Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Thay đổi chương trình, SGK Ngữ văn THPT: Bài 1: Nhìn từ sách giáo khoa hiện hành

Tạp Chí Giáo Dục

Từ khi Bộ GD-ĐT chủ trương chỉnh lý hợp nhất sách giáo khoa (SGK) vào năm 2000 trên cơ sở từ hai bộ sách (miền Bắc, do Trường ĐH Sư phạm Hà Nội chủ trì biên soạn; phía Nam do Hội Nghiên cứu và Giảng dạy văn học TP.HCM chủ trì biên soạn), SGK môn văn THPT cũng đã có thêm một lần thay đổi.

Nhiều giáo viên cho rằng SGK Ngữ văn hiện nay còn một số điểm chưa hợp lý cần phải điều chỉnh lại (ảnh minh họa). Ảnh: A.Khôi

Lộ trình thực hiện theo hình thức cuốn chiếu của các năm 2006, 2007, 2008 tương ứng với các lớp 10, 11, 12. Đây là lần đổi mới có tính đột phá theo hướng tích hợp của ba phân môn (văn học, làm văn và tiếng Việt) thành một bộ môn có tên gọi chung là Ngữ văn, cùng với chủ trương là phát huy vai trò của người học, “tự mình chiếm lĩnh tác phẩm văn chương” và “hướng vào cuộc sống để vận dụng kiến thức” (Lời nói đầu, Ngữ văn 10). Thế nhưng trong quá trình đưa vào giảng dạy, chúng tôi thấy còn một số điểm chưa thật hợp lý. Trước lộ trình thay đổi chương trình, SGK bậc THPT sắp tới, thiết nghĩ những điểm bất hợp lý theo chúng tôi sau đây sẽ góp thêm ý kiến để bộ SGK mới hoàn thiện hơn.

Cần sự nhất quán khi tích hợp

Trước kia, khi chưa thay đổi, ba phân môn văn học, làm văn và tiếng Việt phải học riêng. Khi soạn sách cũng có các nhóm soạn giả soạn riêng cho từng phân môn. Và mỗi phân môn ấy phải đi theo hệ thống chương trình bài học riêng của mình. Nhưng khi tích hợp lại thì ba phân môn ấy phải có sự thống nhất chung. Có sự kết hợp khoa học, chặt chẽ, thống nhất của các nhóm. Thế nhưng khi nhìn vào chương trình ta vẫn thấy còn một số khập khiễng. Ví dụ bài làm văn Tiểu sử tóm tắt ở chương trình lớp 11 thiếu nhất quán với rất nhiều phần giới thiệu tác giả thuộc tiểu dẫn của bài đọc văn. Trong phần ghi nhớ của bài học Tiểu sử tóm tắt, SGK yêu cầu: “Bản tiểu sử tóm tắt thường có các phần: giới thiệu khái quát về nhân thân; hoạt động xã hội; những đóng góp, thành tựu; đánh giá chung”. Thế nhưng, nếu nhìn vào các tiểu sử của các nhà thơ, nhà văn được giới thiệu trong chương trình có thể thấy “thiên hình vạn trạng”, thiếu thống nhất, nhiều tác giả không đầy đủ các phần cần thiết, như Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Puskin, Huy-gô… Đây chính là sự “thiếu ăn ý” của hai bộ phận biên soạn.

Tăng chú giải cho học sinh tự học

Trước đây, học giả Nguyễn Hiến Lê từng cho rằng, cái khó của học sinh ta trong việc học văn là phải học chương trình môn văn theo tiến trình lịch sử dân tộc. Như thế, ở lứa tuổi trình độ còn hạn chế thì phải học phần văn học Hán, Nôm trước rồi sau đó học văn học hiện đại. Mà phần văn học trung đại thì khó tiếp nhận hơn rất nhiều. Như thế khi soạn ở phần này (chủ yếu chương trình lớp 10 và một phần lớp 11) phải đặc biệt chú ý, như việc chú giải đầy đủ những từ ngữ cổ, điển tích khó… Thế nhưng chúng tôi thấy còn nhiều bài học chưa thật thỏa đáng, nhất là sẽ khó cho việc tự học của học sinh. Ví dụ như phần tác giả Nguyễn Du (Ngữ văn 10), phần chú giải rất là… khiêm tốn!

