Cảm hóa học sinh (HS) cá biệt là điều không đơn giản nhưng nếu kiên trì, gần gũi, đặt mình vào vị trí cha, mẹ của các em thì sẽ giáo dục tốt hơn. Đó là chia sẻ của các thầy cô giáo tại buổi giao lưu Trái tim người thầy sáng 17-11.
Nhà giáo tiêu biểu tại buổi giao lưu. Từ trái qua: Cô Nguyễn Tuyết Mai; cô Hoàng Thụy Bích Thủy; cô Dương Thị Hải Quý và thầy Nguyễn Thái Hoàng |
Buổi gặp gỡ và giao lưu này nhằm ghi nhận và tôn vinh những đóng góp, cống hiến của các thế hệ nhà giáo TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung với sự nghiệp trồng người. Phát biểu tại buổi giao lưu, ông Lê Hồng Sơn, Thành ủy viên, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM gửi gắm: Muốn nâng cao chất lượng đào tạo, GV là người quyết định. Từ tư duy, nhận thức, cách làm cách nghĩ cùng với tấm lòng của thầy cô giáo mới có được kết quả như hôm nay. 80.000 thầy cô giáo của TP.HCM xứng đáng là niềm tin, chỗ dựa và là tấm gương cho các em noi theo.
Đặt mình vào vị trí phụ huynh
Tốt nghiệp ĐH Sài Gòn năm 2005, cô Hoàng Thụy Bích Thủy (giáo viên chủ nhiệm, kiêm Chủ tịch Công đoàn Trường TH Lương Thế Vinh, Q.7) được nhà trường giữ lại làm công tác nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên chỉ với một thời gian ngắn, tình yêu con trẻ đã thôi thúc và cô đã gắn bó ở ngôi trường này cho tới nay.
Nói về vị thế của người thầy trong xã hội hiện nay, cô Thủy chia sẻ: Hình ảnh người thầy nằm trong trái tim của trẻ. HS cá biệt càng nhớ thầy cô nhiều hơn. Ở đâu đó vẫn có hình ảnh người thầy bị phai nhạt, bị tổn thương mà ai cũng thấy đau lòng, một phần là do giáo dục chưa tới. Đây là vết xước cần xóa để giữ truyền thống tôn sư trọng đạo. Tự học và hoàn thiện mình, học từ HS, phụ huynh, nhiệt huyết và có tâm với nghề cũng là cách để xây dựng hình ảnh và vị thế người thầy.
Chia sẻ tại buổi giao lưu, cô Thủy nhìn nhận: Giáo viên không chỉ đến lớp dạy hết tiết rồi về mà còn phải gắn bó, gần gũi với HS, từ đó nắm bắt được những tâm tư, tình cảm mà các em đang gặp phải để có biện pháp giáo dục, dạy làm người. “Trẻ học từ cách ăn, cách nói và cách đi đứng của người lớn nên trước hết, thầy cô giáo phải là những mẫu mực. Hơn nữa trong dạy làm người, hãy đặt mình vào vị trí cha mẹ của các em mới có thể giáo dục tốt hơn. Vì thế tôi muốn mình trở thành một nhà giáo dục hơn là một giáo viên”, cô Thủy nói. Với những nỗ lực trong giảng dạy, cô Thủy đã nhận nhiều bằng khen, giấy khen của ngành, Huy hiệu Hồ Chí Minh… Cô là một trong những Nhà giáo trẻ tiêu biểu năm 2014. Mới đây cô còn được tuyên dương gương điển hình Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
30 năm trước thầy Nguyễn Thái Hoàng (Tổ phó tổ Vật lý, Trường THPT Nguyễn Công Trứ, TP.HCM) tạm gác việc học để khoát áo Thanh niên xung phong. Với những khó khăn, gian khổ lúc bấy giờ, thầy vẫn nuôi đam mê nghề giáo. Đến nay, thầy đã gắn bó với trường 22 năm và “những gì tôi nhận được là hạnh phúc”.
