Số người thất nghiệp các tháng qua liên tục tăng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhưng tổng tiền thu thuế thu nhập cá nhân cũng tăng. Đây là một nghịch lý lớn.
Đã thất nghiệp, còn bị trừ tiền
Theo Tổng cục Thống kế, tính đến tháng 9/2020, có 31,8 triệu lao động bị ảnh hưởng của dịch COVID-19. Trong đó, 68,9% bị giảm thu nhập, gần 40% bị giảm giờ làm và nghỉ luân phiên, khoảng 14% phải nghỉ việc. Không ít người lao động vẫn phải đóng 10% thuế thu nhập cá nhân (TNCN) khi nhận trợ cấp thôi việc.
Việc thu thuế thu nhập cá nhân hiện nay còn bất hợp lý và chỉ nắm được người làm công ăn lương |
Chị Lương Thị Tuyết – Q.11, TPHCM – cho biết, cuối tháng Chín vừa qua, chị nhận quyết định nghỉ việc sau 18 năm làm việc cho một công ty may có vốn nước ngoài. Với mức lương hơn 11 triệu đồng/tháng, chị được hưởng trợ cấp thất nghiệp khoảng 198 triệu đồng, trong đó khoảng 30 triệu đồng do Nhà nước chi trả và khoảng 168 triệu đồng do công ty chi trả. Số tiền 168 triệu đồng này bị trừ 10% thuế TNCN.
Tổng thu thuế thu nhập cá nhân tăng
Theo Tổng cục Thống kê, số thu thuế TNCN trong tháng 7/2020 đạt 66.700 tỷ đồng, tăng 7.400 tỷ đồng so với tháng 6/2020. Đến tháng Tám, số tiền thu thuế TNCN tăng thêm 77.100 tỷ đồng và đến ngày 15/9 tăng thêm 84.200 tỷ đồng. Trong khi đó, mức thu thuế giá trị gia tăng giảm 17%, thuế thu nhập doanh nghiệp giảm 15,4%.
Ông Nguyễn Thái Sơn – nguyên Trưởng phòng Thuế TNCN, Cục Thuế TPHCM – cho biết, Luật Thuế quy định, khi nhận trợ cấp thất nghiệp (thu nhập trên 2 triệu đồng/tháng) thì phải trừ 10% thuế TNCN; đến cuối năm, sẽ làm quyết toán thuế, nếu thu nhập chia đều cả năm dưới 11 triệu đồng/tháng (mức cũ là 9 triệu đồng/tháng) thì cơ quan thuế sẽ hoàn lại 10% này, còn nếu vượt 11 triệu đồng/tháng thì cơ quan thuế sẽ không hoàn hoặc sẽ thu thêm.
“Do dịch bệnh, khả năng có việc làm ngay rất thấp nên tỷ lệ người lao động được hoàn 10% thuế TNCN có thể nhiều, nhưng vẫn sẽ có trường hợp bị mất 10% thuế TNCN này. Việc trừ 10% thuế TNCN trong điều kiện bình thường là hợp lý, còn trong điều kiện dịch bệnh là bất hợp lý. Bất cập này là do khi soạn thảo Luật Thuế, người ta không dự trù tình huống dịch bệnh, thiên tai” – ông Nguyễn Thái Sơn nói.
Hiện việc thu thuế TNCN nói chung vẫn còn một số điều bất hợp lý và lỗi thời so với nhiều nước trên thế giới. Hiện thuế TNCN tại Việt Nam được tính theo bảy bậc, mức thuế suất từ 5 – 35% tùy theo bậc. Thu nhập bậc một (60 triệu đồng/năm) đóng thuế 5%, bậc hai (trên 60-120 triệu đồng/năm) đóng thuế 10%, bậc ba (trên 120-216 triệu đồng/năm) đóng thuế 15%…
Trong khi đó, tại Singapore, thuế TNCN được chia làm mười bậc, với thuế suất từ 2 – 22%. Người có thu nhập dưới 20.000 SGD/năm (khoảng 430 triệu đồng/năm, tương đương 28,3 triệu đồng/tháng) sẽ được miễn thuế TNCN. Mức thuế 2% bắt đầu được tính khi có thu nhập từ 20.000 – 30.000 SGD/năm; còn mức thuế suất 22% được áp dụng cho người có thu nhập tương đương 5,4 tỷ đồng/năm, tức 450 triệu đồng/tháng. Singapore quan niệm thu thuế càng thấp càng tốt, để người dân cảm thấy không cần phải trốn thuế.
Tại Việt Nam, tổng thu từ người nộp thuế TNCN ở các bậc 1, 2, 3 chiếm số lượng nhiều nhất trong tổng thu thuế TNCN nên sắc thuế TNCN hiện nay chỉ “nắm người có tóc” là người nghèo, người làm công ăn lương, công chức, viên chức. Trong khi đó, nguồn thu từ kinh doanh online, từ các khoản ngoài lương như cát-sê nghệ sĩ, tiền lời từ mua bán, môi giới bất động sản… vẫn bị bỏ sót.
“Dịch bệnh khiến người làm công ăn lương có xu hướng làm thêm nhiều việc để có thêm thu nhập nhưng lại đụng quy định khấu trừ 10% thuế TNCN đối với thu nhập vãng lai từ 2 triệu đồng trở lên. Kinh tế khó khăn, giá cả hàng hóa ngày một tăng, đáng lý ra phải nâng mức chịu thuế thu nhập vãng lai từ 2 triệu đồng lên 5 triệu đồng mới hợp lý” – ông Nguyễn Thái Sơn
bày tỏ.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) – sự suy giảm kinh tế do dịch COVID-19 trong các quý vừa qua đã bộc lộ rõ, với tổng GDP quý III/2020 chỉ tăng 2,62% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất của quý III trong các năm từ 2011 đến nay. Các chi phí như giáo dục, y tế, điện, nước, xăng, dầu vẫn tăng đều đều, thu nhập bình quân của người lao động chín tháng đầu năm 2020 giảm 1,9% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, thuế TNCN và mức giảm trừ gia cảnh chỉ được điều chỉnh từ ngày 1/7 vừa qua với mức tăng rất thấp (mức giảm trừ gia cảnh tăng từ 9 lên 11 triệu đồng và người phụ thuộc tăng từ 3,6 lên 4,4 triệu đồng) khiến người dân phải nộp thuế nhiều hơn. “Dịch bệnh khiến người lao động đang không đủ sức đóng thuế chứ đừng nói đến việc để dành tiền tái tạo sức lao động, chăm lo cho gia đình” – ông Ngô Trí Long nhận xét.
Hiện Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế xem xét không thu thuế TNCN 10% đối với khoản tiền doanh nghiệp hỗ trợ người lao động nghỉ việc do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Theo Thanh Hoa/PNO
Bình luận (0)