Bằng tình yêu với lan, suốt mấy mươi năm qua, người đàn ông đó đã như chú ong cần mẫn, chắt chiu dâng những mật ngọt cho đời. Không chỉ tạo ra nhiều giống lan đẹp, ông còn tiên phong chung tay trong phong trào đưa người trẻ khởi nghiệp bằng nghề trồng lan trên chính mảnh đất quê hương mình, tạo ra những triệu phú hoa lan, tỷ phú hoa lan.
Giới trồng lan, mê lan từ Nam chí Bắc vẫn gọi ông bằng cái tên đầy trìu mến “thầy Tám Ngọc”. Ông chính là nghệ nhân Bùi Văn Ngọc (sinh năm 1947), từ kinh nghiệm hơn 45 năm trồng lan của mình, ông cho rằng, cây hoa lan rất dễ để làm giàu, điều quan trọng là người trồng nó bằng tình yêu và sự kiên nhẫn.
Là thầy, là ân nhân…
Phải mất năm lần bảy lượt xin cuộc hẹn, tôi mới gặp được thầy Tám Ngọc vì thầy kẹt lớp. Sáng cuối tuần, Sài Gòn nóng nực, chạy xe lên vùng Linh Xuân, Q.Thủ Đức, TP.HCM – nơi được xem như “thủ phủ lan” mới nổi của TP.HCM. Vườn lan của thầy Ngọc nằm lọt thỏm giữa những tòa nhà kiên cố, trông tí tẹo như cái chuồng chim nhưng xanh mướt mát và thơm mùi cây cỏ của thiên nhiên thuần phát.
Dù đã ở cái tuổi thất thập cổ lai hy, thầy Tám Ngọc vẫn còn đầy nhanh nhạy và minh mẫn. Thầy nói, điều thầy thấy vui nhất trong hơn 12 năm đứng lớp là ngày càng có nhiều người trẻ khát khao làm giàu từ chính nghề trồng lan trên chính mảnh đất quê hương mình. “Với nghề nông, thanh niên thường ít mặn mà do không có định hướng lâu dài. Bởi vậy, để người trẻ đến với nghề, gắn bó với nghề như một bước khởi nghiệp làm kinh tế nông nghiệp trong đô thị, mình phải đem cái gì mà người trẻ thấy trước mắt, để họ nhận ra rằng họ có thể làm được, có thể lâu bền thì mới được”, đó cũng là phương châm suốt mười mấy năm đứng trên bục giảng của thầy.
Đi lên từ nghệ nhân trồng lan, có khoảng thời gian hơn 43 năm gắn bó với lan, thầy Ngọc nhận ra rằng thu nhập từ hoa lan cao hơn rất nhiều trồng lúa khi 1m2 đất có thể trồng được 50 chậu lan. “Với 100m2, mỗi năm người nông dân có thể mang về thu nhập gấp từ 5 đến 10 lần trồng lúa, tùy vào loại lan. Nhất là trong làn sóng công nghiệp hóa, đất nông nghiệp đang bị thu hẹp lại, nghề trồng hoa lan là một điểm sáng để người nông dân bám trụ với đất đai, vườn tược, kiếm kế sinh nhai ở những vùng ngoại ô thành phố”.
“Đặc biệt, khởi nghiệp bằng lan không đòi hỏi quá nhiều vốn. Lan lại rất dễ thích nghi với điều kiện thời tiết, không cần phân bón nhiều, cũng không quá cầu kỳ chăm sóc…”, thầy Ngọc phân tích.
Năm 2006, lần đầu tiên thầy Ngọc nhận lời đứng lớp “chia sẻ kinh nghiệm” cho khoảng 20 học viên của CLB Khuyến nông Q.Thủ Đức. Thầy nói, khi đó chỉ nghĩ là mình đến chia sẻ những gì mình biết cho bà con thôi. Ai dè, từ đó đến nay, từ hội nông dân các quận – huyện, Hội Nông dân TP liên tiếp mời đứng các lớp chia sẻ kinh nghiệm cho đến dạy kỹ thuật trồng và chăm sóc cho bà con, thanh niên khởi nghiệp. Mỗi năm trung bình khoảng 10 lớp, mỗi lớp khoảng 20 học viên…
Những lớp học gần trong Q.Thủ Đức, Q.12, xa thì Hóc Môn, Củ Chi, Cần Giờ, Bình Chánh… và thậm chí đi các tỉnh, ra tận Hà Nội. “Cứ xách Honda chạy mịt mù như thế, sáng chạy đi trưa chạy về. Len lỏi vào tận những xã vùng sâu vùng xa của Củ Chi, Bình Chánh… Chỉ cần có người muốn học nghề, muốn khởi nghiệp làm giàu bằng nghề là tôi đến. Khi mình trao cho họ cái nghề là mình đã giúp họ tạo dựng cuộc sống”, vị nghệ nhân chia sẻ.
“Kỹ thuật mỗi ngày một khác nên học thầy Ngọc, mười lần đều là như mới. Thầy không bao giờ giấu nghề, có gì là chia sẻ hết cho học viên từ bí quyết để hoa lâu tàn, nhánh hoa to, bông lớn, trồng lan nhanh. Và quý nhất ở thầy là cái tâm với nghề. Bất cứ lúc nào học viên gọi, thầy cũng chỉ bảo tận tình”, chị Nhi chủ một vườn lan lớn tại huyện Bình Chánh cho biết.
