Y tế - Văn hóaThư giãn

Thầy Báu

Tạp Chí Giáo Dục

Gần đến ngày đi thực tế ngoài Côn Đảo thì đài thông báo có bão. Trại viết của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh tổ chức tại nhà sáng tác Vũng Tàu thay đổi kế hoạch chuyển sang tham quan nhà máy sản xuất phân bón Ong Biển.

Tổng Giám đốc nhà máy Ong Biển bố trí 2 xe chở chúng tôi đi thăm thú một số trang trại nuôi gà rừng, vịt trời, lợn ri, chim yến. Anh dẫn đi chơi mấy nhà vườn ở Bà Rịa, Vũng Tàu. Tối đến, hội đồng hương tổ chức gặp mặt các văn nghệ sĩ quê hương. Có những người lặn lội từ thành phố Hồ Chí Minh về dự. Mọi người cụng li chúc tụng nhau. Rồi nói, rồi cười, rồi vỗ tay, sung sướng, hả hê… Một anh bạn nhà thơ tỏ vẻ sành điệu đến khoác vai, ngoắc tay cùng cô nhân viên tiếp thị nhà hàng, uống ừng ực một hơi cạn hết lon bia. Hai người lật úp lon bia giơ lên cao rồi thả xuống nền nhà cái cạch trong tiếng reo hò của mọi người.

 Ăn uống no say, chúng tôi chuyển sang hát karaoke. Màn hình bật sáng, tiếng nhạc nổi lên. Nhà thơ Văn Chương xông đến cầm lấy micro hát bài đầu tiên. Nhạc sĩ Nguyệt Ánh ôm cây đàn ghi-ta trình làng nhạc phẩm vừa mới sáng tác. Chị hát về Vũng Tàu, hòn Bà, bãi Trước, bãi Sau, mũi đón gió Nghinh Phong. Chất giọng khàn khàn, trẻ trung, khoan thai, tràn đầy sinh lực…  

Có một ông già lặng lẽ ngồi suốt buổi chẳng nói năng gì. Ông không dùng mồi nhậu, thỉnh thoảng lại hớp một ngụm bia. Lúc cao hứng ông hất cái đầu hơi hói ra phía đằng sau. Trán láng bóng, mái tóc bạc trắng để dài như bờm con ngựa chiến tung lên buông xuống rập rờn. Có lẽ ông già chưa đến tám mươi. Khoảng bảy bảy, bảy tám gì đó. Sau tiết mục của nhạc sĩ Nguyệt Ánh, ông tự tin bước lên sân khấu. Ông hát bài “Xa khơi”. Một ông già hát bài tình ca. Nét mặt ông có vẻ tâm trạng lắm. Có cái gì đó ngồ ngộ, thân quen. Nó lờ mờ hiện lên trong ký ức của tôi. Đúng rồi! Thầy Báu.

*
*      *

Thầy Báu về dạy môn kỹ thuật Trường Phổ thông Nông nghiệp ở làng tôi. Hồi đó cả xã chưa có trường phổ thông cấp 2. Trường Phổ thông Nông nghiệp là ngôi trường chung của cả huyện. Hình thức giống trường cấp 3 vừa học vừa làm ngày nay. Có điều, sau ngày hòa bình lập lại đội ngũ giáo viên còn thiếu, người mù chữ còn nhiều, có những người đã có vợ con cũng đi học. Ban đầu trường chỉ có lớp 5. Dần dà có thêm lớp 6 và lớp 7. Khi tôi vào học lớp 5, trường đã có đủ 3 khối, mỗi khối 2 lớp. Tốt nghiệp cấp 2, nhiều người vào học cấp 3 trong Đồng Hới. Đa số đi công nhân xây dựng nông trường. Trường dựng giữa cánh đồng làng. Khuôn viên rộng hơn hai mẫu tây. Có vườn thực nghiệm trồng cây ăn quả và cây cao su. Có ruộng thí nghiệm trồng khoai, trồng lúa. Thầy Báu chỉ đạo toàn trường đào một cái hồ cá hình vuông diện tích hơn 5 sào ruộng. Hồ sâu gần 2 mét, học sinh 6 lớp đào ròng rã gần 5 tháng trời mới xong. Ở giữa hồ có một hòn đảo hình tròn nổi lên trên mặt nước để vịt và ngan ngỗng nghỉ chân. Dưới hồ nhà trường thả cá tràu, cá gáy và trê phi. Các loại cá này ăn chìm mà cũng đã lớn nên ngan vịt không thể ăn được. Trên bờ có một dãy nhà dài che các bể cạn nuôi lươn xây bằng xi măng. Có bể nuôi lươn con, có bể nuôi lươn thịt. Chúng tôi đi thả trúm đơm lươn đến tặng cho nhà trường làm giống. Thầy Báu chỉ nhận những con lươn nhỏ bằng chiếc đũa trở xuống. Thầy bảo các em hãy mang những con lươn to, vàng, béo múp này về nhà mà nấu cháo. Những con lươn đó đẻ hết trứng đã trở thành lươn đực rồi. Thì ra giống lươn thay đổi giới tính. Thầy nói đó là đảo ngược giống. Sau khi đẻ trứng xong buồng trứng của lươn biến thành tinh hoàn. Hàng ngày bọn học sinh lớp 5 chúng tôi đi đào giun đất hay đi tát cá, bắt tép về cho lươn ăn.

