Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Thất vọng khi ca sĩ phòng thu “hát live”

Tạp Chí Giáo Dục

Show diễn Vietnamese concert của Hoàng Thùy Linh khép lại với rất nhiều lời khen về phần nhìn: ý tưởng tốt, hình ảnh đẹp… Nhưng về phần nghe thì cô bị chê hát không có lực, không rõ lời, nhiều tiết mục hát đè, thậm chí bị đặt vấn đề hát nhép.

Lật lại nhiều trường hợp gần đây có thể thấy hát live đang là một trong những “vấn đề” của nhạc Việt. Đêm chung kết Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2023, Chi Pu nhận rất nhiều lời khen, nhưng đó là khen vũ đạo, hình ảnh mà thôi.

Ở một lễ trao giải, Tăng Duy Tân không lên được các nốt cao, dù đó là bài hát do chính anh sáng tác và là “hit” thời điểm đó. Lần khác, tiếng hát của anh lọt thỏm giữa dàn nhạc giao hưởng. Min, Amee đều từng bị phản ứng vì hát live không như những gì khán giả từng được nghe ở các sản phẩm thu âm. “Sự cố” lớn nhất của ca sĩ Bích Phương là lần bị một khán giả chạy lên giật micro trên sân khấu nhưng tiếng hát từ bản thu âm vẫn vang lên. Mỹ Mỹ cũng khiến khán giả đặt vấn đề về việc hát live khi biểu diễn trong một số chương trình gần đây, khi khẩu hình không khớp với lời bài hát.

Chi Pu biểu diễn tại chung kết Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2023  hồi cuối tháng Tám, tại TPHCM - Ảnh do ban tổ chức cung cấp

Chi Pu biểu diễn tại chung kết Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2023 hồi cuối tháng Tám, tại TPHCM. Ảnh do ban tổ chức cung cấp

Chỉ cần dùng từ khóa “ca sĩ Việt hát live” tìm kiếm trên Google, YouTube, TikTok hay Facebook sẽ cho ra nhiều ví dụ tương tự khác.

Điều khiến công chúng thất vọng là những cái tên trên đều có những album, single phòng thu rất thành công. Trong đó, album Link của Hoàng Thùy Linh không chỉ đạt lượt nghe khủng mà còn oanh tạc các giải thưởng âm nhạc, ẵm trọn nhiều giải quan trọng.

Những bài hát như: Bên trên tầng lầu (Tăng Duy Tân), Có em chờ (Min), Tình bạn diệu kỳ (Amee)… đều đạt hàng chục đến hàng trăm triệu lượt nghe, phủ sóng rộng khắp. Trong đó, chất giọng của ca sĩ là yếu tố hàng đầu tạo nên sự thành công, khiến khán giả yêu thích. Từ phòng thu bước lên sân khấu thực, các ca sĩ đã trút bỏ “lớp áo” lộng lẫy, hào nhoáng, vốn dĩ được tạo ra nhờ công nghệ thu âm ngày càng tân tiến, có thể chỉnh sửa đến từng nốt nhạc, hơi thở, khiến khán giả thất vọng, có lúc đến mức ê chề.

Nhiều ca sĩ có chất giọng thực không tốt, việc tận dụng sức mạnh của công nghệ thu âm cũng không đủ để những khuyết điểm được lấp đầy. Có ca sĩ theo đuổi mô hình nghệ sĩ đa năng thì biện bạch rằng không đặt nặng chuyện giọng hát.

Dĩ nhiên, không ai có thể ngăn cản sự phát triển của công nghệ hay xu hướng của làng giải trí. Nhưng với một ca sĩ, giọng hát thực vẫn phải là yếu tố tiên quyết. Trong rất nhiều cuộc phỏng vấn, các nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc đều thống nhất, đó là yếu tố giúp ca sĩ đi đường dài, trụ lâu với nghề, dẫu xu hướng có thay đổi ra sao.

Khán giả không bỏ tiền để đến sân khấu để nghe một giọng hát tệ hay phát lại bản thu từ đĩa nhạc. Việc trau dồi giọng hát, cải thiện kỹ năng chính là cách thể hiện sự tôn trọng khán giả của ca sĩ khi đứng trên sân khấu. Để có thể từ phòng thu bước lên sân khấu thực, ca sĩ phải nỗ lực hết mình để có giọng hát đủ tốt. Nếu chưa đủ lực để hát live, hãy cứ làm tốt ở vị trí ca sĩ phòng thu, đừng tự làm mình mất điểm vì biểu diễn với giọng thực yếu, hát nhép…

Theo Trung Sơn/PNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)