Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Thầy “bảo mẫu”

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

“Nghề nào cũng có cái khó của nó, kể cả nghề nuôi dạy trẻ, các bạn nữ làm được thì tại sao đàn ông tụi tui lại không. Tui nghĩ chỉ cần có tấm lòng yêu trẻ là có thể làm được tất cả”. Người thầy với 12 năm gắn bó với trẻ mầm non đã trải lòng nói về cái nghề tréo ngoe nhưng đáng yêu, đáng quý này.

Thầy giáo như… “mẹ hiền”
Thầy Hiền đang dạy học sinh xếp hình. ẢNH: LÊ LINH
“Thầy Hiền ơi, bạn Hân không chịu ăn nè thầy…” – đang ngồi đút cho bé Minh Phúc, nghe réo thầy Hiền lại chạy qua đút cho bé Hân, rồi cứ xoay lần lượt hết bé này đến bé khác.
Nhiều bé ăn được nửa chén cháo lại ngậm không chịu ăn tiếp. Tay đút bé này, miệng dỗ dành bé kia, rồi lại quát bé ở xa đang cào lên mặt bạn… Cứ thế, thầy Hiền ép từng bé ăn cho xong phần của mình.
Ở một góc trong lớp Chồi 3, một bé sau khi ăn xong tự dưng nôn ra cả sàn nhà.Thầy Hiền lại tất tả chạy đi vắt khăn, lau mặt cho bé và dọn sạch chỗ bẩn… Sau bữa ăn, thầy tất bật dọn dẹp chén, muỗng, lau bàn, lau nền nhà để chuẩn bị chỗ chơi cho các bé…
Chỉ qua vài mươi phút, chúng tôi đã thấy chóng mặt với công việc của thầy. Vậy mà đó là những công việc hết sức bình thường của “thầy nuôi dạy trẻ” Lê Minh Hiền, phụ trách lớp chồi 3 Trường Mầm non thành phố.
Hàng ngày, thầy Hiền đều có mặt ở trường trước 6 giờ 30 để vệ sinh dọn dẹp và lau phòng, tráng từng cái ly cho các bé. Đến 7 giờ, thầy ra trước lớp đón từng bé từ tay phụ huynh rồi dẫn vào lớp, sắp xếp góc chơi, hướng dẫn tập thể dục buổi sáng, dạy các bé hát…
Những công việc chăm sóc trẻ tỉ mỉ tưởng chừng như chỉ có các cô giáo mới làm được, nhưng thầy Hiền chứng minh điều ngược lại: các trẻ cũng mê thầy không kém – thầy giáo như… “mẹ hiền”.
Không ít người mỉa mai và cười: Đàn ông con trai gì mà đi dạy mầm non, chắc là cậu ấy có vấn đề… Năm 1996, anh Lê Minh Hiền dù học xong khóa kỹ thuật cơ khí máy tàu nhưng vẫn “liều mình” thi vào Trường Trung học Sư phạm mầm non TPHCM.
Nhớ lại khi ấy, anh cười: “Lúc đó gia đình tui ngăn cản dữ lắm, không ít lần tui cũng thấy kỳ kỳ, nhưng tới khi nhận được giấy báo trúng tuyển, tui vui thật sự. Sau đó, tiếp xúc các trẻ, thấy chúng hồn nhiên vui đùa, trong lòng như quên hết cực nhọc, quên cả lời đàm tiếu”.
Công việc, tình yêu thương của các bé, sự đồng cảm của đồng nghiệp giúp anh yêu nghề hơn. Đã có lúc bạn bè anh ái ngại giới thiệu chỗ làm tốt hơn, mức lương hấp dẫn hơn nhưng anh từ chối vì tự trong tim anh biết không thể dứt ra được cái nghề tréo ngoe này.