Giảm tải nhưng phải đảm bảo trọng tâm

Chủ trương thay SGK bao giờ cũng đi kèm với việc giảm tải nội dung chương trình. Nhưng nếu giảm tải mà cắt đi mất phần tinh túy về nội dung trọng tâm của tác phẩm thì không nên. Chẳng hạn trường hợp của nhà văn Nam Cao, từ hai truyện ngắn (có “Đời thừa”) trong chương trình lớp 11 đã giảm còn lại “Chí Phèo”. Nhưng tác phẩm này chỉ tìm hiểu hình tượng Chí Phèo điển hình cho “bộ phận nông dân lao động lương thiện bị đẩy vào con đường tha hóa, lưu manh hóa”, nghĩa là bi kịch bị tha hóa. Song theo chúng tôi, như thế là chưa hợp lý, vì truyện “Chí Phèo” ngoài bi kịch trên, còn có bi kịch sâu sắc hơn: bi kịch bị tước đoạt quyền sống, quyền làm người lương thiện.

Tăng câu hỏi có tính ứng dụng sau khi học văn bản

Theo như Lời mở đầu Ngữ văn 10, chú trọng “hướng vào cuộc sống để vận dụng kiến thức và để sống đúng, sống đẹp”. Nghĩa là kéo học văn gần lại với đời sống hơn. Nhưng rất ít tác phẩm mà ở phần hướng dẫn học bài và luyện tập có câu hỏi theo hướng này. Chẳng hạn khi học xong vẻ đẹp của sông Đà và sông Hương (trong “Người lái đò sông Đà” – Nguyễn Tuân, “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” – Hoàng Phủ Ngọc Tường) ở lớp 12, thì nên có câu hỏi để gợi mở cho học sinh bày tỏ tình cảm, thuyết minh vẻ đẹp của một dòng sông. Hay như “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu cũng nên có những câu hỏi có tính thời sự để cho học sinh bày tỏ chính kiến về nạn bạo hành gia đình… Thay vì chỉ là những câu hỏi xoáy sâu nhưng cũng chỉ đóng khép trong nội dung tác phẩm, thiếu hơi thở cuộc sống.

Cần hợp lý về sử dụng dấu câu  

Đã là SGK thì việc sử dụng dấu câu cũng phải thật chuẩn và thống nhất. Thế nhưng, theo khảo sát nhỏ của chúng tôi, SGK hiện hành còn nhiều điểm bất hợp lý (nếu không muốn nói là sai quy tắc) về sử dụng dấu câu. Chỉ cần lật vài trang SGK Ngữ văn lớp 12 đã thấy ngay điểm này: dấu hai chấm (:) không được sử dụng ngay sau từ mà cách từ trước nó một khoảng trống. Sử dụng bất nhất về dấu ngoặc kép: có khi đóng ngoặc kép rồi chấm; cũng có khi chấm câu xong, đóng ngoặc kép rồi lại chấm. Có khi dùng sai: chấm xong mới đóng ngoặc kép mà không có thêm dấu câu nào. Lỗi này nhiều nhất ở các bài như “Ông già và biển cả” (Hemingway), “Một người Hà Nội” (Nguyễn Khải)… Đáng bàn nữa là quy ước về sử dụng dấu gạch ngang và gạch nối. Theo SGK trình bày, toàn bộ ngày, tháng, năm đều sử dụng dấu gạch ngang có khoảng trống. Ví dụ phần ghi chú các sự kiện của bài “Tuyên ngôn độc lập” (Hồ Chí Minh), phần ghi cuối tác phẩm “Một người Hà Nội”. Trong khi đó nhiều nhà ngôn ngữ học lại cho rằng giữa số ngày, tháng, năm thì sử dụng dấu gạch nối và không có khoảng cách. Hoặc xu hướng chung hiện nay là sử dụng dấu chấm (ví dụ: Ngày 15.4.2016), hoặc dấu gạch chéo (ví dụ: Ngày 15/4/2016).

Trần Ngọc Tuấn
(Trường THPT Tây Thạnh  TP.HCM)

Bình luận (0)