“Thấy mấy chị 40 – 50 tuổi rồi mà vẫn cố gắng ngồi nghe lại thấy thương, đành phải giảng đi giảng lại cho tới khi họ hiểu mới thôi” – anh Chau Sóc Phol, người thầy “tay ngang” tâm sự với chúng tôi.
Ở huyện Tri Tôn (An Giang) có nhiều ông thầy “tay ngang” như thế. Họ không phải nhà giáo nhưng tự nguyện đứng lớp. Ban ngày họ mưu sinh bằng nhiều nghề khác nhau. Tối đến họ lại đứng lớp để mang cái chữ đến với bà con người dân tộc Khmer địa phương.
Anh Chau Sóc Phol là thầy của hơn 20 chị em phụ nữ trong lớp học xóa mù chữ ấp Phnôm Pi, xã Châu Lăng. Chị Srây Róch Tha – vợ anh – cũng là học viên của lớp. Anh kể: vợ tôi người Campuchia. Lấy tôi, rồi về sống ở xã này, người Khmer nhiều hơn người Kinh nên bả trước giờ chỉ toàn nói tiếng Khmer chứ đâu có biết tiếng Việt. Lúc mới tham gia lớp học này, về bả cứ than hoài “khó quá, muốn bỏ học”. Tôi động viên bả cố gắng vì “ở trên đất Việt Nam thì phải biết tiếng của người Việt Nam”. Vậy mà bả cứ đòi bỏ. Thấy thế tôi tuyên bố: “Có gì đâu mà khó. Nếu ai học ở lớp không được, bà rủ về nhà tôi dạy cho bà với mấy chị em luôn”. Chuyện chỉ có vậy mà đến tay mấy ông ở ấp rồi lên xã, lên huyện. Thế rồi họ mời tôi đứng lớp thật. Trước đây tôi có tham gia công tác ở Hội Chữ thập đỏ của huyện, nhưng giờ chuyển sang buôn bán nhỏ, đâu ngờ lại có ngày làm thầy giáo như bây giờ. “Nhận nhiệm vụ, mình chỉ biết làm hết sức. Biết tới đâu làm tới đó” – anh Chau Sóc Phol nói.
Phải ghé đến lớp của thầy Chau Sóc Phol mới thấy được hết những khó khăn của người gieo chữ ở vùng biên giới Tây Nam này. Phải đến lớp học mới thấy hết được sự ham học, chịu khó của người phụ nữ Khmer. Thầy Chau Sóc Phol thổ lộ: “Dạy khó lắm, vì các chị tiếp thu không nhanh nhạy, nói mười thì chỉ mong các chị hiểu được ba hay bốn là mừng rồi. Ví dụ như muốn truyền đạt được hết ý nghĩa của từ “đại hội” thì phải giải thích từng chữ một bằng tiếng Khmer trước cho họ thì họ mới hiểu và sử dụng được”.
Bà Neáng Nho, người lớn tuổi nhất lớp học (55 tuổi) cho biết: “Tại mình hổng biết chữ nên ráng học. Học cho biết. Bây giờ biết viết tên mình thấy dui lắm”. Một chị khác trong lớp đùa: “Bây giờ tôi ký tên vay tiền nhà nước được rồi. Học tiếp để mai mốt tự viết được đơn”. Những con người sống gần nửa cuộc đời, giờ đêm đêm lại mang tập sách đến lớp để học chữ thấy họ mới đáng quý làm sao. Những nét chữ nguệch ngoạc, những tiếng phát âm còn lơ lớ giọng Khmer… nhưng đó cũng là cả một sự cố gắng rất lớn của cả thầy và trò.
Chí Nhân (TTO)
Bình luận (0)