Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Thay đổi cách tính tiết nghĩa vụ: Lo “chảy máu chất xám” giáo viên tiếng Anh tiểu học tại TP.HCM

Tạp Chí Giáo Dục

Phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ, bao gồm cả nhiệm vụ ngoài chuyên môn để đảm bảo đủ tiết nghĩa vụ, khả năng lớn sẽ xảy ra tình trạng “chảy máu chất xám” giáo viên tiếng Anh tiểu học tại trường công lập ở TP.HCM.

Như Tạp chí Giáo dục TP.HCM đã phản ánh “TP.HCM: Từ thiếu giáo viên tiếng Anh tiểu học lại trở thành dôi dư cục bộ” và “Quận Gò Vấp: Dạy vượt tiết nhưng giáo viên tiếng Anh tiểu học vẫn bị tính thiếu tiết nghĩa vụ”, xuất phát từ câu chuyện năm học 2024-2025, nhiều địa phương tại TP.HCM đã không còn quy đổi tính tiết nghĩa vụ cho giáo viên tiếng Anh tiểu học khi đứng các tiết đồng giảng với giáo viên nước ngoài.

Lý do là theo hướng dẫn chuyên môn tiếng Anh bậc tiểu học của Sở GD-ĐT TP năm học này đã bỏ quy định giáo viên tiếng Anh Việt Nam đứng đồng giảng cùng giáo viên nước ngoài trong các tiết dạy có giáo viên nước ngoài. Đồng thời Nghị quyết 13 của HĐND TP.HCM cũng quy định, việc dạy ngoại ngữ với giáo viên nước ngoài thì chỉ có giáo viên nước ngoài đứng lớp giảng dạy.

Điều chỉnh này ngay lập tức đã ảnh hưởng trực tiếp đến hàng ngàn giáo viên tiếng Anh tiểu học của TP.HCM. Tình trạng dôi dư giáo viên tiếng Anh cục bộ diễn ra ở nhiều trường tiểu học, nhiều quận huyện trên địa bàn thành phố. Riêng tại quận Gò Vấp, toàn quận dư đến gần 50% số giáo viên tiếng Anh tiểu học.

Thay đổi cách tính định mức tiết nghĩa vụ tác động lớn đến giáo viên tiếng Anh tiểu học

Để giải bài toán dư giáo viên, trước mắt, các trường hiện đang thực hiện phân công giáo viên tiếng Anh đảm nhiệm thêm nhiều vai trò công việc khác, từ công tác chuyên môn cho đến… ngoài chuyên môn; dạy phổ cập; làm công tác chủ nhiệm… để giáo viên có đủ tiết nghĩa vụ.

Từng có nhiều năm đảm nhận vai trò chuyên viên phụ trách môn tiếng Anh ở một quận tại TP.HCM, hiệu trưởng một trường tiểu học cho hay, để tuyển dụng được 1 giáo viên tiếng Anh tiểu học có chuyên môn giỏi là rất khó. Bởi thực tế, khối lượng công việc của giáo viên tiếng Anh tiểu học hiện khá lớn, không chỉ phải đảm nhiệm 23 tiết nghĩa vụ/tuần mà còn phải phụ trách số lượng học sinh đông, với nhiều công việc liên quan đến quản lý học sinh. Trong khi đó, nếu ở bậc THCS thì số tiết nghĩa vụ chỉ còn 19 tiết, THPT là 17 tiết, công việc cũng giảm đi nhiều hơn do học sinh đã lớn hơn…

“Nếu thay đổi cách tính tiết nghĩa vụ mà không có giải pháp căn cơ, cốt lõi, phù hợp thì chắc chắn tình trạng “chảy máu chất xám” giáo viên tiếng Anh tiểu học diễn ra chỉ là vấn đề thời gian. Để đào tạo ra được một giáo viên dạy đúng đặc trưng môn tiếng Anh tiểu học là rất khó nếu không ưu đãi, đãi ngộ thì chất lượng giảng dạy tiếng Anh của thành phố sẽ bị ảnh hưởng…” – hiệu trưởng này lo lắng.

Đang được phân công làm nhiệm vụ phổ cập giáo dục ở môn tiếng Anh và làm công tác chủ nhiệm để đảm bảo đủ số tiết nghĩa vụ, giáo viên tiếng Anh tại một trường tiểu học quận Gò Vấp buồn bã “nản vô cùng” vì ngoài công việc chuyên môn đặc thù lại phải làm thêm nhiều nhiệm vụ khác, có nhiệm vụ chưa đúng chuyên môn.