“Nghề nào cũng có cái khó của nó, các bạn nữ làm được thì tại sao nam nhi tụi tui lại không. Tui nghĩ chỉ cần yêu trẻ là có thể làm được tất cả, từ lau chùi phòng ốc, đút cho các cháu ăn, cột tóc cho các bé…” – thầy nói nhỏ – “nhưng đừng bắt tui múa”. May cho thầy, cái khoản dạy múa trong lớp đã có cô Linh Chi hỗ trợ, nên mọi việc còn lại đều để cho thầy.
Cô Linh Chi có cái nhìn khác: “Giáo viên nam dạy mầm non lại có cái uy của người cha, nếu được thêm sự dịu dàng, khéo léo của người mẹ thì các bé càng răm rắp nghe theo. Chưa kể nhiều lúc trong lớp bóng đèn cháy, bảng sút đinh thầy cũng kịp thời sửa chữa, khỏi phải chờ bảo vệ”.
Với sự chăm chỉ, năng nổ làm tốt công tác chuyên môn lại đảm đương chức vụ bí thư Đoàn trường nhiều năm liền nên thầy Hiền được đồng nghiệp tín nhiệm, học sinh yêu mến.
Niềm đam mê của “mì chính cánh”
Tuy nhiên, không ít phụ huynh không thích thầy, tỏ vẻ khó chịu ra mặt, họ yêu cầu phải có nữ giáo viên chăm sóc các bé gái. Lời lẽ nhiều khi trở nên gay gắt. Năm nào cũng vậy, cứ dịp đầu năm là thầy Hiền cũng bị stress về chuyện này. Nhưng rồi sự tận tụy với nghề, thầy vượt qua hết, các bậc phụ huynh cũng cảm thông.
Bà nội của bé Minh Thức đến đón cháu tươi cười: “Thầy Hiền chịu khó, chăm sóc và thương các cháu nên sau khi chị của Minh Thức học thầy, “tốt nghiệp” bậc mầm non vào lớp 1, gia đình tôi lại tiếp tục gửi Minh Thức vào lớp chồi của thầy Hiền”.
Chăm chỉ, tỉ mỉ chăm sóc các cháu không khác gì người cha, người mẹ nhưng thầy là “mì chính cánh” hẳn hoi, rất nam tính. Bởi vậy mà bà mẹ vợ đã nhất quyết bắt rể ngay từ khi con gái đưa anh về giới thiệu.
“Ở nhà, phòng nó lúc nào cũng như trường mẫu giáo, giày dép lúc nào cũng ngăn nắp, còn đồ dùng dạy học nó làm để đầy phòng, tôi chọc nó là coi nhà như trường mầm non”, bà Vương Thị Tú Uyên, mẹ vợ của thầy Hiền vui vẻ kể.
Đã hơn 12 năm gắn bó với nghề, nhưng mỗi khi nhớ lại thầy Hiền vẫn phải bật cười: “Hồi mới vào trường dù các cô đã giới thiệu có thầy đến dạy lớp nhưng khi mình bước vào các bé vẫn đồng loạt hô lên “chúng con chào cô ạ”, khiến mình cứ lóng nga lóng ngóng không nói được lời nào”.
Thầy Hiền còn khoe: “Làm giáo viên mầm non như tụi mình luôn trẻ mãi không già, bởi lúc nào tụi mình cũng vui vẻ, hòa đồng, nô đùa cùng các em thì còn thời gian đâu mà nghĩ tới những chuyện buồn”.
Ở góc độ khác, cô Quách Thị Thúy Quỳnh, Hiệu trưởng Trường Mầm non thành phố cho rằng: “Từ trước đến nay xã hội vẫn cho rằng thầy giáo đi dạy mầm non là chuyện lạ, nhưng thực tế ngành học này có nam đều rất tốt, bởi trong lớp các bé sẽ cân bằng về tâm lý như đang ở nhà có cả ba và mẹ. Có lòng thương yêu trẻ thật sự thì mới bám trụ được với nghề như thầy Hiền”
LÊ LINH (SGGP)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)