Thay vì để đến lúc thất nghiệp mới bắt đầu lên kế hoạch khởi nghiệp, sinh viên có thể làm điều này sớm hơn để chủ động con đường phát triển bản thân.
Một sinh viên tốt nghiệp chưa có việc làm tìm cách buôn bán trực tuyến sản phẩm khô gà |
Tự tạo việc làm
Mới đây, hai sinh viên tốt nghiệp Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM “treo bảng” chào hàng cho quán ăn nhỏ trên mạng với lời tự bạch thành thật: “Vì tốt nghiệp nhưng chưa tìm được việc làm đúng chuyên ngành nên chúng mình nghĩ cách khởi nghiệp bằng việc bán món ăn đặc sản quê hương là ram bắp và bún mắm Quảng Ngãi”. Nhiều sinh viên cùng trường đã nhanh chóng ủng hộ và khích lệ ý tưởng kinh doanh của hai “ông chủ nhỏ”. Theo hai sinh viên này, vì chưa có kinh phí nên quán ăn được đầu tư nhỏ, sau này sẽ dần mở rộng thêm.
Vừa ra trường, không có vốn mở quán, một sinh viên khác nghĩ cách buôn bán trực tuyến. Trên trang cá nhân, sinh viên này đăng lời rao dí dỏm: “Thanh niên tốt nghiệp ngành công nghệ thực phẩm hiện thất nghiệp, về làm gà khô bán…”. Không chỉ giới thiệu thành phần chế biến sản phẩm, người bán còn hướng dẫn kỹ cách sử dụng, bảo quản; đồng thời, chịu khó giao hàng đến tận các tỉnh xa.
Hiện nay, nhờ sự phổ biến của mạng xã hội, nhiều ý tưởng buôn bán của sinh viên được thực hiện thuận lợi. Đặc biệt, để giảm áp lực cạnh tranh, không ít sinh viên khôn khéo lựa chọn buôn bán đặc sản quê hương. Tại một hội thảo bàn về khởi nghiệp diễn ra ở TP.HCM mới đây, một giảng viên của Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM cũng dẫn chứng hai trường hợp sinh viên… thất nghiệp đã khởi nghiệp thành công từ ý tưởng kinh doanh tương tự. Trong đó, nhờ lợi thế từ kiến thức nền tảng về chuyên ngành thực phẩm, một sinh viên đã kinh doanh sản phẩm ớt bột và một sinh viên nảy ý tưởng mở quán bán thịt dê. Theo giảng viên này, có thể định hướng để sinh viên áp dụng kiến thức chuyên ngành của mình vào sản xuất sản phẩm hoặc dịch vụ, qua đó tự tạo công ăn việc làm trong điều kiện thị trường lao động cạnh tranh khốc liệt như hiện nay.
“Thời sinh viên là khoảng thời gian tập tành quan trọng để người học trải nghiệm, tích lũy kỹ năng, rèn bản lĩnh trước khi thực sự “bơi” vào thực tế. Cũng chính từ quá trình khởi nghiệp đó, người học sẽ biết bản thân mình đang thiếu những kiến thức, kỹ năng… gì mà kịp thời trang bị”, ông Trần Anh Tuấn (Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM) nói. |
Đồng quan điểm, ông Trần Anh Tuấn (Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM) cho rằng, tự tạo ra công ăn việc làm cũng là một trong những cách để người học tạm giải quyết được tình trạng thất nghiệp trong bối cảnh chung. Không phải dự án khởi nghiệp nào cũng thành công ngay từ lần thực hiện đầu tiên. Cho nên thời sinh viên là khoảng thời gian tập tành quan trọng để người học trải nghiệm, tích lũy kỹ năng, rèn bản lĩnh trước khi thực sự “bơi” vào thực tế. Cũng chính từ quá trình khởi nghiệp đó, người học sẽ biết bản thân mình đang thiếu những kiến thức, kỹ năng… gì mà kịp thời trang bị.
Ý kiến khác cũng cho rằng đừng đòi hỏi quá cao đối với các ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên. Thay vào đó, có thể khuyến khích các em khởi nghiệp từ những ý tưởng nhỏ, chẳng hạn buôn bán sản phẩm gì đó với bè bạn. Điều này rất phù hợp vì trong điều kiện hạn chế kinh phí, những ý tưởng khởi nghiệp quá hoành tráng của người học sẽ càng khó đi vào thực tế.
Lập nhóm sinh viên khởi nghiệp
Ông Nguyễn Khánh Trung (Trường ĐH Kinh tế – Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết từng nghiên cứu về hoạt động khởi nghiệp trong sinh viên và nhận thấy có đến 90% ý tưởng khởi nghiệp của các em bị thất bại. Hầu hết các ý tưởng còn lại cũng không tồn tại được quá ba năm. Từ đây, ông Trung nhấn mạnh, để các dự án khởi nghiệp của sinh viên không bị “gãy ngang” rất cần sự dẫn dắt của giảng viên. Một giảng viên khác cũng đề xuất, để sinh viên khởi nghiệp hiệu quả và vừa sức, nên hình thành các nhóm sinh viên khởi nghiệp để tận dụng lợi thế của từng cá nhân. Cá nhân khởi nghiệp với sức sinh viên và trong điều kiện kinh phí eo hẹp, chắc chắn sẽ khó khăn hơn. Chưa kể, các em vừa phải đảm bảo thời lượng học tập tại trường.
Trong khi đó, ông Trần Anh Tuấn nhấn mạnh, thực tế không bó buộc các em học một ngành phải đeo đuổi đúng công việc của chuyên ngành đó. Bởi lượng ứng viên tranh tuyển công việc rất nhiều và đòi hỏi của nhà tuyển dụng cũng hết sức gắt gao. Với sức của sinh viên, các em có thể linh động lựa chọn lĩnh vực gần gũi với kiến thức ngành học để tìm hướng khởi nghiệp. Việc khởi nghiệp sớm không phải lúc nào cũng đảm bảo các em thành công sớm, do rủi ro trong khởi nghiệp là khó tránh khỏi. Nhưng chí ít, quá trình tập dượt” đó chắc chắn tạo nền tảng vững chắc để khi ra trường các em tiếp tục sải những bước rộng hơn.
Thục trân
Bình luận (0)