Tôn vinh 129 nhà giáo tiêu biểu Dịp này, Công đoàn ngành giáo dục TP.HCM tôn vinh 129 cán bộ quản lý, GVCN giỏi tiêu biểu. Đây là những gương mặt đã có nhiều hy sinh, cống hiến tận tụy, sống có trách nhiệm của các thế hệ nhà giáo thành phố trong sự nghiệp trồng người. Ông Nguyễn Hữu Hùng, Chủ tịch Công đoàn GD-ĐT TP.HCM chia sẻ: Những cán bộ quản lý, nhà giáo của ngành giáo dục thành phố là những cánh chim đầu đàn luôn hướng về thế hệ trẻ, luôn nêu cao tình thần tự giác, tự rèn, xây dựng hình ảnh và lương tâm trong sáng. Ngoài dạy chữ, thầy cô giáo luôn coi học sinh (HS) như con em của mình, dù cuộc sống còn lắm vất vả nhưng âm thầm giúp đỡ vật chất, tinh thần. Từng lớp HS trưởng thành như hôm nay chính là nhờ vào sự hy sinh thầm lặng đó của thầy cô giáo. “Ngành GD-ĐT có nhiều chuyển biến tích cực, song nếu không tự học tự rèn, không đủ năng lực sẽ không làm tròn chức năng và nhiệm vụ. Dù khó khăn nhưng vẫn cân bằng cái chung-riêng, tinh thần-vật chất, công việc-cuộc sống, điều này xã hội luôn ghi nhận”, ông Hùng nhấn mạnh. T.An |
Thầy Hoàng đúc kết: Phải bằng tình yêu, lòng nhiệt huyết, mới có thể cảm hóa HS cá biệt. Thầy Hoàng nhớ lại: Thời điểm đó, thầy cô giáo bộ môn cũng như GVCN không hài lòng về một HS cá biệt lớp 11. Với vai trò là tổ trưởng giám thị, tôi dành nhiều thời gian để gần gũi và phát hiện ở em có nhiều tố chất để phát huy. Tìm hiểu thì biết hoàn cảnh gia đình rất đặc biệt, có đến 8 anh em. Ngày em xin tiền đóng học phí, cha đã quăng cặp của con, kèm câu: “Tiền đâu mà đi học”. Ham học nhưng trước tình cảnh này, em buồn chán, cảm thấy người thân yêu nhất của mình cũng hất hủi nên có thái độ bất cần. Khi tôi làm GVCN, tôi chọn em này làm lớp phó trước sự phản ứng của nhiều người. Tuy nhiên em có cơ hội để phát huy và chẳng lâu sau em trở thành một trong những HS xuất sắc nhất lớp. “HS cá biệt của tôi nay đã là phó giám đốc một ngân hàng nước ngoài tại TP.HCM”, thầy Hoàng tự hào.
Thầy Huỳnh Trọng Phúc, Hiệu trưởng nhà trường nhận xét: Thầy Hoàng là một GVCN giỏi, có nhiều đóng góp trong đào tạo HS giỏi và là chỗ dựa tinh thần của HS, đặc biệt là HS cá biệt.
Từ bài giảng của thầy dạy văn
Cô Dương Thị Hải Quý (Trường THPT Nguyễn Huệ, TP.HCM) nhìn nhận giáo viên là điểm tựa tinh thần vững chắc của HS, và từ điểm tựa đó phấn đấu hoàn thành sứ mệnh trồng người. Sinh ra và lớn lên ở huyện biên giới Hà Tĩnh, giáp nước bạn Lào, thời tiết khắc nghiệt. Đến được trường học phải băng rừng cả đi lẫn về hơn 16km mỗi ngày. Hiểu được con đường tìm kiếm tri thức vất vả nhường nào nên cô Quý càng yêu thương học trò, nỗ lực trao dồi để truyền đạt hết những gì mình có để mong các em ngày một trưởng thành.
Cô Quý hồi tưởng: Thầy giáo dạy văn lúc bấy giờ đã chắp cánh ước mơ nghề giáo của tôi. Thầy không còn nữa nhưng tình yêu nghề, yêu trò của thầy vẫn còn thắp sáng trong tôi. Bài giảng của thầy với những bài thơ trong sáng về tình yêu quê hướng đất nước, về bạn bè còn đọng mãi trong tôi.
Cô Nguyễn Thị Tuyết Mai (Trường THCS Hà Huy Tập, Q.Bình Thạnh) đến với nghề giáo cũng từ hình ảnh thầy cô giáo của mình. “Tôi luôn ngưỡng mộ và trân trọng hình ảnh thầy cô, giọng nói truyền cảm và ao ước sẽ đứng trên bục giảng”, cô Mai nhớ lại.
“GVCN là người mẹ thứ hai của HS. GV phải biết trải lòng, đặt mình vào hoàn cảnh các em, HS sẽ chia sẻ điều thầm kín nhất, từ đó định hướng các em tránh sai lầm. Luôn lồng ghéo kiến thức, kỹ năng sống cho HS, dạy về giá trị sống và hướng đến giá trị chân thiện mỹ”, cô Mai chia sẻ về phương pháp giáo dục HS cá biệt.
Trần An
Bình luận (0)