Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Thầy định kiến, trò gian nan tìm chỗ dựa

Tạp Chí Giáo Dục

Trong nhiều trường hợp, có những giáo viên đã vô tình trở thành người trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra thương tổn về mặt tâm lý đối với học sinh bởi những định kiến xã hội mà họ chưa vượt thoát được trong suy nghĩ.

Một người bạn của tôi vẫn chưa nguôi cơn giận khi nghe cậu con trai kể rằng không những cháu bị bạn bè mà còn bị chính cô giáo chủ nhiệm phân biệt đối xử vì là người miền Bắc. “Nếu làm giáo viên mà không thể hiểu được những tương đồng, khác biệt, những đặc sắc, hạn chế của các vùng miền trên đất nước thì làm sao có thể có được sự bao dung trong quá trình giáo dục trẻ?”, bạn tôi phản biện trong vẻ bức xúc. Quả thật, có một thực tế, dù là giáo viên nhưng nhiều thầy cô vẫn chưa thoát ra khỏi những định kiến tiêu cực về vùng miền. Từ những định kiến này, thầy cô đã vô tình có những lời nói, hành động khiến cho học sinh cảm thấy không thể hòa nhập cùng bạn bè. Cần nói rõ rằng, phân biệt vùng miền là một hiện tượng tất yếu nảy sinh trong hoàn cảnh không gian đa văn hóa. Sự khác biệt văn hóa có nhiều nguyên nhân từ những khác biệt về địa hình, khí hậu, thời tiết, giọng nói, quan niệm… Phân biệt vùng miền chỉ thật sự là việc cần làm khi nó mang mục đích tìm hiểu những bản sắc đặc trưng của vùng miền để nâng cao quá trình giao lưu chia sẻ trong cộng đồng. Nếu phân biệt vùng miền để đi đến kỳ thị, phân biệt đối xử thì chính là phản văn hóa. Thế nên, phân biệt vùng miền một cách cực đoan ngay chính trong môi trường giáo dục là điều không thể chấp nhận, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa như hiện nay.

Không chỉ mang định kiến vùng miền, một số thầy cô còn có định kiến về giới. Ngày nay, trong hoàn cảnh xã hội phát triển, con người càng được mở rộng biên độ của sự tự do. Tự do giới tính, sống đúng với bản dạng giới như được cởi trói, vượt thoát khỏi những suy nghĩ đóng đinh hàng trăm thế kỷ. Theo đó, con người không chỉ đơn giản phân biệt thành hai giới tính nam và nữ, mà còn một cộng đồng không nhỏ những người là luyến ái nữ (Lesbian), đồng tính luyến ái nam (Gay), song tính luyến ái (Bisexual) và hoán tính (hay còn gọi là người chuyển giới – Transgender), gọi tắt là LGBT với những nhu cầu cảm xúc hoàn toàn bình đẳng. Thế nhưng, nhiều nhà giáo dục đã vô tình trở thành những nhà phản giáo dục bởi những định kiến của họ về giới. Thiếu kiến thức thường thức về LGBT, thiếu cách nhìn đa chiều, thiếu sự cảm thông đang là tình trạng chung không chỉ của phụ huynh mà còn của nhiều giáo viên. Kỳ thị những học sinh, sinh viên LGBT chính là đi ngược lại với sứ mạng thiêng liêng của nghề giáo là truyền đi ngọn lửa yêu thương và tri thức cho thế hệ tương lai. Còn nhớ, tại hội thảo “Nuôi mầm khoan dung – Vì một môi trường học đường an toàn và khoan dung” do UNESCO và Bộ GD-ĐT tổ chức vào cuối tháng 8 năm ngoái, Ban tổ chức đã vinh danh thầy Võ Đức Chỉnh (Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Việt Hồng – Cần Thơ) vì sự giúp đỡ, quan tâm sẻ chia của thầy dành cho các học sinh LGBT đang theo học tại trường. Cần lắm những trái tim ấm nóng như thầy Võ Đức Chính, những chỗ dựa tinh thần lớn lao cho học sinh nơi học đường.

Trần Xuân Tiến
(Trường ĐH Văn Hiến)

Bình luận (0)