Công viên 30/4, nơi giải trí của nhiều sinh viên |
Công viên là nơi mọi người thường xuyên lui tới để tìm một chút không khí thoáng đãng giữa cái ồn ào, tấp nập của thành phố. Tuy nhiên hiện nay, một số công viên ở TP.HCM còn là nơi lui tới của các “thầy” với đủ mọi phương thức bói toán.
Đủ mọi phương thức bói toán
H. và T., sinh viên Trường ĐH Y dược TP.HCM đang ngồi ở góc “cà phê Hàn Thuyên” (Công viên 30/4) thì một người phụ nữ trạc tuổi 40 đến hỏi thăm: “Xem bói không hai cô?”. Hai cô gái ngơ ngác nhìn, “ở đây còn có dịch vụ bói toán nữa cơ đấy?”. Lợi dụng lúc hai cô gái trẻ đang phân vân, “thầy” đưa ra hàng lô hàng lốc những chiêu thức đánh vào tâm lý của “miếng mồi” nhìn có vẻ cả tin này. Nào là “Hai cô có xem được thì xem, không xem thì tôi đi. Xem quẻ có 10 ngàn thôi à! Xem tình cảm, sự nghiệp, gia đình, bổn mạng…”. Cũng đang phân vân về chuyện công việc, tình cảm của mình, T. nghĩ “có 10 nghìn nhiều nhặn gì đâu, cứ coi đại đi vậy”. Thế là T. và H. bắt đầu ngồi bệt xuống để chăm chú vào lời phán của thầy.
Hầu hết, những người không tin vào chuyện bói toán đều tỏ thái độ bị làm phiền. Vì vậy, “thầy” nghĩ ra rất nhiều độc chiêu để hấp dẫn, lôi cuốn họ. Mà lời nói đầu tiên rất hiệu quả đối với thầy là “cô không thích xem thì có trả tiền triệu tôi cũng không xem cho đâu”. Nói là như thế, nhưng sau đó là hàng loạt những hành động để họ phải chú ý.
N. (sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) có thể nói là người rất ít khi tin vào chuyện bói toán, đang uống nước với bạn ở công viên thì “thầy” lại hỏi thăm. N. không quan tâm nhưng bạn của N. lại có vẻ như thích thú. Vậy là N. cũng chiều lòng bạn mình vậy. Khi thầy sắp “phán”, N. trừng trừng nhìn vào “thầy”, hỏi được vài ba câu, thấy thái độ của N. có vẻ như không tin mà còn bới móc cái gì đó ở mình, “thầy” bảo: “Cô này không tập trung, không tin lời tôi thì cô có trả tiền triệu tôi cũng không có xem cho cô nữa. Mà cô có người âm đi theo nên rất khó xem đấy”. Cô bạn bên cạnh trông có vẻ ngây thơ, háo hức, tin tưởng hơn nên “thầy” chuyển đối tượng. Sau khi hỏi xong tên tuổi và ngắm kĩ mặt mày, thầy bắt đầu hành nghề. Nào là chuyện công việc, chuyện tình cảm, chuyện gia đình, cảnh giác với cái này cái nọ… Nghe “thầy” “phán” cái gì, cô cũng gật đầu khen đúng và cười vui vẻ. Vậy là N. cũng phân vân, “chắc “thầy” này “phán” đúng rồi”. Sau khi “phán” cho bạn của N. mấy quẻ xong, thấy N. có vẻ đã nửa tin, nửa ngờ “thầy” chớp nhanh cơ hội bảo: “Thế bây giờ tôi xem cho cô nhé. N. gật đầu, đồng ý ngay và thái độ không như trước nữa. Vậy là thầy và cả tín đồ xúm lại coi gần hết cả tiếng đồng hồ. Hết xem mặt mũi, chỉ tay rồi đến cả bói bài… “thầy” sử dụng đủ mọi chiêu thức để có thể lấy được lòng tin từ “khách hàng”.
