Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Thầy Còng cõng chữ

Tạp Chí Giáo Dục

Căn bệnh cột sống khiến lưng ông còng gập xuống, sức khoẻ yếu nhưng bao năm qua ông vẫn đều đặn cõng chữ cho bao trẻ nghèo làng Phù Thượng (xã Thắng Lợi, Văn Giang, Hưng Yên). Ông là Triệu Văn Giới.

Thầy Còng trên bục giảng.

Thầy nghèo cõng chữ đến trẻ nghèo

Chúng tôi đến nhà ông Triệu Văn Giới, khi ông đang còng gập lưng, miệt mài giảng giải cho hơn 20 em học sinh. Người thầy giáo còng tận tình đi lại từng bàn, nhẹ nhàng chỉ bảo các em từng phép tính, từng câu chữ rồi cặn kẽ hỏi từng em: “Em đã hiểu công thức này chưa để thầy giảng cho”.

Cõ lẽ ít ai ngờ đây là một lớp học tư thầy Giới mở cho học trò nghèo. Học sinh của thầy phần đa là trò nghèo, mỗi em một hoàn cảnh nhưng đều chung vì không có tiền học thêm mà đến xin thầy kèm dạy.
Tuổi gần “thất thập” vậy nhưng ngày nào thầy cũng lên lớp đều đặn ngày hai buổi. Căn nhà nhỏ của thầy Giới ngay sát lớp học, vừa là nơi ở vừa là chỗ chơi cho lũ trẻ. Đó là một căn nhà cấp bốn đã xuống cấp, bước vào nhà chúng tôi phải cúi khom người để khỏi chạm đầu vào mái ngói. Tài sản trong nhà thầy chẳng có gì  ngoài một tủ sách và mấy bằng khen thứ mà theo thầy Giới là “tài sản lớn nhất của tôi”.
Sinh năm 1945, sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Sư phạm Hưng Yên, thầy Triệu Văn Giới về Trường cấp II Thắng Lợi (Văn Giang, Hưng Yên) dạy học. Nhưng rồi căn bệnh quái ác đã không để thầy nuôi ước mơ “lái đò chở chữ”. Năm 1982, thầy bị thoái hoá cột sống, không đứng thẳng người và không quay cổ được. Xin nghỉ dạy vào thời điểm vô cùng khó khăn.
Về nhà với ba đứa con ăn học, bố mẹ già, tưởng chừng như thầy không thể vượt qua hoàn cảnh và sức ép tâm lí. “Hồi đó, gia cảnh nhà tôi nghèo lắm. Nhìn vợ tất bật lo ăn từng bữa còn mình thì bệnh tật mà bất lực”- Thầy Giới nhớ lại.
Biết chẳng giúp gì được vợ kinh tế, thầy thay vợ kèm cặp ba đứa con học. Mượn sách đồng nghiệp trao đổi nâng cao kiến thức và giảng dạy truyền đạt lại cho các con. Nhờ thế mà cả ba người con của thầy Giới đều học giỏi, thành đạt.
Ban đầu chỉ ở nhà dạy con, nhà nghèo con thầy không đi học thêm vẫn học tốt nhưng nhiều trẻ nghèo khác vì nghèo mà con không được học. Thương cho những đứa trẻ nghèo ấy, thầy mở lớp dạy kèm các em. Lớp thầy đông chia làm ngày hai buổi một mình thầy xoay xở thật không dễ.
Lớp học làm người
Bao năm thầy vẫn ngày ngày lái con đò tri thức cho các em, lớp học đông ai không biết tưởng thầy ăn nên làm ra lắm. Nhưng có một điều, dù nhà thầy nghèo nhưng chưa một lần thầy có ý đòi học phí. Ai có con đi học thì tùy tâm góp người có người không, cứ vài ba ngàn đồng một buổi. Nhưng với thầy điều ấy không quan trọng “chỉ mong các em học để sau này có cái chữ làm gì cũng đỡ khổ”- Thầy tâm sự.
Lớp học thầy không chỉ truyền dạy tri thức mà còn dạy làm người, dạy nhân cách. Các em được dạy từ lời ăn tiếng nói, cách cư xử. Hơn 20 năm qua đã có hàng trăm đứa trẻ trưởng thành dưới bàn tay dạy dỗ của thầy.
Trong số đó có người là kỹ sư, người là doanh nhân, công nhân… tất cả họ đều có điểm chung là đã thành người như thầy Giới mong mỏi. Mỗi năm tết đến, xuân về, ngôi nhà nhỏ của thầy lại đầy ắp tiếng cười vì bao đứa trẻ nghèo đến thăm thầy, cất tiếng gọi cha thân thiết.
Giờ đã ở cái tuổi “ xưa nay hiếm” con cái đã trưởng thành, cả ba người con của thầy đều tốt nghiệp đại học và lập gia đình. Căn nhà nhỏ của thầy giờ vẫn là nơi dạy chữ, dạy làm người cho những trẻ nghèo. Và ở đó cũng là nơi tụ về của bao lớp học sinh thành đạt.
 Hoàng Văn Lực (TPO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)