Trong 426 hồ sơ đề cử cho giải thưởng “Nhà giáo trẻ tiêu biểu TP.HCM năm 2011” có 184 thầy cô được công nhận tại buổi lễ diễn ra tối qua (17/11).
Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Đức (giảng viên trường ĐH Quốc tế-ĐH Quốc gia TP.HCM) là một trong những gương sáng dịp này.
Nguyễn Tuấn Đức (sinh ngày 25/09/1981) dễ tạo cho người đối diện cảm giác anh sẵn sàng đi đến cùng với điều mình muốn. Năm 1999, Đức thi đậu ĐH Bách khoa với điểm số cao nên được chọn theo học chương trình PFIEV (Đào tạo kỹ sư chất lượng cao do Việt Nam và Pháp phối hợp thực hiện). Do xác định mục tiêu học tiếp ở nước ngoài, Đức luôn chủ động học giỏi cả chuyên môn lẫn ngoại ngữ, đồng thời mở rộng quan hệ với các giảng viên, giáo sư nhằm tăng thêm cơ hội “săn” học bổng. Bốn năm sau, chưa kịp dự lễ tốt nghiệp đại học, Tuấn Đức đã đến Pháp học thạc sĩ nhờ đoạt học bổng toàn phần của đại sứ quán Pháp. Ở đó, Đức nuôi tiếp động lực tìm học bổng tiến sĩ. Có hai trong 3 nơi Đức “gõ cửa” đã đồng ý cấp học bổng, anh quyết định đến với Viện nghiên cứu IRISA (Đại học Rennes, Pháp) vì đây là cơ hội cho anh theo đuổi lĩnh vực mình quan tâm là truyền thông không dây (communication wireless). Chính hơn 5 năm học tập tại Pháp giúp Đức xác quyết sự nghiệp của mình gắn liền với nghiên cứu khoa học, bởi: “Học vị tiến sĩ mới là bước đầu tiên cho nghề nghiệp nghiên cứu”. Trong giai đoạn này, Đức và bạn bè sáng lập cộng đồng học thuật về lĩnh vực viễn thông “vntelecom.org” vào năm 2006, đến nay thu hút hơn 24.000 thành viên.
Năm 2009, chưa tròn 28 tuổi, Nguyễn Tuấn Đức đạt học vị tiến sĩ chuyên ngành “xử lý tín hiệu và viễn thông (Signal Processing and Telecommunications), rồi lập tức quay về Việt Nam. Nếu Đức tiếp tục ở lại Pháp, nhằm thuận tiện cho công việc nghiên cứu, cũng là lẽ thường tình. Nhưng anh lại chọn…đường về. “Tôi quyết định trở về vì muốn đóng góp chút gì cho xã hội. Hơn nữa, tôi tin mình sẽ tìm được việc làm phù hợp ở quê nhà”. Niềm tin của Đức sớm thành hiện thực.
Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Đức. Ảnh: Thục Oanh
Chưa đầy hai năm là giảng viên ở khoa Điện tử viễn thông (ĐH Quốc tế), tiến sĩ Nguyễn Tuấn Đức đã chủ nhiệm 4 đề tài nghiên cứu có tính cấp bách và ứng dụng cao, đơn cử như đề tài cấp trọng điểm của ĐH Quốc Gia về “Nghiên cứu và thiết kế hệ thống mạng không dây giám sát môi trường phục vụ việc đánh giá tác động biến đổi khí hậu”. Những đề tài này đều liên quan đến lĩnh vực (truyền thông không dây) mà Đức say sưa từ buổi đầu “chạm ngõ” công việc nghiên cứu. Anh còn làm thêm công việc tư vấn kỹ thuật cho một công ty viễn thông để “lấy ngắn, nuôi dài”. Tuy mới bắt tay vào nghiên cứu khoa học ở Việt Nam, nhưng Tuấn Đức sớm nhận ra: “Thực trạng làm công tác khoa học ở nước mình khó khăn hơn môi trường nước ngoài, vậy mà nhiều thầy cô, anh chị đi trước vẫn làm tốt. “Ngộ” ra điều này khiến tôi bớt cao ngạo, và biết quan tâm đến xung quanh hơn”.
Thú vị là, chính học trò thành “tấm gương” cho vị tiến sĩ trẻ này không ngừng học hỏi. Sinh viên trường ĐH Quốc tế năng động không kém thầy, các em sẵn sàng “truy bài” thầy cho đến ngọn ngành. Điều này không làm thầy Nguyễn Tuấn Đức khó chịu mà thêm hứng khởi: “Lúc chọn công việc giảng viên, tôi nghĩ đó là cách tốt nhất theo đuổi đam mê nghiên cứu khoa học. Dần dần, việc dạy học cho tôi cảm nhận sự cống hiến là một hương vị cuộc sống không phải ai cũng may mắn có được. Trò giỏi, tôi vui; trò dở, tôi tức lắm, nên cứ cố gắng giảng dạy thế nào cho học trò của mình giỏi hơn”. Đức vẫn nhớ, buổi đầu học thạc sĩ ở Pháp, vốn quen cách thức thầy giảng, trò ghi chép ở nhà, nên anh bỡ ngỡ nhiều với phương pháp mới – thầy hướng dẫn cho trò tự làm dự án, và làm việc theo nhóm. Giờ đây, tiến sĩ Nguyễn Tuấn Đức hướng dẫn cho sinh viên phương pháp học tập tích cực, từ đó các em tự học, tự tìm tòi và gặt hái kết quả. Anh còn làm “đầu tàu” phong trào nghiên cứu khoa học trong sinh viên, với hạt nhân là CLB ETECH, và tham gia hoạt động tư vấn, hướng nghiệp cho sinh viên, cũng như đóng góp cho các quỹ tài trợ sinh viên tại Pháp và Việt Nam…
Từ một người luôn “chúi mũi” vào học tập, nghiên cứu, tiến sĩ Nguyễn Hữu Đức hòa mình đầy nhiệt huyết với sinh viên vì một lẽ đơn giản: “Sinh viên cho tôi những bài học cuộc sống đáng suy ngẫm, nhiều em tích cực tham gia công tác xã hội, hy sinh quyền lợi bản thân vì người khác”.
Thục Oanh
(PNO)
Bình luận (0)