Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Thầy cô cắm bản

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều năm đã qua, nhưng trong ký ức của tôi vẫn vẹn nguyên hình ảnh người thầy đeo túi dết căng phồng sách vở, lầm lũi dắt ngựa ngược dốc núi, cùng dáng mảnh mai của cô giáo trẻ ôm bó hoa lau xuyên rừng về bản với học sinh…


Cô và trò ở một huyện vùng cao.
Dạo ấy cũng vào tháng 11, chúng tôi bám càng xe kiểm lâm đi “thị sát” rừng ở Mộc Châu, Sơn La. Tuyến đường lâm nghiệp không biết có nên gọi là đường không, khi mặt đường đã bị những xe tải hạng nặng băm nát, chỉ còn những rãnh sâu hoắm rộng toang hoác, bánh xe chỉ có thể bám hờ trên những đường gờ mấp mô như làm xiếc.
Nhưng đường xe chạy được rồi cũng hết, tới một con suối nhỏ nước trong vắt thấy rõ cả đàn cá lội tung tăng và rong rêu bên dưới, chúng tôi xuống cuốc bộ. Chỉ khoảng chục cây số thôi mà mồ hôi hết ướt lại khô, dưới tán lá rừng rậm rạp có cảm giác như đi mãi mà vẫn dậm chân tại chỗ.
Bỗng một khoảng trời xanh trong vắt hiện ra và ngút tầm mắt bên dưới là cả một thung lũng bạt ngàn hoa cỏ lau. Gió cuốn đến đâu, những vầng hoa cỏ lau nhấp nhô, uốn lượn đến đó như những cơn sóng trắng muốt điểm xuyết đôi sắc tím mơ màng …Thấp thoáng trên những triền núi nhấp nhô xa xa, bên những mái nhà nho nhỏ sẫm đen là bờ rào với những chiếc váy Mông thêu thùa sặc sỡ rực rỡ dưới nắng như những đóa hoa rừng.
Phía cuối con đường mòn bỗng rộng hẳn ra, đã tới chợ. Một bức tranh vùng cao thật tuyệt! Cảnh bán mua tấp nập, cảnh ăn uống cũng vui vẻ không kém. Mấy bé gái xúng xính váy thêu mới, xà cạp mới , tung tăng bên những bé trai mặt đỏ rực vì mải miết ném quay. Tiếng nhạc tưng bừng, tiếng chim hót ríu ran. Đàn ông Mông đi chợ ai cũng tay xách cátxét, tay nâng niu lồng chim quý. Phụ nữ thì tay này cầm xâu thịt mỡ, tay kia dắt ngựa hoặc che ô cho chồng…
Trưa chúng tôi ghé qua một lớp học gần đó. Ai cũng ứa nước mắt trước cảnh đám học trò phong phanh áo mỏng vây quanh mấy cô giáo trẻ bên mâm cơm đạm bạc chỉ có canh rau nấu suông và mấy lát cá khô mặn nướng. Khách vào bất chợt, cả cô và trò bê mâm chạy biến sang hàng xóm. Anh cán bộ lâm trường dẫn đoàn phải sang vận động mãi mới có một cô giáo trẻ, nước da trắng bóc, mắt đen huyền chịu về trò chuyện với khách lạ từ thủ đô tới.
Hình như tên cô là Mai. Cô kể tất cả giáo viên ở đây đều người trong tỉnh, mới ra trường nên đều chấp nhận ít nhất ba năm cắm bản chờ chuyển về dạy gần nhà. "Dạy ở vùng cao hoàn cảnh khó khăn gấp bội, nhưng nếu yêu nghề thì ở đâu cũng sẽ tìm được niềm vui và sự gắn bó với công việc. Chính vì vậy mà một số thầy cô sau đó quyết định ở lại lâu dài với bản làng, với học sinh thân yêu" – Mai nói.
Lấy cớ “đi hái ít hoa lau về nhồi gối cho học sinh”, Mai tiễn chúng tôi một thôi đường. Ra tới thung lũng chúng tôi gặp một đôi bạn trẻ. Chàng trai cắp nách đôi gà mào đỏ chót, cười rất tươi nói là để biếu bố mẹ vợ tương lai. Cô gái có gương mặt đẹp như trăng rằm và dáng đi rất uyển chuyển trong bộ váy đen, áo bó sát lấp lánh hàng cúc bạc mới  tinh, thẹn thùng dấu mặt sau ôm hoa lau khi chúng tôi trêu: "Hái được bao nhiêu hoa lau về nhồi đệm chuẩn bị cưới chồng rồi?"
Dợm đi tiếp, chợt vẳng tới tiếng nhạc chuông leng keng xen lẫn tiếng vó ngựa. Rất nhanh sau đó hiện ra vóc dáng một người đàn ông cao gầy, vẻ mặt thông minh và phúc hậu, cưỡi trên lưng chú ngựa nhỏ. Nhận ra người quen, anh cán bộ lâm trường lên tiếng: “Chào thấy hiệu trưởng!”. Qua trò chuyện, chúng tôi được biết thầy (hình như tên là Tứ) cắm bản từ khi mới tốt nghiệp đến giờ đã hơn 10 năm. Thương học sinh, quý dân bản, thấy không về xuôi mà quyết ở lại  với núi, với rừng.
Tiếc vì thời gian gấp gáp, chúng tôi không thể nhận lời mời cùng thầy về bản. Bịn rịn chia tay, chúng tôi dõi theo mãi bóng người, bóng ngựa cứ lên cao, lên cao mãi… Sương chiều giăng tím mờ thung lũng, hết màu trắng tim tím của hoa lau lại tới màu trắng mong manh, tinh khiết của những vạt mận bắt đầu đơm hoa. Sắc hoa rưng rưng gợi nhớ tấm lòng của những người đem cái chữ lên và giữ cho cái chữ ở lại với vùng cao này.
Thanh Nguyễn / Dan tri

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)