảnh hưởng của tình hình chung kinh tế thế giới. Đây là khẳng định của lãnh đạo Bộ GD-ĐT tại Hội nghị kế hoạch ngân sách năm 2012 các trường, các đơn vị trực thuộc bộ được tổ chức mới đây tại Hà Nội.
Còn lạm thu và chi vượt mức
Theo báo cáo của Vụ Tài chính, Bộ GD-ĐT, hiện nay có 38 trường ĐH, CĐ trực thuộc Bộ GD-ĐT, nếu tính cả số các trường ĐH thành viên thì có tất cả là 50 trường. Năm 2011, NSNN cấp cho các trường và các đơn vị trực thuộc Bộ GD-ĐT là trên 5.400 tỷ đồng, trong đó có trên 900 tỷ đồng là vốn nước ngoài. Như vậy, cộng với tiền thu phí, lệ phí 2.600 tỷ đồng, thì 50 trường ĐH, CĐ và các đơn vị trực thuộc Bộ GD-ĐT năm 2011 có trên 8.000 tỷ đồng để chi. NSNN các trường vẫn chi theo các hạng mục như chi thường xuyên sự nghiệp giáo dục và đào tạo (trên 3.000 tỷ đồng), chi sự nghiệp khoa học công nghệ (trên 286 tỷ đồng), chi quản lý (51,54 tỷ đồng); chi sự nghiệp bảo vệ môi trường (10 tỷ đồng); chi sự nghiệp kinh tế (4,05 tỷ đồng); chi sự nghiệp đảm bảo xã hội (380 triệu đồng); chi trợ giá báo chí (150 triệu đồng); chi chương trình mục tiêu quốc gia (trên 368 tỷ đồng); chi đầu tư phát triển (trên 898 tỷ đồng).
Năm 2011, kiểm toán Nhà nước cũng đã tiến hành thực hiện kiểm toán ngân sách, tiền và tài sản Nhà nước năm 2010 tại Bộ GD-ĐT. Kết luận và kiến nghị của kiểm toán có một số điều cần lưu ý như một số đơn vị chưa phản ánh số đã chi từ nguồn thu học phí, một số nội dung chi chưa đủ thủ tục quyết toán hoặc sai nguồn kinh phí, sai chế độ; Chi sự nghiệp khoa học công nghệ tiến độ thực hiện nhiều đề tài chậm so với đề cương được duyệt; Một số trường thu học phí chính quy, hệ không chính quy và lệ phí tuyển sinh vượt mức quy định của Nhà nước đồng thời tự ý thu nhiều khoản thu chưa có quy định của Nhà nước. Hầu hết các trường đều không nộp học phí đầy đủ và kịp thời vào kho bạc Nhà nước để kiểm soát chi. Về vấn đề lạm thu tại các trường ĐH, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng khẳng định theo phản ánh của báo chí thì tại một số trường ĐH cũng có tình trạng này. Các trường cũng cần chấn chỉnh và xem lại. Tại hội nghị ngân sách năm nay, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng lên dây cót tinh thần cho các trường để chuẩn bị cho năm 2012, một năm dự báo sẽ có nhiều khó khăn về tài chính.
Các trường cần tìm cách “bơi”
Theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, trong cuộc họp vừa qua, Chính phủ cũng đã thống nhất không cắt giảm chi cho 3 mục tiêu quốc gia (giáo dục, y tế và an sinh xã hội) nhưng cũng sẽ không tăng. Mặc dù vậy, người đứng đầu ngành giáo dục cũng cho biết sẽ có một số chương trình mục tiêu quốc gia của ngành bị “cắt”. Về NSNN, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết sẽ vẫn phân bổ như năm 2011 do vẫn đang nằm trong chu kỳ 3 năm. Từ năm 2013, sẽ không phân bổ theo từng năm mà sẽ là 3 năm hoặc 5 năm.
Nhưng ngoài vấn đề NSNN không tăng, năm 2012 sẽ là một năm còn bộn bề khó khăn về tài chính đối với các trường. Thứ nhất, từ năm 2012, bộ sẽ “cắt” chỉ tiêu đào tạo trung cấp của các trường ĐH. Như vậy các trường đã “mất” một nguồn thu. Thứ hai là vấn đề đào tạo không chính quy, bộ sẽ không tăng và sẽ vẫn hướng đến mục tiêu thắt chặt. Nguồn thu thứ hai của các trường cũng sẽ có khó khăn. Trước vấn đề này, PGS.TS Phạm Xuân Khoa, Hiệu trưởng ĐH Vinh cho rằng chỉ tiêu đào tạo chính quy bộ không nên “cắt” thêm nữa. Còn PGS. Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM cũng đưa ra khó khăn khác đó là kinh phí chi thường xuyên không tăng nhưng từ tháng 5-2012 lương cơ bản sẽ lên, trường chưa biết lấy gì để trả cho giảng viên và cán bộ công nhân viên. Do đó, bà Quỳ đề nghị bộ cũng cần cho các trường một cơ chế để tăng nguồn ngân sách. Ví dụ như đối với những ngành như Luật Quản trị, Luật Quốc tế có thể thu theo nhu cầu của xã hội bởi người dân sẵn sàng bỏ tiền cho con em đi học. Nhưng những ngành khác Nhà nước cần, nhưng khó tuyển sinh như Luật Hành chính, Luật Dân sự thì mới cần sự “bao cấp” một phần của Nhà nước. Tuy nhiên, ông Bùi Hồng Quang, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ GD-ĐT khẳng định các trường không giảm nguồn thu do học phí tăng theo lộ trình. Đối với học sinh chính sách, trường không còn phải miễn giảm bởi ngân sách đó đã cấp về địa phương.
Về dự toán thu, chi NSNN năm 2012, Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ GD-ĐT cho biết vẫn có 2 khoản thu như mọi năm. Khoản từ thu phí, lệ phí là trên 4.300 tỷ đồng, NSNN là trên 5.700 tỷ đồng.
Như vậy, so với năm 2011, NSNN đối với các trường không có gì biến động. Nhưng để ứng phó với những khó khăn trong năm 2012, chắc chắn các trường phải tự tìm cho mình một lối đi riêng.
Nghiêm Huê

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)