Ngoài giáo trình, giáo án thì sách chính là trợ thủ đắc lực mang lại hiệu quả trong dạy và học. Thông qua việc đọc sách còn tác động mạnh mẽ, tích cực đến việc hình thành tri thức và nhân cách cho học sinh.
Học sinh Trường THCS An Nhơn (Q.Gò Vấp) đọc sách trong giờ ra chơi
Sống bao dung… nhờ sách
Là chị cả trong gia đình nhưng Lê Nguyễn Vân Anh (học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Triệu Thị Trinh, Q.10, TP.HCM) luôn được ba mẹ yêu thương, cưng chiều. Em ước mơ được đi du học, có điện thoại xịn nhất… và là người được các bạn trong lớp hâm mộ. Khi thầy cô hay người thân góp ý những khuyết điểm thì em lại không vui vì nghĩ mọi người không thương, không hiểu mình. Tuy nhiên, từ khi cô Hạnh (giáo viên chủ nhiệm lớp) đưa cho em quyển sách Hạt giống tâm hồn 1 để đọc, câu chuyện “Chắp cánh ước mơ” nói về một bạn học sinh rất bất hạnh, bị khuyết tật cả chân và tay nhưng luôn biết vươn lên đã tác động đến suy nghĩ của em, đó là phải biết coi trọng cuộc sống của mình, bởi chúng ta may mắn hơn những người khác rất nhiều vì họ còn không thể làm những điều họ muốn, từ những việc đơn giản nhất như đi, chạy, nhảy, cầm đồ… “Vậy tại sao chúng ta không biết trân trọng những gì mà chúng ta có? Từ đó em đã thay đổi chính bản thân mình, sống bao dung, biết giúp đỡ và chia sẻ với mọi người, biết nhận lỗi và nghe lời ba mẹ, thầy cô…”, Vân Anh bày tỏ.
Còn Nguyễn Dương Khánh Ngọc (học sinh lớp 5/6 Trường Tiểu học Trần Văn Ơn, Q.11, TP.HCM) lại có câu chuyện khác. Ngọc vốn là một lớp trưởng, rất thân với bạn Ân (lớp phó) từ khi bước chân vào trường tiểu học. Nhưng từ những mâu thuẫn nhỏ đã khiến hai em giận nhau suốt một học kỳ năm lớp 4. Từ đó bạn bè trong lớp bắt đầu chia ra hai phe ủng hộ Ngọc và Ân làm cho không khí trong lớp rất căng thẳng, cho dù hai giáo viên chủ nhiệm lớp 3 và lớp 4 đã nhiều lần khuyên giải nhưng hai em vẫn không thể làm hòa với nhau. Nhờ thói quen đọc sách, Ngọc đã đọc được một câu chuyện có tên “Lắng nghe những điều giản dị”, trong đó có câu: “Hãy bỏ tất cả những ưu phiền của bạn vào một chiếc túi lủng”. “Đó là câu nói em từng thích nhất mà sao bây giờ em lại không thể trút bỏ những suy nghĩ tiêu cực đó? Và em đã quyết định vào ngày hôm ấy sẽ gặp Ân để nói chuyện và giảng hòa, từ đó cả hai vui vẻ trở lại. Sau lần đó, thư viện chúng em phát động một phòng trào “Mỗi tuần một quyển sách”, em vinh dự đoạt giải nhất nhờ quá trình đọc sách”, Ngọc chia sẻ.
Nói về cơ duyên đưa mình đến với sách, em Lê Ngọc Phương Trinh (học sinh lớp 8A2 Trường THCS Nguyễn Hiền, Q.7, TP.HCM) nhớ lại hồi học lớp 5, trong lúc chờ mẹ đến đón đã được cô giáo cho mượn quyển sách màu cam với tựa đề “Thiên thần nhỏ của tôi”. Cuốn sách đã “biến” một cô bé không thích đọc sách trở nên bị lôi cuốn, thu hút và bắt đầu thâm nhập vào thế giới sách. “Sau đó, cuộc sống của em có những thay đổi nhất định, em bắt đầu có sự chuẩn bị cho hành trình trong tương lai của mình, có những câu châm ngôn sống của riêng mình, cuộc sống của em luôn có những điều mới mẻ”, Trinh khẳng định.
