Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Thầy dạy cá thể – trò học sáng tạo!

Tạp Chí Giáo Dục

Trước yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đòi hỏi người thầy phải dạy cá thể, khuyến khích trò học sáng tạo, từng bước nâng cao chất lượng dạy và học. Đó là những vấn đề được TS. Huỳnh Công Minh (Chủ tịch Hội đồng cố vấn chuyên môn Trường THCS, THPT Quang Trung – Nguyễn Huệ, TP.HCM) trao đổi với Giáo dục TP.HCM.

Để học sinh có thể học sáng tạo, người giáo viên phải biết gợi mở, lắng nghe để khơi dậy trong các em sự tự tin và ham thích học tập (ảnh minh họa). Ảnh: A.Khôi

– TS. Huỳnh Công Minh cho biết: Dạy cá thể là yêu cầu dạy học của thầy cô giáo trong thời đại ngày nay, khi mà giáo dục hiện đại đòi hỏi sự phát triển mỗi cá nhân học sinh ở mức cao nhất. Trong nhà trường xưa nay yêu cầu giáo viên phải dạy được đồng thời ba trình độ của học sinh trong lớp: khá giỏi, trung bình và yếu kém, nhưng ngày nay thầy cô giáo phải dạy sát với cả từng học sinh, vì mỗi em học sinh đều chứa đựng những tâm lý, hoàn cảnh và trình độ khác nhau mà người giáo viên hiện đại phải tinh tế nắm bắt, lắng nghe để khai phóng, động viên, khơi dậy lòng đam mê ham học và tích cực hoạt động để phát triển nhằm đáp ứng thực tế phân hóa rất đặc biệt về đặc điểm của từng cá thể học sinh ngày nay.

Người ta nói học sinh ngày nay lười học nhiều! Trong một hội nghị tổng kết chuyên môn của ngành giáo dục TP.HCM đã cho rằng trên 60% học sinh không chăm chỉ học hành. Một trong những nguyên nhân quan trọng là giáo viên dạy không sát trình độ học sinh. Nếu giáo viên có điều kiện dạy cá thể, dạy sát trình độ học sinh chúng ta sẽ có ít nhất trên 80% học sinh thích thú học tập. Thật vậy, khi dạy sát đối tượng học sinh, thầy cô giáo có điều kiện xác lập lộ trình phát triển từ mức khởi điểm hợp lý, hấp dẫn học sinh tích cực tham gia học tập, không xao lãng phân tâm hoặc nhàm chán, thoát ly quy trình tương tác giữa thầy và trò. Albert Einstein đã nói: “Nghệ thuật tối thượng của người thầy là đánh thức niềm vui trong diễn đạt và tri thức sáng tạo” là vậy.

Ngành giáo dục TP.HCM đã chính thức triển khai chủ trương dạy học cá thể này từ năm 2002 mà trước hết là ở giáo dục tiểu học. Tháng 6 năm 2002, toàn thể hiệu trưởng các trường tiểu học của thành phố được tập trung về Trường Trung học Sư phạm TP.HCM, nay là Trường THPT Trần Đại Nghĩa, để học tập quán triệt tinh thần chủ trương dạy học cá thể nói trên.

PV: Còn học sáng tạo là thế nào, thưa ông?

– Khi đề cập đến hoạt động học tập, chúng ta thường quan tâm đến động cơ, thái độ và phương pháp học tập của học sinh. Học sáng tạo ở đây là muốn nói đến thái độ học tập, học một cách chủ động, tích cực thay cho thái độ học tập thụ động, đối phó. Đây là vấn đề chúng ta nghe nói rất nhiều trong thời gian gần đây, nhất là trong công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nước ta hiện nay.

Thật ra thái độ tích cực trong học tập là thái độ tất yếu phải có xưa nay để người học đạt kết quả tốt. Ngay từ thời cổ đại trong sách Luận ngữ “Đàm giáo” Khổng Tử đã nói: “Vật có 4 góc, chỉ cho 1 góc mà không biết tìm ra được 3 góc kia thì ta không dạy lại nữa” hàm ý khuyến khích người học phải chủ động, sáng tạo, phát triển tư duy, mở rộng tầm hiểu biết để “Học một, biết mười”!

Đầu thập niên 90, Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam đã công bố chương trình nghiên cứu về thanh niên Việt Nam, ở đó công trình đã ca ngợi chỉ số IQ thông minh và EQ cảm xúc nhưng lại báo động về chỉ số CQ sáng tạo, một nguyên nhân quan trọng là do phương pháp dạy học từ chương, áp đặt một chiều đối phó với thi cử của nhà trường đã làm giảm đi sức sáng tạo của học sinh.

