Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Thay đổi cách ra đề thi, kiểm tra: Còn yếu do thiếu quyết tâm

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh xem lại đề thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2008. Ảnh: T.TR

Thay đổi phương pháp ra đề kiểm tra, đề thi (đề kiểm tra, thi) ở các trường THPT là một trong những yêu cầu của đổi mới phương pháp giảng dạy để đáp ứng nội dung chương trình sách giáo khoa mới. Cách ra đề kiểm tra, thi theo khung đề chung cũng đã được áp dụng ở một vài trường THPT của TP Cần Thơ, bước đầu mang lại kết quả khả quan. Tuy nhiên, việc đổi mới phương pháp ra đề này vẫn còn vướng phải những khó khăn do thiếu sự thống nhất chung cũng như thiếu sự chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể.
Bắt đầu từ năm học 2006-2007, Trường THPT Hà Huy Giáp, huyện Cờ Đỏ, tiến hành thực hiện việc ra đề kiểm tra, thi (đối với những môn, những khối lớp Sở GD-ĐT không ra đề) theo khung đề chung. Hằng năm, trường tổ chức tọa đàm 2 lần để tổng hợp ý kiến của giáo viên trong các tổ bộ môn về nội dung chương trình. Trong các buổi tọa đàm, giáo viên trao đổi với nhau phương pháp giảng dạy phù hợp đối với những bài khó. Thầy Nguyễn Mạnh Hùng, Phó hiệu trưởng Trường THPT Hà Huy Giáp, cho biết: “Qua những buổi tọa đàm, giáo viên nắm được kiến thức chuẩn của cả chương trình, kể cả kiến thức chuẩn của các khối khác ngoài khối mình dạy”.
Trong quá trình giảng dạy, các giáo viên trong cùng bộ môn sẽ họp để thống nhất nội dung chương trình giảng dạy, cách ra đề kiểm tra, thi và soạn một hệ thống câu hỏi. Trước mỗi đợt thi, kiểm tra, tổ bộ môn họp lại thống nhất đề thi và đáp án. Thầy Huỳnh Văn Võ, Tổ trưởng bộ môn toán, Trường THPT Hà Huy Giáp, nói: “Từ khung chương trình và các mẫu đề thi của Bộ GD-ĐT, tổ chúng tôi thống nhất ma trận đề với đầy đủ các phần: nhận biết, thông hiểu và làm được. Vì vậy, đề kiểm tra, thi của cả khối sẽ thống nhất theo một khung ra đề chung”. Cách làm này giúp học sinh tổng hợp kiến thức chuẩn của cả chương trình. Đồng thời, việc tổ chức thi, kiểm tra dần đi vào nền nếp.
Thầy Nguyễn Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Hà Huy Giáp, nhận xét: “Cách ra đề theo hướng thống nhất nội dung chung đã mang đến sự thay đổi lớn trong việc dạy và học. Với mặt bằng đề chung, qua kiểm tra, có thể đánh giá được chất lượng giảng dạy của từng giáo viên. Mặt khác, học sinh cũng cố gắng học hơn”. Theo thầy Phú, đầu năm học, trường đều kiểm tra chất lượng học sinh và điểm kiểm tra chất lượng sẽ là căn cứ để so sánh, đánh giá cho những lần kiểm tra sau. Cụ thể, nếu điểm kiểm tra trong năm học của học sinh cao quá so với điểm kiểm tra chất lượng đầu năm, trường sẽ tiến hành kiểm tra để xem có điều bất thường hay không. Ngược lại, điểm quá thấp sẽ thể hiện chất lượng giảng dạy của giáo viên.
 Ngoài việc ra đề kiểm tra, thi theo khung đề chung, đặc biệt bộ môn Anh văn của Trường THPT Hà Huy Giáp còn tổ chức ra đề kiểm tra 1 tiết chung cho từng khối lớp. Đó là nhờ bộ môn Anh văn đã thành lập được ngân hàng đề thi chung. Thầy Nguyễn Thanh Phú chia sẻ: “Ngoài mục tiêu chung là đổi mới cách kiểm tra, thi theo yêu cầu của chương trình, chúng tôi còn muốn đổi mới cách ra đề kiểm tra, thi để nâng cao nhận thức của học sinh, hướng đến việc học thật, chất lượng thật. Theo tôi, để có kết quả như mong muốn, sự thay đổi này phải lâu dài, thành nếp”.
Tuy nhiên, không phải trường nào cũng dễ dàng thống nhất khung đề chung như Trường THPT Hà Huy Giáp. Thầy Dương Văn Nghiêm, Phó hiệu trưởng
Điều làm giáo viên không khỏi băn khoăn là hướng dẫn đổi mới cách ra đề kiểm tra, thi của Bộ GD-ĐT. Trong khi Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng triển khai nội dung các kỳ thi bằng hình thức thi trắc nghiệm khách quan ở một số môn thì đầu năm học này Vụ Trung học phổ thông lại chỉ đạo tổ chức kiểm tra, thi tại các trường THPT theo hình thức thi tự luận. Vì vậy, hầu hết các trường ra đề theo kiểu “nước đôi”, vừa có phần tự luận vừa có phần trắc nghiệm.
Trường THPT Lưu Hữu Phước, cho biết: “Trường xác định việc thành lập ngân hàng đề, thống nhất cách ra đề là cần thiết. Tuy nhiên, đó là việc mang tính lâu dài, khó có thể thực hiện ngay”. Một trong những nguyên nhân khiến các trường ngại ra đề theo khung đề chung là vấn đề thời gian. Thầy Huỳnh Văn Võ, Tổ trưởng bộ môn toán, Trường THPT Hà Huy Giáp, phân tích: “Nếu cho một đề kiểm tra, thi thông thường, sau đó tự chấm thì sẽ rất dễ dàng cho giáo viên. Nhưng nếu cho một đề thi theo khung đề chung, giáo viên sẽ mất rất nhiều thời gian để lựa chọn đề phù hợp”.
Đổi mới kiểm tra, thi cử là vấn đề rất quan trọng, hỗ trợ tích cực cho việc đổi mới phương pháp giảng dạy đồng thời đánh giá đúng năng lực học sinh, hiệu quả giảng dạy của giáo viên. Ông Nguyễn Quí Đôn, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP Cần Thơ, cho biết: “Ngành giáo dục đã chỉ đạo các trường từng bước thay đổi cách ra đề kiểm tra, thi theo từng bộ môn sao cho phù hợp với nội dung chương trình mới. Đề kiểm tra, thi phải bám sát nội dung chương trình, học lực của học sinh nhằm tránh tình trạng học tủ, học lệch”. Tuy nhiên, từ thực tế ở các trường cho thấy, cần sớm triển khai thực hiện việc ra đề kiểm tra, thi theo một khung đề chung. Đây cũng là cơ sở để tiến tới việc xây dựng ngân hàng đề, đổi mới cách ra đề kiểm tra, thi một cách triệt để và ở phạm vi rộng lớn hơn.
Thái Hải

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)