Cô tâm tư: Trước đây, công việc đã nhiều áp lực nhưng vì yêu nghề mà gắn bó. Nay khối lượng công việc vẫn nhiều nhưng giáo viên còn phải đảm nhiệm thêm rất nhiều công việc khác chuyên môn thì chắn chắn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy, thậm chí tình trạng giáo viên tiếng Anh nghỉ việc ở trường công là điều hiển nhiên.

Giáo viên này kiến nghị UBND TP, Sở GD-ĐT TP cần đưa ra hướng sắp xếp, giải quyết phù hợp với thay đổi đột ngột này, để giáo viên tiếng Anh an tâm giảng dạy. Việc dư thừa giáo viên do chuyển giao giữa Chương trình GDPT 2006 sang Chương trình GDPT 2018 và thời gian dài không đánh giá đúng nhu cầu tuyển dụng dẫn đến tuyển dụng quá nhiều không phải là lỗi của giáo viên nhưng giáo viên hiện đang phải chịu trách nhiệm thì không phù hợp.

TP.HCM đã từng “chảy máu chất xám” giáo viên tiếng Anh tiểu học những năm 2016

Nỗi lo chảy máu chất xám giáo viên tiếng Anh tiểu học

Nhiều giáo viên tiếng Anh tiểu học TP.HCM vẫn đầy tiếc nuối khi chia sẻ về thời hoàng kim của giáo viên tiếng Anh tiểu học thành phố những năm 2000. Khi đó, với việc thực hiện chương trình tiếng Anh tăng cường tiểu học (bắt đầu thí điểm từ năm học 1998-1999), TP.HCM đã đầu tư trong tuyển dụng giáo vên tiếng Anh và dành chế độ đãi ngộ cực kỳ hấp dẫn.

“Tôi ra trường và thi tuyển giáo viên tiếng Anh tiểu học TP.HCM năm 2004, khi đó hội đồng tuyển dụng do Sở GD-ĐT TP tổ chức. Giáo viên trúng tuyển sẽ được ưu tiên để nhận nhiệm sở theo thứ tự điểm. Tôi đứng thứ 2 về điểm thi tuyển cao nên được ưu tiên lựa chọn trước, và tôi chọn về quận 1, cô giáo điểm cao nhất thì chọn về Hóc Môn vì nhà cô ở Hóc Môn” – một giáo viên kể lại.

Giáo viên này cho biết, do khi đó TP.HCM quan niệm về vai trò của bộ môn tiếng Anh rất quan trọng, khác với giáo viên tiểu học nhiều môn vì thế dành rất nhiều ưu đãi cho đội ngũ. Về số tiết nghĩa vụ, giáo viên tiếng Anh chỉ phải dạy 16 tiết/tuần. Đặc biệt, song song với hưởng lương tiết nghĩa vụ thì giáo viên còn được hưởng chế độ ưu đãi từ tiết đầu tiên (trong 16 tiết) với 40-50 ngàn đồng/tiết.

Những năm 2000, giáo viên tiếng Anh tiểu học mới ra trường đã nhận mức lương là trên 5 triệu đồng, mà giá vàng lúc đó chỉ có vài trăm ngàn đồng/chỉ. Chính vì được ưu đãi, TP.HCM khi đó thu hút được rất nhiều giáo viên tiếng Anh có trình độ chuyên môn cao, thậm chí là bằng cấp châu Âu.

“Đến năm 2016, khi TP.HCM thay đổi cách tính tiết nghĩa vụ, từ 16 tiết lên 23 tiết/tuần như các giáo viên tiểu học nhiều môn đã có làn sóng giáo viên tiếng Anh giỏi bỏ việc, nhảy việc, tình trạng chảy máu chất xám giáo viên tiếng Anh. Tôi chứng kiến nhiều thầy cô với chuyên môn cao bỏ trường công ra dạy trường quốc tế, trường tư thục hoặc là dạy ở các trung tâm, làm công ty nước ngoài…”.

Từ thực tế đã xảy ra, giáo viên này cho rằng, với cách điều chỉnh về tính tiết nghĩa vụ, dôi dư giáo viên tiếng Anh tiểu học cục bộ như hiện nay, nếu TP.HCM không có giải pháp phù hợp thì “rất có thể sẽ lại xảy ra tình trạng “chảy máu chất xám” giáo viên tiếng Anh tiểu học như trước đây.

Yến Hoa

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)