Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Thầy buồn khi trò điểm cao!

Tạp Chí Giáo Dục

Một đồng nghiệp ngồi chấm bài kiểm tra, vẻ mặt hơi buồn, có lẽ do học trò làm bài kém khiến anh thấy buồn. Nhưng không phải vậy. Anh buồn, thậm chí tỏ vẻ khó chịu vì… học trò điểm cao.

Đó quả là điều lạ lùng. Có người lấy làm thắc mắc thì anh cho hay, toàn là những bài văn “đồng phục”. Mỗi khi kiểm tra định kỳ hay kiểm tra học kỳ, anh không muốn chấm bài, bởi rất nhiều lần phải chấm những bài văn gần như giống nhau, khác nhau có chăng chỉ là nét chữ, đặt dấu câu và thêm vài ý phụ. Kiểm tra định kỳ, kiểm tra học kỳ là đề thi chung khối. Một khối như vậy có nhiều giáo viên dạy nên thực tế bây giờ khi hướng dẫn làm bài, nhiều giáo viên đã làm mẫu sẵn, học trò chỉ việc học thuộc lòng và chép.

Anh kể có lần một đồng nghiệp ra đề và photo bài văn mẫu cho học trò làm theo sách văn mẫu và nói để các em làm cho khỏe, điểm lại cao. Anh chỉ cười chứ không lấy bài văn mẫu ấy. Với anh, văn mẫu là văn dối, mà đã là văn dối thì thật đáng sợ. Chấm những con điểm 8 khá đẹp nhưng anh buồn, những con điểm 6, điểm 7, thậm chí chỉ là con điểm 5 mà anh lại vui vì đó là bài văn của chính học trò làm. Bài làm dẫu còn vụng về, ý “thiếu trước hụt sau” nhưng là kết quả thực sự do công sức của trò làm ra. Thà như vậy còn hơn những bài văn hay mà sáo rỗng, giả tạo.

Nếu trong quá trình kiểm tra tại lớp, nhiều bài học trò chép theo văn mẫu anh sẽ cho điểm thấp, vì anh luôn dạy những học trò của mình không được chép theo văn mẫu. Còn kiểm tra học kỳ, anh không thể cho học trò điểm thấp được vì hai lý do: Học trò lớp khác, anh không phải là người trực tiếp dạy và bài làm của học trò lớp khác đúng (dù viết theo văn mẫu của thầy cô) nên không có lý do gì để anh cho điểm thấp. Còn nếu anh chấm thấp thì học trò lớp khác có thể… kiện, vì trong quá trình làm bài, học trò vẫn làm nghiêm túc, không sao chép bài của bạn và cũng không sử dụng tài liệu. Anh đành phải cho điểm cao trong sự “ngậm ngùi”.

Anh cho hay khi giảng bài mới cũng như hướng dẫn học trò làm bài thường nhắc nhở rằng, bài giảng của thầy không phải là tốt nhất, bài văn hướng dẫn chỉ để tham khảo, trò nào mà làm giống sẽ bị điểm thấp bởi: “Chữ thầy lại trả cho thầy”. Anh muốn học trò phải tìm tòi, sáng tạo. Thà nhận điểm thấp mà do công sức mình bỏ ra còn hơn điểm cao mà sao chép của người khác. Anh khác nhiều giáo viên dạy văn là ở chỗ đó. Anh không sợ lớp mình dạy điểm thấp, anh không sợ ban giám hiệu đánh giá thấp về mình, anh chỉ sợ mình dạy dối sẽ đào tạo những thế hệ trẻ viết dối. Từ viết dối trong trường học sẽ dẫn đến “viết dối” mọi thứ trong trường đời.

Hoàng Đà Lạt

Bình luận (0)