Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Thay đổi cách đánh giá THCS, THPT: Đúng hướng, nhưng thực hiện nhiêu khê!

Tạp Chí Giáo Dục

Trong hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ của giáo dục THCS và THPT mà Bộ GD-ĐT ban hành từ đầu năm học 2015-2016, có một điểm đáng chú ý, đó là về cách thức đánh giá học sinh.

Việc đánh giá học sinh THCS và THPT cần phải có cách làm cụ thể chứ không thể quy định chung chung (ảnh minh họa). Ảnh: A.Khôi

Theo đó, khi đánh giá để xếp loại học sinh, cần dựa vào nhiều nhân tố, như sự nhận xét, đánh giá của giáo viên; sự tự nhận xét và sự góp ý đánh giá lẫn nhau của học sinh; sự đánh giá của phụ huynh và của cộng đồng. Có thể thấy đây là một yêu cầu cần kíp, nhưng để thực hiện thì không phải dễ dàng. Và thực tế sau một năm đưa vào áp dụng, chẳng mấy trường thực hiện được nhiệm vụ này.

Cần kíp vì từ trước đến nay, chỉ có giáo viên và nhà trường mới đánh giá, xếp loại người học. Do đó đây là yêu cầu rất có ý nghĩa giáo dục. Bởi lẽ, một mặt, sẽ tránh đi được sự chủ quan, phiến diện, đơn phương của giáo viên trong việc đánh giá xếp loại đối với học sinh. Một mặt, nó đặt đối tượng người học trong sự ràng buộc, trong mối quan hệ đa dạng của quá trình học tập và rèn luyện, trong cuộc sống gia đình và xã hội. Mặt khác, nó thể hiện sự cộng hưởng về trách nhiệm cộng đồng trong việc giáo dục thế hệ trẻ.

Khi có những biểu hiện sai trái, hư hỏng của người trẻ, thì người ta thường quy lỗi cho giáo dục.

Một thực tế từ bấy lâu nay trong suy nghĩ chung của nhiều người thì việc giáo dục là của nhà trường, của giáo viên, của ngành giáo dục. Và khi có những biểu hiện sai trái, hư hỏng của người trẻ, thì người ta thường quy lỗi cho giáo dục. Chứ ít người chịu suy nghĩ rằng, để làm nên một nhân cách con người, chỉ ở nhân tố nhà trường chưa đủ mà cần sự chung tay của nhiều đối tượng, trong đó có bạn bè, gia đình và xã hội… Trong khi đó, đối với học sinh, giữa nhà trường và gia đình, xã hội có một khoảng cách rất lớn. Họ thường nghĩ rằng phải tốt với giáo viên, với nhà trường vì đó là những người đánh giá, xếp loại con em mình. Chứ họ đâu thấy rằng mình còn phải sống tốt với nhiều mối quan hệ ràng buộc khác. Vì thế, khi có sự đánh giá đa dạng trên, sẽ có tác dụng nhiều chiều đối với việc hình thành nhân cách cho học sinh.

Nhưng làm sao để lý thuyết kia trở thành hiện thực khi mà giữa học sinh với nhau còn sự thiên vị cả nể, chưa quen có được tính chân thành, thẳng thắn. Cho nên còn sự bao che, dễ dẫn đến đánh giá sai lệch, thiếu cơ sở tin cậy. Và khi mà giữa nhà trường và phụ huynh còn một khoảng cách quá lớn (mỗi năm chỉ gặp mấy lần trong các buổi họp phụ huynh, chỉ đủ thời gian để giáo viên thông báo kết quả học tập của học sinh) thì nói chi đến việc nhận xét, thống nhất xếp loại. Nhiều phụ huynh vùi đầu vào công việc, bỏ mặc việc học cho con, chỉ biết cuối năm con mình ở lại hay lên lớp! Vậy thì làm sao để có tiếng nói chung trong việc xếp loại con em mình? Rồi sự can thiệp đánh giá của cộng đồng xã hội như thế nào? Ai tham gia thực hiện? Rồi sự hợp nhất về hồ sơ ra làm sao?…

Hàng loạt các câu hỏi như thế cho thấy sự khó khăn trong việc thực hiện chủ trương đúng đắn này. Chỉ một mình ngành giáo dục không thể ôm xuể. Vì thế cần phải có sự tính toán kỹ lưỡng, cách làm cụ thể, để vận động, kéo các thành phần khác vào cuộc.

T.N.T (TP.HCM)

Bình luận (0)