Nói về lợi ích của việc đọc sách, em Nguyễn Hà Nguyễn (học sinh lớp 9 Trường THCS An Nhơn, Q.Gò Vấp, TP.HCM) khẳng định sách là món ăn tinh thần không thể thiếu của những người đam mê đọc, những người ham mê tìm hiểu kiến thức. “Đối với riêng em, sách còn là những trải nghiệm đáng giá, khi mỗi giây phút đọc sách là được “bơi” trong biển kiến thức của loài người được vẽ lên trong từng câu chữ, trên từng trang giấy”, Nguyễn cho biết.
Dạy học sinh lớn lên cùng sách
Cô Đỗ Hoàng Mai (giáo viên Trường Tiểu học Trần Văn Ơn, Q.11) cho biết các thói quen, hay những kỹ năng sống tốt muốn có được phải từ sự học hỏi, rèn luyện, kể cả niềm đam mê. Lời dạy “Con hãy chơi trò này, hãy xem chương trình kia…” không còn thích hợp trong thời đại công nghệ phát triển như hiện nay. “Niềm mong muốn được dạy học sinh đọc và tìm hiểu những cuốn sách luôn mãnh liệt trong tôi; vì vậy những giờ rảnh rỗi tôi thường cho các em đọc sách, thỉnh thoảng lại đọc cho các em nghe những câu chuyện hay từ sách, rồi được tận mắt nhìn thấy các em ứng xử tích cực đối với bạn bè; lễ phép, vâng lời thầy cô; sống ngăn nắp, trật tự, đúng giờ… Đó là một sự lớn nhanh về nhân cách! Cũng nhờ đọc sách, học sinh giỏi của lớp tôi viết văn sáng tạo, nói năng lưu loát, có ý thức tự học cao. Học sinh trung bình đã không còn dán mắt vào chơi game mà đã chuyển sang xem các bộ sách phù hợp với lứa tuổi”, cô Mai phấn khởi nói.
Với giáo viên dạy văn như cô Trần Thụy Ngọc Trân (Trường THCS Nguyễn Hiền, Q.7) thì sách chính là liều thuốc bổ trợ hiệu quả mà người làm công tác giáo dục nếu sử dụng thường xuyên sẽ có tác động tích cực đến việc hình thành nhân cách học sinh. “Mục đích cao nhất, trước hết và trên hết của mọi nền giáo dục chính là hình thành nhân cách người học, tạo mọi điều kiện tốt nhất để người học hòa nhập vào đời sống lao động, đời sống cộng đồng. Đó là một quá trình xã hội hóa sâu sắc của con người, làm đời sống con người trở nên hữu ích, có giá trị không chỉ đối với bản thân mà còn đối với gia đình, cộng đồng, quốc gia, dân tộc”, cô Trân nhấn mạnh.
Về vấn đề này, cô Trần Thị Ánh Ngọc (Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Trường Toản, Q.10) bày tỏ: Việc hình thành và phát triển thói quen đọc sách cho học sinh ở trường tiểu học xét cho cùng cũng chính là góp phần thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018. Bởi lẽ chương trình giáo dục phổ thông 2018 hướng đến việc hình thành và phát triển cho học sinh 5 phẩm chất chủ yếu: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm; 10 năng lực cốt lõi gồm 3 năng lực chung (tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo) và 7 năng lực đặc thù (ngôn ngữ, tính toán, khoa học, công nghệ, tin học, thẩm mỹ, thể chất). Một trong những mục tiêu của đổi mới chương trình giáo dục phổ thông là giúp học sinh phát triển năng lực tự học, biết thu thập và xử lý thông tin từ các nguồn khác nhau và ngày càng đa dạng, phong phú để có năng lực học tập suốt đời. “Kỹ năng đọc cùng thói quen đọc sách tích cực chính là nền tảng giúp học sinh đạt được những mục tiêu đó”, cô Ngọc cho hay.
Bài, ảnh: Hồ Trinh
Bình luận (0)