Hiện nay, nhiều doanh nghiệp khi tuyển dụng lao động thường đưa ra yêu cầu ứng viên phải có kinh nghiệm 1-2 năm. Vậy với những sinh viên mới ra trường, làm thế nào để lọt vào “mắt xanh”của nhà tuyển dụng?
Không an tâm vì chưa có kinh nghiệm
Vào các trang web tuyển dụng lao động nổi bật hiện nay, chúng tôi thấy dù tuyển ở vị trí nào các doanh nghiệp cũng ưu tiên hoặc yêu cầu ứng viên phải có kinh nghiệm làm việc thực tế ít nhất là 1 năm. Điều này làm cho không ít sinh viên mới ra trường lo lắng, hoang mang vì họ làm gì có kinh nghiệm làm việc thực tế trong suốt 1 năm, có chăng chỉ là vài ba tháng thực tập ngắn ngủi.
Nguyễn Mai Chi, tốt nghiệp ngành tài chính – ngân hàng đã hai năm, trầy trật xin việc ở nhiều công ty mà chưa có kết quả. Mai Chi chia sẻ: “Công ty nào phỏng vấn cũng yêu cầu phải có kinh nghiệm 1-2 năm và biết làm hết việc này đến việc kia trong khi ở nhà trường sinh viên chỉ được đào tạo kiến thức cơ bản. Vậy sinh viên lấy đâu ra kinh nghiệm thực tế để đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng?”.
Sinh viên Trường CĐ Viễn Đông nộp hồ sơ phỏng vấn tại một ngày hội việc làm |
Phân tích vấn đề này, ông Nguyễn Tường Duy, Phó phòng Nhân sự Công ty Samsung Vina, cho biết: “Thông thường, các vị trí tuyển dụng đều ưu tiên người có kinh nghiệm chứ không phải là yêu cầu. Chẳng hạn như trong vị trí tuyển dụng chúng tôi thường nói rõ ưu tiên ứng viên có kinh nghiệm từ 1-2 năm. Điều này không có nghĩa là sinh viên mới ra trường không có cơ hội. Tuy nhiên, một số bạn trẻ lại tự ti, đổ lỗi cho doanh nghiệp về vấn đề này. Thực tế, sinh viên mới ra trường có rất nhiều lợi thế khi cạnh tranh lao động bởi vì họ có sức trẻ, niềm đam mê. Đôi khi những người đã có kinh nghiệm lại có sức ì, chỉ quan tâm đến vật chất, thiếu tính sáng tạo nên không thể cạnh tranh lại với sinh viên mới ra trường đầy nhiệt huyết”.
Khảo sát mới đây của JobStreet.com Việt Nam đối với các doanh nghiệp về nhu cầu tuyển dụng sinh viên mới ra trường, theo đó, nhà tuyển dụng thường cân nhắc tuyển những người mới tốt nghiệp bởi tính nhiệt huyết, khả năng thích ứng cao và dễ đào tạo. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến e ngại khi tuyển dụng sinh viên mới ra trường, bởi 41% nhà tuyển dụng cho rằng đối tượng này thiếu kinh nghiệm liên quan, thiếu chín chắn trong suy nghĩ và thiếu các kỹ năng cần thiết cho công việc; 31% e ngại bởi các bạn trẻ thường có xu hướng nhảy việc cao; 22% cho rằng phải tốn thêm nhiều thời gian đào tạo lực lượng mới ra trường này. Ngoài ra, tiếng Anh cũng là một trong những yếu tố khiến nhà tuyển dụng không an tâm.
Cần học hỏi kỹ năng phỏng vấn
Trong quá trình học ở nhà trường, nhiều sinh viên thiếu hoạt động xã hội nên giao tiếp khá rụt rè, vì vậy khi phỏng vấn thường bị run, khó nói chuyện. |
Theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp, dù có kinh nghiệm hay không thì việc tự trang bị cho mình những kỹ năng khi phỏng vấn có ảnh hưởng rất lớn đến kết quả tuyển dụng. Bác sĩ Hồ Mộng Thùy Dương, Giám đốc đại diện MISD tại Việt Nam, chia sẻ: “Nhiều sinh viên mới ra trường không có kỹ năng viết đơn xin việc, họ chỉ mua mẫu đơn sẵn ở nhà sách rồi viết vào mà không biết cách trình bày lá đơn xin việc như thế nào để thể hiện kỹ năng của mình nên thường nhà tuyển dụng không quan tâm. Hơn nữa, kỹ năng ngoại ngữ, giao tiếp của nhiều bạn trẻ hiện nay còn hạn chế. Một số bạn trẻ thì quá tự ti, nhút nhát, không dám thể hiện. Trong khi một số bạn lại tỏ ra quá tự tin, “chém gió” quá đà mà không giữ được chừng mực để thể hiện mình đã trưởng thành, có trách nhiệm với lời nói nên không thuyết phục được doanh nghiệp”. Đồng tình với ý kiến này, ông Nguyễn Tường Duy cho rằng: “Trong quá trình học ở nhà trường, nhiều sinh viên thiếu hoạt động xã hội nên giao tiếp khá rụt rè, vì vậy khi phỏng vấn thường bị run, khó nói chuyện. Một nghịch lý nữa là có bạn lại quá tự tin, không biết mình biết ta, đặt ra các yêu cầu quá cao cho doanh nghiệp…”.
Bên cạnh đó, thái độ, trang phục, tác phong khi phỏng vấn cũng được các doanh nghiệp đặc biệt chú ý. “Nhà tuyển dụng không vừa ý nhất đối với ứng viên khi mời phỏng vấn là ứng viên vắng mặt, đến trễ, mặc trang phục không phù hợp, không chuẩn bị kỹ lưỡng cho buổi phỏng vấn và không hồi đáp thư mời phỏng vấn từ nhà tuyển dụng”, bà Angie S.W Phang, Tổng Giám đốc JobStreet.com Việt Nam, phân tích.
Bài, ảnh: Dương Bình
Thái độ làm việc trách nhiệm được đánh giá cao Khi được hỏi những yếu tố nào khiến doanh nghiệp quyết định tuyển dụng một sinh viên mới ra trường, phần lớn nhà tuyển dụng đều cho biết họ chú trọng đến thái độ làm việc nghiêm túc, có trách nhiệm, chuyên nghiệp, chịu khó học hỏi cũng như chấp nhận mức lương công ty đề nghị. Tiếp theo đó là kỹ năng giao tiếp và trình độ sử dụng tiếng Anh. Tuy nhiên, về phía ứng viên, sinh viên mới ra trường vẫn chưa đáp ứng được đủ 3 tiêu chí trên từ doanh nghiệp, đặc biệt là thái độ trong buổi phỏng vấn vẫn còn thiếu chuyên nghiệp, chưa có sự cam kết với công việc và doanh nghiệp khi phỏng vấn, và đưa ra yêu cầu về lương cũng như phúc lợi cao hơn kỳ vọng từ nhà tuyển dụng. |
Bình luận (0)