Xin mượn nhan đề cuốn sách “Thầy cô hạnh phúc sẽ thay đổi thế giới” (tác giả Thích Nhất Hạnh và Katherine Weare, Jon Kabat Zinn viết lời tựa) để đặt tên cho bài viết này nhân dịp chào mừng ngày “Tết” của thầy cô giáo – Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11). Sự hạnh phúc của giáo viên trong công việc “trồng người” là nhân tố chính quyết định đến thành bại chất lượng giáo dục của một lớp học, một trường học, rộng hơn là một đất nước…
Nhà giáo – người là ai?
Trong sách “Thầy cô hạnh phúc sẽ thay đổi thế giới”, các tác giả Thích Nhất Hạnh và Katherine Weare đề cao vai trò của sự “chánh niệm” và “nuôi dưỡng” nó trong ngành giáo dục. Nhìn gần trong sự liên hệ giữa “đạo” (thiền tông, Phật giáo) và đời (giáo dục), thì sự chánh niệm ở đây là tìm về đúng quan niệm về bản ngã, địa vị, vị trí, vai trò… của người dạy và người học trong hoạt động giáo dục. Trong đó, đứng về phía thầy cô giáo, vai trò của việc “chế tác năng lượng chánh niệm nơi tự thân” của giáo viên là vô cùng quan trọng. Hay hiểu một cách nôm na, đại khái rằng, tự nhận thức “ta là ai” của người thầy là vô cùng quan trọng, cần thiết.
Từ thời cổ đại, nhà giáo (vừa là nhà triết học, tư tưởng, nghệ nhân, khoa học…) được hiểu là người nắm giữ kho tàng tri thức, những kinh nghiệm quý báu đi trước, chứ chưa có quan niệm rạch ròi với một nghề mưu sinh như ngày nay. Thời trung đại, thời phong kiến (nhất là phương Đông), đặt vai trò người thầy lên một địa vị rất cao trong xã hội. Nho giáo của Khổng Từ quy định vị trí người thầy chỉ đứng sau vua và trước cả cha, với tam cương: Quân – Sư – Phụ. Với “rường cột” đó, sự tự thức của người thầy thiên về hướng tự tôn bản thân, do quá được đề cao. Quyền uy người thầy rất lớn. Những hình phạt của thầy được xem như hợp lý, kể cả đòn roi cho trò rất nặng. Người thầy thời buổi này nhận thức rõ vai trò của mình để giữ mình, giữ “phép”, làm khuôn mẫu cho xã hội, cho trẻ. Người thầy chú trọng dạy lễ, “tiên học lễ…”, “chánh niệm” người thầy lại càng khuôn phép hơn, đòi hỏi học trò lễ nghi hơn. Tuy vậy, cuối thời kỳ trung đại ở Việt Nam, trước sự già nua của khoa cử lạc hậu lỗi thời, các nho sĩ cấp tiến (Lê Quý Đôn, Nguyễn Trường Tộ…) đã nhận ra con đường mới của việc dạy và học, thi cử. Lúc này người ta chú trọng đến vận dụng lý trí, khoa học, thực tiễn hơn lý thuyết Nho, Lão vốn tồn tại ngàn đời nay. Sự tự thức, chánh niệm của người thầy cũng dần dần vận hành thay đổi để theo kịp hình mẫu của người thầy hiện đại.
Người thầy thời hiện đại có một vị trí khác xa trước đây. Không còn độc tôn, giảm khoảng cách với trò, và thay đổi cách tương tác trong hoạt động dạy học. Trong đó, sự tương tác đa chiều (nói theo ngôn ngữ truyền thông thời công nghệ 4.0) giữa thầy – trò đa dạng, phức tạp hơn. Lúc này người thầy không còn vai trò độc tôn. Và quan niệm về vai trò, vị trí người thầy phải thay đổi. Câu hỏi về tương lai của nhà giáo thế nào trong sự phát triển của công nghệ số, mạng xã hội, trí tuệ nhân tạo là băn khoăn lớn của nhiều người. Tuy nhiên, có thể khẳng định dứt khoát rằng, vẫn luôn cần đến vai trò của người thầy. Có điều là, cần “chánh niệm” bản thân để hiểu ta là ai, nhà giáo sẽ luôn đứng vững trên bục giảng bằng hạnh phúc, niềm vui để dạy học dù xã hội có biến thiên, thay đổi thế nào!
