Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Thất vọng với phim sinh tồn Việt

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều phim điện ảnh Việt khai thác chủ đề sinh tồn ra rạp thời gian qua có kịch bản chắp vá, tình tiết vô lý, thiếu thuyết phục nên nhận nhiều lời chê hơn khen

Liên tiếp các tác phẩm không tạo dấu ấn về doanh thu lẫn độ truyền miệng khiến kỳ vọng "đi để thành đường" cho phim sinh tồn Việt vẫn còn xa.

Doanh thu thấp dần

Phim sinh tồn Việt gần nhất ra rạp phục vụ khán giả là "Virus cuồng loạn" do Nguyễn Ngọc Nhất Duy làm đạo diễn. Tác phẩm đề cập một đoàn phim đang quay về đại dịch xác sống ở khu nghỉ dưỡng giữa chốn rừng núi hoang vu. Cả đoàn kinh hãi khi bất ngờ các thành viên trở thành xác sống thật do thực phẩm bẩn, độc hại. Những người chưa bị lây nhiễm virus xác sống nỗ lực sinh tồn, tìm đường đến sân bay, mong trở lại được thành phố, thoát khỏi tình cảnh khốn cùng.

"Virus cuồng loạn" có kịch bản thiếu hợp lý, tình tiết khó hiểu, nguyên nhân dẫn đến thảm kịch xác sống cũng chưa có sự lý giải thuyến phục. Tạo hình vốn quan trọng trong các phim sinh tồn nhưng trong "Virus cuồng loạn" không được chăm chút tỉ mỉ, không đạt hiệu ứng gây ấn tượng cho người xem.

Thất vọng với phim sinh tồn Việt - Ảnh 1.

Phim “Virus cuồng loạn” có doanh thu thấp. Ảnh chụp màn hình

Ngoài những hạn chế vừa nêu trên, dàn diễn viên trong "Virus cuồng loạn" diễn xuất đơ cứng và kỹ xảo kém khiến phim không thu hút được khán giả. Ra rạp từ ngày 4-11, theo Box Office Vietnam – chuyên trang thống kê doanh thu phòng vé độc lập, có chênh lệch nhất định – tính đến trưa 13-11, phim này chỉ thu được hơn 142 triệu đồng tiền vé. Đây là con số thấp đến mức khó tin cho một tác phẩm điện ảnh.

Cùng cảnh ngộ như "Virus cuồng loạn", "Trò chơi tử thần" – phim sinh tồn hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản, do Kazuhisa Yusa đạo diễn – ra mắt từ ngày 23-9 cũng lặng lẽ rời rạp. Phim này thu được hơn 597 triệu đồng, bị chê từ kịch bản đến diễn xuất dù cố gắng quy tụ những diễn viên được khán giả trẻ yêu thích như Ngô Kiến Huy, Hoàng Yến Chibi… Với nội dung thiếu hợp lý, tình tiết nhạt nhẽo, không cho thấy được sự khốc liệt của game sinh tồn nên "Trò chơi tử thần" chẳng tạo được hiệu ứng nào.

Trước đó, phim "Cù lao xác sống" của đạo diễn Nguyễn Thành Nam cũng nhận về không ít "gạch đá" bởi sự thiếu trau chuốt trong kịch bản và hóa trang không đúng chuẩn. Khán giả xem phim nhận định tác phẩm này kinh dị không ra kinh dị, hài không ra hài, cảm xúc bị cắt mạch dẫn đến tình tiết hài hước không gây cười mà cảm động cũng chẳng khiến ai khóc. Dù "Cù lao xác sống" đạt doanh thu khá hơn – với 12 tỉ đồng, nhờ ra rạp lâu hơn – song mức trung bình doanh thu cho phim điện ảnh phải ít nhất là 20 tỉ đồng mới có thể hoàn vốn.

Có thể thấy doanh thu của phim sinh tồn Việt có xu hướng thấp dần, càng về sau càng thấp. Theo những người trong cuộc, phim sinh tồn là câu chuyện mới ở điện ảnh Việt nhưng đã rất quen thuộc ở các nền điện ảnh phát triển như Mỹ, Hàn Quốc… Các nước này từng tạo ra nhiều tác phẩm kinh điển, nhắc đến là nhớ, khai thác đề tài đa dạng, thuyết phục cả về kịch bản lẫn các yếu tố như kỹ xảo, diễn xuất.

"Phim Việt đi sau, cần phải nỗ lực nhiều hơn trong việc chinh phục khán giả vốn đã được tiếp cận những tác phẩm hay về chủ đề này. Tôi nghĩ kịch bản vẫn là chìa khóa quan trọng cho sự thành bại của phim sinh tồn Việt" – nhà biên kịch Đông Hoa nhận xét.

Làm sao để chinh phục khán giả?

Việc nhiều tác phẩm sinh tồn không đạt chất lượng ra rạp thời gian qua được người trong giới nhận định sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến niềm tin của khán giả đối với dòng phim khai thác chủ đề này. Vì thế, nhà làm phim cần phải có những kịch bản, tạo ra những câu chuyện vừa ấn tượng vừa gần gũi, chinh phục được khán giả.

Theo đạo diễn Kay Nguyễn, đây không phải là điều dễ dàng bởi khán giả trẻ thường là đối tượng thích phim sinh tồn, họ cũng xem nhiều phim của các nước, tiếp cận những tác phẩm điện ảnh chất lượng về chủ đề này. Vì vậy, nếu phim sinh tồn Việt không hay thì khó kéo khán giả trẻ đến rạp.

Phim sinh tồn thường xoay quanh câu chuyện với bối cảnh ở một căn nhà, một khu rừng, một thị trấn… – nơi có những nhóm người gánh chịu một mối đe dọa tính mạng như dịch bệnh chết người, quái vật hung tợn. Giữa lằn ranh sống chết, họ phải đấu tranh để tồn tại. Trong kết cấu chung này, điều quan trọng nhất là phim phải tạo ra một hoàn cảnh sinh tồn đủ sức mê hoặc khán giả.

"Nhân vật đối diện với nỗi sợ hãi lớn nhất trong đời, tranh đấu để vượt qua nó cùng những bài học rút ra. Nhân vật có sự thay đổi nội tâm, trưởng thành hơn sau giây phút sống còn. Những nội dung này phải được thể hiện gần gũi, chân thật, sao cho vừa hấp dẫn khán giả vừa giúp họ thấu hiểu thông điệp của phim" – nhà biên kịch Khánh Hoàng bày tỏ.

Trong "Cù lao xác sống", để nhấn mạnh yếu tố văn hóa bản địa, nhà làm phim đã cài cắm các đoạn ca cải lương ở nhiều phân cảnh nhưng lại không hợp lý. Điều đó dẫn đến cảm xúc bị ngắt mạch, khiến khán giả bật cười hơn là xúc động như ý muốn của nhà làm phim. Việc phản tác dụng này cho thấy ở phim sinh tồn, tính hợp lý cần được chú trọng. Những tình tiết hư cấu cũng cần phải có tỉ lệ phù hợp trong cả mạch phim.

Theo các nhà chuyên môn, phim sinh tồn Việt được đánh giá là mảnh đất màu mỡ, đầy tiềm năng. Song, để khai thác thành công thì nhà làm phim cần phải chuẩn bị thật tỉ mỉ kịch bản, câu chuyện cần kể phải thật hấp dẫn. Cần có một tác phẩm bứt phá, chinh phục được khán giả, tạo dấu ấn doanh thu, qua đó dần củng cố niềm tin của khán giả vào chủ đề phim này.
Theo Minh Khuê/NLĐO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)