Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Thầy cô giáo phải không ngừng học tập và sáng tạo

Tạp Chí Giáo Dục

Để tồn tại và phát triển, mỗi thầy cô giáo phải không ngừng học tập và sáng tạo. Ảnh: N.Anh
Bắt đầu từ năm học 2007-2008, Bộ GD-ĐT đã khởi xướng cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”. Cuộc vận động đã được sự hưởng ứng tích cực của toàn thể cán bộ giáo viên trong ngành giáo dục.
Việc thực hiện cuộc vận động đến nay ít nhiều đã mang lại một số kết quả nhất định. Tuy nhiên đi sâu vào nội dung cuộc vận động thì còn nhiều nội dung chúng ta cần phải thấu đáo để nâng cao hơn hiệu quả của việc thực hiện. Vậy hiểu như thế nào là thấu đáo? Với khả năng của mình, trong phạm vi bài viết này tôi xin trao đổi một số vấn đề xoay quanh nội dung “tự học và sáng tạo”.
Việc học có thể được diễn ra theo nhiều biện pháp, cách thức nhưng có thể quy về hai hình thức: Một là học giáp mặt với thầy; hai là học với sách, không có thầy bên cạnh. Hình thức học thứ hai còn gọi là tự học.
Học để làm gì?
Học để biết: Học để nắm bắt nền tri thức của nhân loại. Để từ đó nâng cao trình độ nhận thức của cá nhân. Cần quan tâm đến việc đi sâu tìm hiểu các lĩnh vực chuyên ngành. Học để làm: Học không chỉ để biết mà còn để làm. Tức là phải mang những kiến thức đã biết ứng dụng vào thực tiễn công việc của mình. Học để hợp tác, để cùng chung sống: Học để tiếp thu kiến thức của nhân loại, hiểu được người khác và hiểu được thế giới xung quanh. Từ đó con người có thể thông cảm, chia sẻ, hợp tác và cùng chung sống với nhau. Học để làm người: Là nhằm phát triển đầy đủ nhất tiềm năng sáng tạo chủ thể cùng với toàn bộ sự phong phú và phức tạp của nhân cách con người. Học để tồn tại: Tồn tại ở đây được hiểu theo hai nghĩa. Một là tồn tại như một thực thể sinh học – biểu hiện là học để làm việc nhằm có thu nhập để sống. Hai là tồn tại trong các mối quan hệ xã hội – biểu hiện ở việc tiếp thu các kiến thức văn hóa để sử dụng trong ứng xử và giao tiếp. Học để đáp ứng yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của công việc, của xã hội, để phục vụ, để đảm đương nhiệm vụ.
Học ở đâu và học như thế nào?
Như trên đã giới thiệu là có hai cách học, trong nội dung này chúng tôi chỉ giới thiệu cách học thứ hai là tự học. Tự học nghĩa là không đến trường, đến lớp và không trực tiếp học với thầy. Tự học là chúng ta sẽ học ở nhiều kênh thông tin khác nhau như: sách, báo, đài, qua internet… Có thể nói rằng muốn việc học đạt hiệu quả cao nhất chúng ta cần phải: học mọi lúc, học mọi nơi, học mọi người, học trong mọi hoàn cảnh, học bằng mọi cách và học qua mọi nội dung.
Ngoài những cách học chung nhất đó, chúng tôi xin giới thiệu cụ thể một vài cách học như sau: Cách học chủ yếu là chúng ta làm việc độc lập với nhiều tài liệu. Qua nghiên cứu tài liệu chúng ta đúc kết những kiến thức cơ bản nhất, cần thiết nhất có thể ứng dụng vào công việc, vào cuộc sống. Ngoài ra chúng ta cũng có thể mang các vấn đề đang nghiên cứu ra trao đổi cùng bạn bè, người thân. Điều đó sẽ giúp chúng ta sớm nhận thức được vấn đề và nhớ lâu hơn. Để việc tự học đạt hiệu quả cao chúng ta cần tập thói quen so sánh, nhận xét, đánh giá các vấn đề, cũng như luôn đặt câu hỏi “Tại sao?” khi tiếp cận với một vấn đề mới. Đặc biệt trong thời đại thông tin bùng nổ như hiện nay, chúng ta cần phải biết lựa chọn nội dung để học. Đồng thời chúng ta cũng cần xác lập mối liên hệ giữa các vùng kiến thức. Việc làm đó sẽ giúp cho ta không phải ghi nhớ cùng lúc nhiều thông tin mà vẫn đảm bảo lượng kiến thức cần thiết. Cuối cùng khi đã nắm bắt được các kiến thức chúng ta cần mang ra ứng dụng vào thực tiễn công việc.
Trong khi đó, sáng tạo là sự nhìn nhận một vấn đề, làm một việc gì đó theo những cách khác với cách thông thường. Tức là nhìn nhận một vấn đề, làm một việc gì đó theo những cách không bị hạn chế bởi thói quen, bởi phong tục, bởi tiêu chuẩn… Theo đó, sáng tạo trong dạy học tức là luôn tìm ra những cách thức, những biện pháp dạy học mới nhằm tích cực hóa hoạt động của người học. Trong cuộc sống, con người luôn luôn phải tìm tòi, sáng tạo ra những cách nghĩ, cách làm mới, vì “Thực tế cuộc sống không phải là một cái hộp, nên bạn đừng tự tạo ra rồi chui vào đó”.
Tóm lại, để tồn tại và phát triển, mỗi thầy cô giáo phải không ngừng học tập và sáng tạo. Đồng thời việc làm đó cũng nhằm thúc đẩy xã hội phát triển và cũng để nêu gương cho thế hệ sau.
Lê Tuấn Kiệt
(Trường TH Tân Bình, Mỏ Cày Bắc, Bến Tre)
Tài liệu tham khảo: Nguyễn Cảnh Toàn (chủ biên) – Học và dạy cách học; NXB Đại học Sư phạm.

Học tập nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của giáo dục và xã hội trong xu thế phát triển hiện nay. Đối với thầy cô giáo, việc tự học còn để nêu gương cho học sinh noi theo.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)