Hiểu mình là ai – thầy cô sẽ có hạnh phúc
Không có “thực” khó vực được “đạo”. Lương thấp làm nhà giáo mất… vui, khó gắn bó lâu dài với nghề, hoặc khó hy sinh, cống hiến hết mình. Mới đây, Ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, Bộ GD-ĐT) cho rằng: Thực tế hiện nay, thu nhập từ công việc giảng dạy không đủ cho các giáo viên đảm bảo cuộc sống. Đây chính là nguyên nhân quan trọng khiến cho nhiều giáo viên không bám trụ với nghề. Muốn sống được, họ phải kiêm thêm nghề “tay trái” để nuôi sống bản thân và gia đình.
Chúng ta đang có chủ trương xây dựng trường học hạnh phúc, thì đương nhiên thầy cô giáo phải được vui khi đến trường. Vì thầy cô giáo hạnh phúc sẽ thay đổi nhà trường, thay đổi thế giới! |
Chuyên gia giáo dục độc lập Nguyễn Quốc Vương trong một lần đã chia sẻ với báo chí: “Nghề giáo bị chi phối rất nhiều bởi cảm xúc. Người thầy chỉ có thể dạy tốt khi họ cảm thấy hạnh phúc, một sự bình an trong tâm hồn. Còn nếu mất đi cảm giác hạnh phúc khi lên lớp thì người thầy sẽ ngày càng cảm thấy mỏi mệt”. Và hậu quả của những mệt mỏi ấy của thầy cô giáo là những tiết học tẻ nhạt, kém chất lượng. Vậy sự “bình an trong tâm hồn” có được từ đâu? Đó là từ nhiều yếu tố: học sinh, phụ huynh, nhà trường, đồng nghiệp, xã hội… Xã hội ta coi trọng nghề dạy học, “nhất tự vi sư…”, “… nghề cao quý”. Nhưng thực tế khác xa với những hào quang lý thuyết đang khoác lên địa vị của người thầy. Chính lúc này, sự chánh niệm trong nhận thức của người thầy là vô cùng quan trọng.
Tôi nhớ cách đây hơn 25 năm, khi tôi vừa chân ướt chân ráo vào giảng đường đại học. Trong buổi gặp gỡ tiếp đón sinh viên mới, thầy hiệu trưởng Trường THPT Hùng Vương, Q.5 (được Trường ĐH Sư phạm TP.HCM mời về nói chuyện) khuyên chúng tôi rằng: “Hãy biết tự hào với nghề giáo mà mình đã chọn, vì không có nghề gì cao quý bằng nghề dạy học. Ít có công việc nào mà người đời gán với danh xưng là “thầy” cả. Cũng đừng hão huyền mất tiền mua và mong trúng vé số. Tiền chưa phải hoàn toàn là thước đo về giá trị bản thân. Hãy tích lũy kiến thức, trí tuệ, lành vững với nghề dạy học trong tương lai. Khi ấy hạnh phúc sẽ đến được với chúng ta”. Bây giờ ngẫm lại lời vị hiệu trưởng, thấy thật đúng. Chỉ khi chúng ta có ý thức mình là ai, có chánh niệm của bản thân về nghề dạy học, thì tất yếu chúng ta sẽ có hạnh phúc, niềm vui và gắn bó với nghề.
Trong lần phát biểu tại lễ tuyên dương nhà giáo tiêu biểu toàn quốc (chiều 19-11-2023), Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh đến vai trò của nhà giáo trong thành bại giáo dục: “Ngành GD-ĐT đang triển khai công cuộc đổi mới GD-ĐT một cách căn bản, toàn diện xưa nay chưa từng có đối với tất cả các cấp học, từ mầm non tới đại học; trong đó, hiện đang tập trung triển khai đổi mới sâu rộng đối với giáo dục phổ thông, mà cụ thể là triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Để thực hiện thành công nhiệm vụ này, cần phải đảm bảo thực hiện nhiều yếu tố khác nhau, trong đó, lực lượng nhà giáo có vai trò quyết định đến sự thành công của toàn bộ quá trình này. Bộ GD-ĐT xác định, phát triển đội ngũ nhà giáo là nhân tố quan trọng, là nền tảng bền vững, quyết định mọi thành công của GD-ĐT”. Quả thật là, tầm quan trọng về vai trò, chức năng của nhà giáo trong bối cảnh ngày nay là không thể chối bỏ. Song vị thế, danh dự, hạnh phúc… của nhà giáo là điều cần phải quan tâm. Chúng ta đang có chủ trương xây dựng trường học hạnh phúc, thì đương nhiên thầy cô giáo phải được vui khi đến trường. Vì thầy cô giáo hạnh phúc sẽ thay đổi nhà trường, thay đổi thế giới!
Bài, ảnh: Trần Ngọc Tuấn
Bình luận (0)