Với chị Nhi, thầy Tám Ngọc không chỉ là thầy mà còn như một ân nhân với gia đình chị. “Vườn lan của mình khi đó đã úa vàng hết rồi, hỏi bao vườn lan thì mỗi người chỉ một kiểu, sai lại càng sai. Đang lúc tìm người để nhượng lại vườn, tình cờ gặp thầy, nhờ thầy mà mình mới cứu được vườn. Và phát triển như ngày hôm nay”, chị Nhi nhớ lại.
Nhẫn nại “chở lan đến với đời”
Năm 2017, thầy Tám Ngọc có dịp ra ngoài Bắc dạy một lớp về kỹ thuật trồng lan. Theo thầy Ngọc, ở ngoài Bắc, phong trào khởi nghiệp bằng lan vẫn chưa thật sự sôi động như trong Nam, trong khi đó, khí hậu ngoài Bắc rất thuận lợi để trồng các loài lan xứ lạnh mà trong Nam khó có thể trồng.
“Với những người trẻ mới khởi nghiệp bằng lan, nên áp dụng theo kỹ thuật vết dầu loang, làm từ ít đến nhiều, theo khả năng, tùy theo giống. Nên bắt đầu bằng lan đen-rô và mon-ka-ra bởi đây là hai loại lan bình dân, dễ trồng, dễ ra hoa, hoa ra nhiều giò. Trong vòng từ 5 đến 6 tháng là có thể cho thu hoạch”, thầy Ngọc cho hay.
Từ kinh nghiệm của mình, theo thầy Ngọc, khó nhất trong trồng lan chính là khâu chăm sóc. Trong suốt hơn 12 năm đứng lớp, tận mắt thấy hành trình làm giàu của bao thế hệ học trò mình, thầy Ngọc nói rằng, phải yêu lan, thương lan, trân trọng lan, kiên nhẫn lắng nghe hơi thở của lan từng ngày, từng giờ thì người trồng lan mới có thể thành công được. Tuy nhiên, cũng cần phải có sự nhẫn nại “chở lan đến với đời”. Như chính cuộc đời thầy đã gần nửa thế kỷ gắn với lan và giờ đứng lớp truyền lại cho thế hệ trẻ.
“Hiện tại, dù nguồn cung không đủ cầu, đa số nguồn lan tại Việt Nam được nhập về từ Thái Lan, Đài Loan thế nhưng, người trồng hoa lan tại Việt Nam lại đang nghẹn về đầu ra. Phần nhiều vẫn chỉ là cung cấp nhỏ lẻ cho các shop hoa lan, đặt hoa đám cưới… Để người nông dân yên tâm với nghề, gắn bó với nghề thì có lẽ phải cần sự chung tay vào cuộc của các cấp quản lý”, thầy Ngọc băn khoăn.
Từ ngày chuyển sang đứng lớp, vườn lan nhỏ của thầy với đủ giống lan nào vũ nữ, hồ điệp, cát-lay-gia, báo hỷ… cũng được chuyển nhượng sang phục vụ công tác thực nghiệm những kỹ thuật mới. “Cứ mày mò được kỹ thuật nào mới là thầy áp dụng ngay cho vườn nhà trước. Để rút ra thành công hay thất bại mới dám truyền đạt cho học viên”, thầy Ngọc cười bộc bạch.
Trái ngọt
Phải lòng với lan từ thời trẻ, từ những chậu lan cóp nhặt ban đầu, bằng tình yêu, sự đam mê, cậu thanh niên Tám Ngọc khi đó đã nhân ra thành 50 chậu. Bạn bè yêu lan biết đến, từ trao đổi đến mua bán, dần dần Tám Ngọc nhận ra rằng, làm giàu bằng lan là “có thật”. Và hành trình thắp lửa nghề trồng lan cho người nông dân cũng bắt đầu từ ý nghĩ đó.
“Giờ mỗi ngày điện thoại thầy nhận được trên dưới 100 cuộc gọi hỏi về kỹ thuật trồng lan. Điều này là tín hiệu mừng vì người nông dân đã ngày càng khát khao gắn bó với nghề”.
Có những cuộc gọi lúc 3 giờ sáng của một học viên xã An Nhơn Tây (Củ Chi) khi suốt 2 năm vườn lan không nở hoa. “Thầy xuống tận nơi bắt bệnh, một tháng sau quay lại, hoa đã ngập vườn”.
Có học viên ở Bình Chánh, vườn lan “vàng như lúa chín”, sau 6 tháng trải qua 2 liệu trình trị bệnh của thầy, vườn lan đã xanh rì trở lại và trổ bông. “Cô ấy chở 10 giò lan lên tặng thầy mà bông nào bông nấy cứ chắc nịch, hoa dài cả ngang tay. Bây giờ cô ấy đã trở thành một trong những tỷ phú hoa lan ở huyện Bình Chánh”.
Với những cống hiến không mệt mỏi, đem kế sinh nhai lâu bền cho nhiều người dân làm giàu, thầy Tám Ngọc đã nhận được Bằng khen của UBND TP.HCM, Hội Nông dân TP.HCM, Thủ tướng Chính phủ… vinh danh công tác dạy nghề cho nông dân.
Hàn Phi Yến
Bình luận (0)