Thầy Báu ở trọ đặt cơm tháng nơi nhà ông mẹt Phìa. Họ nói nhà ông mẹt Phìa có cô con gái út đẹp lắm nhưng thầy không ưng. Tối tối, cô giáo Liên dạy văn cùng trường hay đến chơi với thầy. Cô đến để nghe nhạc. Thầy lấy cái máy hát đĩa than quay tay đặt trên chiếc bàn giữa nhà. Ai cũng đinh ninh là thầy Báu ưng cô. Tôi và thằng Việt đứng ngoài bụi chuối rình xem thầy cô trò chuyện. Có một bữa thầy mở bài hát “Xa khơi” cho cô Liên nghe. Đến đoạn “Ơi phong ba lướt xô mái chèo ta xa bờ/ Phong ba sóng cồn lòng ta mong chờ/ Kề vai bên nhau nắng biển cùng mưa nguồn/ Kề vai bên nhau em kề bên anh thương…” thầy khe khẽ hát theo, tay vỗ nhịp xuống mặt bàn. Tiếng hát mượt mà, sâu lắng, tình cảm lắm. Cô Liên nắm lấy bàn tay nhìn thầy đắm đuối. Thầy cười, khẽ gỡ bàn tay cô Liên ra. Anh nhớ cô ấy lắm Liên ạ. Đã sáu, bảy năm rồi không còn nhận được một lá thư nào nữa. Không biết trong ấy cả nhà anh sống chết ra sao. Đôi mắt đượm buồn hình như có nước. Thầy mơ màng nhìn về phương Nam. Phương trời xa xăm ấy có quê hương Gio Linh của thầy. Chắc thầy nhớ nhà lắm. Thầy nói với cô Liên, trước khi đi tập kết hai người đã dạm hỏi rồi, chờ ngày thống nhất sẽ về làm đám cưới. Tưởng sau hai năm tổng tuyển cử là về, thế mà ngày này qua tháng khác vẫn bặt tin nhau. Ba tháng nghỉ hè, thầy lặn lội đến chơi nhà một người bạn ở thị trấn Hồ Xá để được ngày ngày đứng bên cầu Hiền Lương nhìn sang. Bên đó bọn Mỹ, Diệm lê máy chém đi khắp miền Nam giết hại đồng bào đồng chí, những người đã từng tham gia kháng chiến. Đứng nghe lỏm chuyện của thầy, tôi thấy thương thầy quá. Tôi muốn chạy lại ôm lấy thầy Báu mà khóc. Thương nhớ miền Nam, thương nhớ quê hương, thầy vẫn chung thủy với người vợ chưa cưới mà không màng đến một mối tình nào nữa nơi đất khách quê người…

Ngày mồng 5 tháng 8 năm 1964, giặc Mỹ mang bom bắn phá miền Bắc. Thầy Báu tình nguyện vào miền Nam chiến đấu. Chúng tôi tiễn thầy đến bến đò Cửa Hác. Chiến tranh ngày càng ác liệt. Bạn bè tôi, những người lớn tuổi cũng bỏ học dở chừng để lên đường. Có những người phải giấu đá vào túi quần cho đủ cân. Tôi sức khỏe lúc đó chưa đạt B2. Học tiếp cấp 3, tôi vào ngành sư phạm đi dạy học. 

Cuối năm 1971, chuẩn bị cho “mùa hè đỏ lửa”, tôi có giấy báo lên đường nhập ngũ. Sau 6 tháng học trưởng xe tôi được biên chế vào Lữ đoàn xe tăng 203. Đánh nhau mấy trận ở chiến trường Trị – Thiên, năm 1973 lại chọi nhau với xe tăng địch tại Cửa Việt. Quân ta đã chiếm lại vùng giải phóng, đánh bật sư đoàn thủy quân lục chiến của địch ra khỏi bến cảng. Hiệp nghị Paris có hiệu lực, giặc Mỹ đã phải cuốn cờ rút về nước. Tôi được về phép mấy ngày. Đi qua làng thầy Báu, một cô du kích nói với tôi, chị Cúc người vợ chưa cưới của thầy Báu vẫn không lấy ai. Hình như họ đã gặp lại nhau trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968. Nhà thầy Báu giờ chẳng còn ai nữa. Bị bọn Mỹ đã giết chết hết cả nhà.