Thưa ông, làm thế nào để giáo viên có thể dạy cá thể và học sinh có thể học sáng tạo được?

– Để học sinh có thể học sáng tạo được thì yếu tố tiên quyết phải có là phương pháp dạy học của thầy cô giáo phải đổi mới phù hợp và đổi mới phương thức tổ chức quản lý của nhà trường. Người giáo viên phải biết tổ chức cho học sinh hoạt động để học tập, phải biết gợi mở và biết lắng nghe để khơi dậy trong học sinh sự tự tin và ham thích học tập, chủ động tiếp thu kiến thức, rèn luyện kỹ năng và tư duy mở rộng nội dung học tập. Thái độ học tập tích cực sáng tạo này càng phát triển tốt khi học sinh được tổ chức thực hiện có hệ thống từ lớp nhỏ.

Để giáo viên dạy cá thể, trước hết là đào tạo sư phạm phải cung cấp cho giáo viên năng lực tổ chức hướng dẫn học tập và thiết chế tổ chức nhà trường phải thay đổi, phải giảm sĩ số học sinh trong lớp để giáo viên có điều kiện tương tác tốt với từng học sinh trong quá trình dạy học, phải có trang thiết bị đầy đủ cho học sinh thực hành trải nghiệm và đặc biệt là phương thức thi cử, đánh giá phải sát hợp để ghi nhận được sự phát triển sáng tạo của từng học sinh.

Ông quan tâm rất nhiều đến vấn đề giảm sĩ số trong lớp. Nhưng đây là vấn đề có vẻ rất khó khăn vì tình hình quá tải học sinh trong lớp của thành phố kéo dài! Ông có ý kiến như thế nào về vấn đề này?

– Đây là vấn đề mang tính chiến lược, phải dự đoán được số lượng học sinh và quy hoạch xây dựng trường lớp đáp ứng theo chuẩn sĩ số quy định và nghiêm túc thực hiện quy chuẩn ấy. Cùng với quy hoạch, phải xây dựng lộ trình phát triển mô hình trường ít học sinh trong lớp từ điểm đến diện tất cả vì một nền giáo dục tiên tiến, phát triển nhằm tạo điều kiện cho con em nhân dân được thụ hưởng dịch vụ giáo dục hiện đại.

Thưa ông, một bài soạn dạy cá thể và bài soạn dạy truyền thống khác nhau như thế nào?

– Một giờ dạy theo quan điểm dạy học cá thể, ngoài khung cấu tạo bài soạn vốn có, người giáo viên phải nắm bắt đặc điểm của từng học sinh trong lớp từ trình độ nhận thức đến tinh thần học tập mà thiết kế hoạt động của lớp thu hút từng cá nhân học sinh tham gia một cách tích cực, theo dõi nội dung học tập một cách thích thú và sáng tạo.

Trong bài soạn, người giáo viên phải dự đoán được những tình huống cụ thể để sẵn sàng giải quyết mọi vấn đề được đặt ra và tự tin phân phối thời gian hợp lý cho những phần trọng tâm, căn bản của bài dạy. Hệ thống bài tập trải nghiệm cũng phải phong phú, đảm bảo được từng học sinh có nội dung phù hợp để thực hiện một cách thích thú.

Khó khăn của dạy cá thể và học sáng tạo hiện nay là gì, thưa ông?

– Khó khăn lớn nhất hiện nay là vấn đề nhận thức, thói quen cũ và các điều kiện khác như sĩ số trong lớp còn quá đông, thiết chế tổ chức nhà trường về thời gian và chế độ chính sách giáo viên, phương thức thi cử đánh giá chưa đổi mới triệt để.

Khó khăn như vậy là rất cơ bản, trong thực tế đã có cá nhân hay đơn vị nào thực hiện thành công chưa, thưa ông?

– Khó khăn thì nặng nề nhưng chúng ta cũng có những thuận lợi rất cơ bản. Đó là công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện của giáo dục hiện nay theo tinh thần NQ 29 TW 8 khóa XI, toàn Đảng toàn dân đang ra sức nỗ lực thực hiện, tạo điều kiện tốt cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo phát triển. TP.HCM là một địa phương đã sớm triển khai chủ trương dạy học cá thể, học tập sáng tạo này và đã được đông đảo thầy cô giáo và phụ huynh ủng hộ, đã có nhiều điển hình cá nhân và đơn vị thực hiện thành công.

Xin cảm ơn ông!

Phan Ngọc Quang (thực hiện)

 

Bình luận (0)