Chật vật mới thi đỗ vào ĐH và tự hào khi trở thành một sinh viên (SV), nhưng khi bước chân vào giảng đường ĐH, họ đã thất vọng.
Thất vọng vì trường không ra trường, lớp không ra lớp. Đó là thực trạng đang diễn ra ở không ít trường ĐH được ra đời một cách ồ ạt trong những năm gần đây.
7 năm chưa có trường
Ngày 15.10.2002, trường ĐH Răng Hàm Mặt (RHM) chính thức có quyết định thành lập. Hiệu trưởng nhà trường lúc đó là GS Trần Văn Trường – Viện trưởng Viện RHM, tự hào tuyên bố, năm 2005, trường ĐH RHM sẽ được xây dựng mới hoàn toàn tại Q.Hoàng Mai, Hà Nội. Nỗ lực phấn đấu để trong một thời gian không dài, xây dựng trường ĐH RHM nhanh chóng trở thành trường ĐH chính quy, hiện đại, ngang tầm các nước trong khu vực và trên thế giới.
Thực tế, đến năm nay, trường đã tuyển sinh và đào tạo được 7 năm nhưng hiện tại ngôi trường hiện đại vẫn không thấy đâu và SV của trường cứ phải đi học nhờ hết chỗ này đến chỗ khác. Có đến đây mới biết, trường có biển tên rất to ở 40A Tràng Thi, Hà Nội nhưng trụ sở chỉ là một tầng trong khu nhà 4 tầng của Viện RHM với tổng diện tích sử dụng khoảng hơn 300m2.
Lớp học thông nhau qua lỗ thủng ở trường ĐH Kinh tế – Kỹ thuật công nghiệp
Hà Nội – Ảnh: C.T.V
Trường gồm có 3 giảng đường, trong đó 1 giảng đường nhỏ khoảng 30-40m2 và 1 giảng đường lớn (do hai giảng dường nhỏ ghép lại). Còn lại là vài phòng chức năng bé tí. Đáng kể nhất là thư viện của trường này với tổng diện tích khoảng… 15m2.. Bên trong, ngoài giá sách, chỉ đủ kê duy nhất một chiếc bàn nhỏ để người thủ thư ngồi.
Một SV đang học năm thứ 4 của trường cho biết: “Khi thi vào trường, em tưởng trường phải to lắm bởi em được nhìn bức ảnh chụp trường rất khang trang và đẹp, khi đến mới biết đây chỉ là cơ ngơi của Viện RHM”. Điều đáng nói là hiện những giới thiệu về trường trên trang web của trường vẫn là những thông tin hoành tráng khiến không ít thế hệ SV bị ảo tưởng.
Mỗi SV được 1m2
Là một trường ĐH công lập, hằng năm có hàng chục ngàn thí sinh đăng ký dự thi, nhưng trường ĐH Kinh tế – Kỹ thuật công nghiệp (cơ sở tại Hà Nội) ở trong tình trạng xuống cấp, rách nát và thiếu thốn. Toàn bộ tổng diện tích của trường chỉ có 1 ha nhưng đào tạo tới 1 vạn SV. Trung bình mỗi SV chỉ được 1m2 (so với quy định tối thiểu của Bộ GD-ĐT đối với những trường học mới thành lập là 9m2/SV). SV phải học theo ca và vào những ngày quá tải họ phải học cả ca tối.
Không chỉ chật hẹp, cơ sở vật chất của trường tại đây đã xuống cấp và không còn đảm bảo môi trường sư phạm. Các lớp học chỉ được ngăn với nhau bằng những lớp gỗ mỏng với nhiều lỗ thủng. Có những lỗ thủng lớn khiến từ lớp học này, SV có thể “theo dõi” bài giảng ở lớp học kia. Khủng khiếp nhất là khu nhà vệ sinh chật hẹp, ẩm thấp, thiếu điện, thiếu nước và luôn trong tình trạng "bốc mùi" khiến những SV ở các lớp học gần đó chịu không nổi.
Các SV của trường phản ánh, khi học ở trường họ rất thất vọng vì cơ sở vật chất phục vụ cho việc học tập quá thiếu thốn. Nhiều SV ngành công nghệ thông tin phải học "chay" vì số lượng máy tính ít, cài đặt không hợp lý… Hiện nay, trường có khoảng 500 bộ máy vi tính, nhưng có tới 8.000 SV đang theo học, chưa kể 2.300 SV mới và hiện chỉ có 50 máy tính được nối mạng internet để phục vụ nhu cầu thực hành.
Một SV đang học năm thứ 3 tại trường cho biết: Mùa hè học rất nóng mà lớp chỉ có 4 cái quạt cho 80 SV, bóng điện hỏng thì không được sửa, lớp học không có hệ thống âm thanh nên rất khó cho thầy cô khi giảng bài. Cơ sở vật chất của trường như vậy nhưng hằng năm trường vẫn tuyển sinh và đào tạo hàng ngàn SV tại đây. Thế nhưng những thông tin mà trường giới thiệu trên trang web của trường vẫn rất hoành tráng (có lẽ nơi mà trường giới thiệu là cơ sở đào tạo của trường ở một tỉnh khác mà nơi đây không phải là nơi SV đăng ký học).
Với những thông tin không đầy đủ đã khiến SV khi lựa chọn vào trường đã phải miễn cưỡng chấp nhận. Điều đáng nói đây không chỉ là thực trạng diễn ra ở hai trường này. Ở rất nhiều các trường, những thông tin về nhà trường đều không được công khai thậm chí là có công khai thì cũng không đúng thực tế.
Vũ Thơ – Tuệ Nguyễn (TNO)
Bình luận (0)