Mùa xuân 1975, giải phóng Thừa Thiên – Huế tiếp đến chiến dịch Quảng – Đà, đơn vị tôi hành quân thần tốc tiến vào Sài Gòn. Nhiệm vụ của Lữ đoàn xe tăng 203 và các lực lượng phối thuộc là lực lượng dự bị thọc sâu của chiến dịch Hồ Chí Minh, đánh thẳng vào Dinh Độc Lập. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu lúng túng điều binh khiển tướng lung tung. Bị thất bại ê chề, buộc phải từ chức, Thiệu đổ lỗi cho người Mỹ: “Mỹ đánh không lại Cộng sản nên bỏ mặc Việt Nam cộng hòa”. Thiệu điên tiết kêu gào tử thủ: “Dù mất một tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, quân đội vẫn còn một trung tướng Nguyễn Văn Thiệu. Tôi nguyện sẽ chiến đấu kề bên anh em chiến sĩ…”. Thiệu tuyên bố hùng hồn là thế mà bốn ngày sau ôm theo một mớ vàng, bí mật chuồn ra nước ngoài trong một đêm mờ mịt tối. Quân ta đi như nước vỡ bờ, thế tiến công làm chuyển rung thành phố. Bốn quân đoàn, năm cánh quân ào ạt tiến về Sài Gòn.

Đêm 29, rạng ngày 30 tháng 4, lữ đoàn tôi phải vượt qua sông Buông để vào Sài Gòn. Sau khi rút chạy bọn địch đã đánh sập cầu. Pháo địch từ trong Tân Sơn Nhất, Gò Vấp, Thủ Đức bắn tới như mưa. Đạn địch cày tung đường sá nhà cửa. Lửa khói đạn bom ngút trời. Những vớt vát cuối cùng “còn nước còn tát”, địch tung hết số máy bay còn lại vào trận cuối. Bao nhiêu đạn dược chúng đổ xuống đây nhằm ngăn cản bước tiến quân của ta. Chúng tôi cho xe nổ máy và đứng làm lá chắn để anh em công binh sửa chữa cầu. Cầu chữa xong thì một loạt bom bi địch rải xuống. Những tiếng nổ ầm ầm. Có tiếng la thất thanh “Anh Báu bị rồi”. Như bị điện giật tôi nhảy xuống. Dưới ánh sáng của đạn pháo rực trời, người lính bê bết máu. Đúng là thầy Báu thân yêu của chúng tôi. Thầy đang chỉ huy bộ đội công binh sửa chữa cầu. Tôi bế thốc thầy lên xe vượt qua sông. Thầy được chuyển về trạm quân y tiền phương rồi chuyển tiếp đến bệnh viện trong thành phố.

Ngày 30 tháng 4, Sài Gòn rực rỡ cờ hoa. Đồng bào đổ ra đường đón chào quân giải phóng. Đất nước hát khúc khải hoàn ca thống nhất.

Hết chiến tranh tôi được điều về tiểu đoàn trợ giáo, rồi sang phòng kỹ thuật Trường Hạ sĩ quan xe tăng 1. Đại tá Bùi Văn Tùng, Chính ủy Lữ đoàn 203 của chúng tôi cũng về đây làm Hiệu phó nhà trường. Ông là người đã viết cho Tổng thống Dương Văn Minh đọc lời đầu hàng trước Đài Phát thanh Sài Gòn.

Trường Hạ sĩ quan xe tăng 1 đóng ở xã Phước Tân, ngay trường Thiết giáp cũ của địch. Xung quanh là bom mìn và bạt ngàn cây cỏ Mỹ. Có những cái hầm sâu bọn địch đào để nuôi rắn Thái Lan chống đặc công ta. Nhiệm vụ của chúng tôi là gỡ bom mìn còn lại của địch, xây dựng lại hệ thống nhà xe. Mỗi năm đón một khóa tân binh, đào tạo các kíp xe bổ sung cho quân đội. Một người lái xe nói với tôi: “Người bạn của ông bên công binh dạo nọ bị thương vào bộ phận sinh dục nay không thể có con được nữa, nghe nói ông ấy chẳng về quê mà đi dạy học. Ông ấy muốn giải phóng cho bà vợ ở quê lấy chồng”.

Vì hoàn cảnh gia đình nên mấy năm sau tôi cũng chuyển ngành về quê. Bà con trong làng đến thăm rất đông. Ông mẹt Phìa hỏi: “Cháu có lần nào gặp được thầy Báu không. Sau giải phóng, người yêu của thầy có ra nhà bác hỏi. Chị ấy đã đi khắp các trại thương binh tìm kiếm nhưng không có. Chị ấy nói suốt cuộc đời này vẫn ở vậy chờ thầy”…

*
*      * 

Thời gian vẫn cứ thế, quy luật nghiệt ngã của muôn đời. Năm tháng trôi đi như dòng nước chảy, nhưng nỗi nhớ thương, nỗi đau còn đó. Sáu chục năm trong một đời người, lời hẹn ước để một đời dang dở. Nay ông mẹt Phìa qua đời đã lâu lắm rồi. Chúng tôi, những học trò của thầy Báu cũng đã nghỉ hưu lâu rồi. Thầy Báu có biết đâu có một người phụ nữ năm nào cũng mải miết đi tìm. Năm nào cũng gửi thư ra hỏi thăm tin tức của thầy. Đột nhiên năm nay tôi không còn nhận được lá thư nào của chị nữa. Không biết chị có còn sống không?

Hoàng Minh Đức

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)