Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Thay đổi cơ cấu nhân lực, ngành nghề

Tạp Chí Giáo Dục

Lần đầu tiên, Việt Nam có bản quy hoạch phát triển nhân lực giai đoạn 2011-2020. Trong bản quy hoạch này, cơ cấu ngành nghề, mạng lưới các trường ĐH, CĐ sẽ được sắp xếp lại.
Nghề xây dựng, dịch vụ chiếm ưu thế
Bản quy hoạch chỉ ra số lượng, cơ cấu nguồn nhân lực cho đất nước thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Chẳng hạn từ nay đến 2020, số lượng nhân lực qua đào tạo trung cấp và CĐ sẽ tăng lên. Trong các lĩnh vực, công nghiệp xây dựng và dịch vụ sẽ cần nhiều nhân lực hơn là lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp. Đặc biệt là lĩnh vực xây dựng, nhu cầu nhân lực tăng lên rõ rệt do đặc điểm tình hình đất nước. Bản quy hoạch cũng nhấn mạnh cơ cấu ngành nghề. Chẳng hạn, ngành du lịch tài chính, CNTT sẽ cần nhiều nhân lực, năng lượng hạt nhân cũng đáng lưu ý nhưng đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao. 100% nhân lực đạt trình độ ĐH trở lên. Bản quy hoạch cũng chỉ ra trình độ đào tạo cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, lực lượng công nhân, nhân viên y tế, tư pháp, giáo viên, công chức Nhà nước. Đồng thời nhu cầu nhân lực của từng vùng kinh tế cũng được nêu rõ để làm căn cứ cho các vùng miền địa phương sắp xếp lao động và bố trí công tác đào tạo. Theo Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, quy hoạch mạng lưới các trường hiện nay chưa thật hợp lý. Phó thủ tướng lấy ví dụ 5 tỉnh Tây Nguyên cần có nhân lực về văn hóa cho đồng bào Tây Nguyên, nhưng nếu cả 5 tỉnh mà chỉ có một trường CĐ văn hóa nghệ thuật thì không hợp lý. Qua thảo luận đã thống nhất phương án chọn 1 trong 5 tỉnh Tây Nguyên để đặt một trường ĐH văn hóa cho cả khu vực. Hoặc là khu vực Bắc Trung bộ có nhu cầu cần phải có một trường ĐH văn hóa và trường thể thao thì thống nhất nên đặt ở Thanh Hóa vì Thanh Hóa trước đó đã có trường CĐ về văn hóa nghệ thuật, và trong một năm qua Thanh Hóa đã nỗ lực chuẩn bị rất tốt.
Sẽ có trên 10 trường nghề đẳng cấp quốc tế
Trong bản quy hoạch này, Việt Nam phấn đấu đến 2015 sẽ đạt 55% tỷ lệ lao động qua đào tạo; 40% tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề; 300 sinh viên ĐH, CĐ trên 10 ngàn dân; 5 trường dạy nghề đạt đẳng cấp quốc tế (đến năm 2020 là trên 10 trường dạy nghề đạt đẳng cấp quốc tế). Cũng theo quy hoạch này, dự kiến mạng lưới trường ĐH và CĐ vào năm 2020 sẽ có tổng cộng 573 trường, trong đó 259 trường ĐH và 314 trường CĐ; trong giai đoạn 2011-2015 sẽ thành lập thêm 158 trường (70 trường ĐH và 88 trường CĐ). Đối với mạng lưới các cơ sở dạy nghề, đến năm 2015, có 190 trường CĐ nghề (60 trường ngoài công lập), 300 trường trung cấp nghề (100 trường ngoài công lập) và 920 trung tâm dạy nghề (320 trung tâm ngoài công lập). Đến năm 2020, có 230 trường CĐ nghề (80 trường ngoài công lập), 310 trường trung cấp nghề (120 trường ngoài công lập) và 1.050 trung tâm dạy nghề (350 trung tâm ngoài công lập).
Theo Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, để phát triển nhân lực, những giải pháp đột phá được thực hiện bao gồm: Đổi mới nhận thức về phát triển và sử dụng nhân lực; đổi mới căn bản quản lý Nhà nước về phát triển và sử dụng nhân lực. Cùng với đó, tập trung xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án trọng điểm như: Xây dựng một số cơ sở đào tạo bậc ĐH và dạy nghề đạt trình độ quốc tế; đổi mới đào tạo và chính sách sử dụng cán bộ, công chức; xây dựng và triển khai chương trình đào tạo và chính sách trọng dụng nhân tài trong các lĩnh vực, đặc biệt là hình thành và phát triển đội ngũ chuyên gia đầu ngành trong quản lý hành chính, ngoại giao và kinh tế đối ngoại, quản trị kinh doanh, giáo dục, đào tạo, khoa học – công nghệ, tư vấn hoạch định chính sách, pháp lý, y học, văn hóa, nghệ thuật; thực hiện đề án nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh; triển khai quyết liệt đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành một nước mạnh về CNTT – truyền thông”, trong đó phát triển và đảm bảo nhân lực là giải pháp hàng đầu…
Nghiêm Huê

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)