Giá cả không… quá rẻ
Chiêu thức làm ăn của “thầy” là không bao giờ đến những nơi tập trung đông người mà chỉ tìm vài cô gái mặt mũi còn ngây thơ, “dễ tin người”, vì đến nơi đông người “kiểu gì chẳng gặp kẻ khôn, không khéo mình mất nghề”, một “thầy” chuyên hành nghề ở khu vực cà phê Hàn Thuyên lỡ lời kể với ông bạn của mình.
Mỗi ngày thu nhập của các “thầy” cũng khá nhiều, ngày nào gặp may có lúc lên đến cả mấy trăm nghìn, đặc biệt là những ngày nghỉ lễ hoặc khi gặp phải khách “xịn” cứ thoải mái mà “vòi tiền”. Chị H., một người bán cà phê dọc Công viên 30/4 kể: “Tôi làm cật lực, chạy ngược chạy xuôi mà mỗi ngày cũng chỉ kiếm được có vài trăm chứ đâu như các “thầy” có ngày kiếm được cả triệu bạc mà chả phải vốn liếng gì. Phải công nhận thời buổi này mà vẫn còn nhiều người nhẹ dạ cả tin thật”. Chị chủ quán nói tiếp: “Mỗi lần thấy “thầy” hỏi thăm một vài khách hàng của tui là tui đều nháy mắt ra ký hiệu hết rồi mà chẳng có ai chú ý cả. Họ cứ dán mắt vào những gì mà “thầy” sắp “phán” thì còn để ý đến người khác làm gì”.
Câu đầu tiên mà thầy dụ khách hàng là quẻ có 10 nghìn. Khách hàng cứ tưởng hết có 10 nghìn là xong chứ đâu biết các thầy “bói” hết quẻ này đến quẻ khác. Vì vậy mà có người mất cả tiền trăm. Nhưng trung bình, mỗi lần bói thầy “phán” 4 quẻ, tổng cộng là 40 nghìn đồng.
Hai cô gái vừa dừng chiếc xe honda ở công viên thì “thầy” tất tả cầm bộ bài chạy đến. Nghe đến bói bài, các cô cũng cảm thấy hứng thú và theo lời quảng cáo của thầy quẻ chỉ có 10 nghìn đồng là các cô đồng ý ngay lập tức. Sau khi đã phán hết điều này điều nọ xong, “thầy” mới tính tiền. “Hai cô, mỗi cô 4 quẻ, tất cả hết 80 nghìn”. Lúc này hai cô mới “ngã ngửa”, đành ngậm ngùi rút trong túi ra trả mà lòng tức anh ách.
Cảnh tượng một phụ nữ cầm bộ bài đi dọc các dãy Công viên Thống Nhất không còn lạ đối với những người thường xuyên đến đây uống nước. Có những người biết rồi thì rút kinh nghiệm nhưng cũng không ít người cứ tin tưởng một cách “thái quá” nên không chỉ “xem” lần một mà cả lần hai, thậm chí là lần ba. NA., sinh viên Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM kể: “Lần đầu em xem bà ta lấy có 20 nghìn, vì lúc ấy chỉ mang theo có ngần ấy tiền, tưởng bói 10 nghìn nên mới xem. Về thấy lời phán cũng khá đúng nên lần sau đến kiểm nghiệm lại. Ai ngờ lần này, giá cả lên đến 40 nghìn, tức thật”.
Khu vực công viên hiện nay không còn là nơi yên tĩnh cho mọi người ghé thăm nữa. Ở đây nếu họ không bị quấy rối bằng những chiêu lạ mắt của các cặp đôi thì cũng gặp phải các chiêu lừa của các thầy bói kiểu này. Vì vậy, các bạn trẻ hãy cảnh giác vì không chỉ hành nghề bói toán mà nhiều lúc sẽ phát sinh ra nhiều vấn đề phức tạp khác.
DƯƠNG BÌNH
Bình luận (0)