Tòa soạnThư đi – tin lại

Thầy cũng khoái… văn sao chép!

Tạp Chí Giáo Dục

Tôi đậu cao học bộ môn “Văn học Việt Nam” và theo học tại Trường ĐH Cần Thơ niên khóa 2006- 2009. Lớp chỉ có 16 học viên, được tuyển chọn khá kỹ và chúng tôi học trên tinh thần tự giác, tự học, tự nghiên cứu.

Nhưng cũng nhiều khi giảng viên cho bài làm về nhà (dạng tiểu luận) thì có những “sự kiện” buồn xảy ra. Những bài có chính kiến cá nhân, có nghiền ngẫm, trải nghiệm thì thường thường điểm không cao; chỉ dừng lại ở mức điểm 6, điểm 7. Ngược lại, những bài có “xào nấu”, dưới danh nghĩa “tham khảo”, dạng “chắp nhặt dông dài” thì được điểm cao ngất ngưởng 8, 9, thậm chí điểm 10.

So với lực học thì chúng tôi không “thua em kém chị” với các bạn đó nhưng do mình có lòng tự trọng; không “đạo văn” của người khác nên thường bị “thua” về khoản lấy văn của người làm văn của ta!

Vai trò người thầy, người “cầm cân nảy mực” ở đây rất quan trọng. Đã là giảng viên thì cần phải biết giọng văn của học viên. Đọc một bài tiểu luận, phải biết “hơi hướm” của bài này đã từng “phảng phất” đâu đây. Người thầy phải đọc nhiều, phải nghiên cứu, phải thật tận tâm mới đánh giá hết được sự cố gắng của học viên. Nếu cần thiết thì gõ một đoạn sẽ cho ra kết quả bài văn này lấy “ý tưởng” từ đâu, từ bài nào…

Nhưng có lẽ chưa đọc nhiều, chưa tra cứu… nên hễ cứ thấy bài nào có giọng “giáo sư” đều được thầy không ngần ngại cho điểm cao. Còn những bài mà học viên tự nghiên cứu, tự đưa ra nhận định, nhận xét thì cho điểm thấp. Điều này làm nản chí những người có tinh thần tự học, tự rèn; tinh thần cầu tiến. Vì thế, họ “đua nhau” tìm tài liệu trên mạng internet rồi “thêm mắm thêm muối” vào; “chế biến” theo “khẩu vị” của người chấm.

Trong một bài báo có đưa ra con số “trên 70% sinh viên “đạo văn””; theo tôi, con số này còn cao hơn rất nhiều vì sinh viên bây giờ ngại nghiên cứu, ngại suy nghĩ mà luôn tìm những “lối đi tắt” là “đạo văn” (nói lấy cắp kiến thức cho dễ hiểu) của người khác rồi “lắp ghép” thành bài của mình!

Cài phần mềm kiểm tra “đạo văn” cũng chỉ là một biện pháp tình thế. Điều quan trọng là đổi mới cách dạy, cách học làm sao cho sinh viên say mê, hứng thú; mỗi khi làm luận văn là tự làm, tự nghiên cứu; với một tình yêu bộ môn bằng cả trái tim và bộ óc của con người có văn hóa. Phải dạy học sinh, sinh viên lòng trung thực trong khoa học. “Đạo văn” cần phải được dư luận lên án, xử lý vì đó là một hành vi thiếu văn hóa là ăn cắp trí tuệ của người khác!

ThS. Lê Đức Đồng

Bình luận (0)