Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Thay đổi để lớn mạnh!

Tạp Chí Giáo Dục

Công nhân Apatit VN đang khoan thăm dò khai thác quặng

Là hậu phương lớn, nơi cung ứng nguồn sống của ngành phân bón – có thể nói như vậy về công ty TNHH một thành viên Apatít Vietnam (VINAAPACO). Không chỉ vậy, sau gần 54 năm xây dựng và trưởng thành, DN đã được trao trọn bộ Huân chương Lao động. Mới đây nhất với 5 năm đổi mới giai đoạn (2004 – 2008) công ty đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng trong thời kỳ đổi mới.
Ra đời năm 1955, mỏ Apatít Việt Nam là một trong những điểm nhấn của ngành khoáng sản và cũng là một trong những DN đầu lòng của nền công nghiệp Việt Nam. Đây cũng là mỏ duy nhất ở Việt Nam cung ứng nguyên liệu và là sự sống còn của các nhà máy hóa chất phân bón. Nếu không có nguồn nguyên liệu này, toàn bộ các nhà máy phân bón, trong đó có nhiều nhà máy lớn, tên tuổi như công ty Super phốtphát và hoá chất Lâm Thao, công ty phân bón miền Nam, công ty phân Lân Văn Điển… sẽ ngừng hoạt động.
Chồng chất khó khăn
Mặc dù có thế mạnh như vậy, nhưng có một nghịch lý là chính những thế mạnh của Apatít nhiều năm qua lại đẩy công ty vào… thế yếu vì luôn phải gánh trên vai một gánh nặng nửa bao cấp, nửa xã hội và một phần nhỏ kinh doanh. Năm 2004, kỹ sư Bùi Văn Việt được điều về nhậm chức Apatít Việt Nam. ông Việt cho biết, khi ấy mỏ đang có nguy cơ không hoàn thành kế hoạch. Bên cạnh đó khó khăn cao ngất như… núi khiến tình hình tưởng như không giải quyết nổi.
Dự kiến đến năm 2010, sản lượng quặng apatít phải đạt trên 3 triệu tấn, năm 2012 phải đạt trên 4 triệu tấn mới đủ đáp ứng được nhu cầu. Đây là cơ hội để phát triển và cũng là thách thức đối với công ty Apatít Việt Nam.
Cũng theo ông Việt, trước đây mỏ này do Liên Xô giúp ta xây dựng, 100% máy móc thiết bị đồng bộ do Liên Xô sản xuất. Sau hơn 50 năm, thiết bị gần như đã hết khấu hao, cũ nát, năng lực sản xuất rất kém. Thiết bị thì như vậy, các khai trường cũ tuy lớn nhưng đào mãi cũng đén lúc cạn kiệt. Chưa kể sau hơn 50 năm, các khai trường, phần lộ thiên đã hết, trong khi khai trường mới thì chỉ là nói và vẽ trên giấy, bàn mãi không quyết được. Chỗ quyết được thì công tác dân vận lại yếu khiến địa phương, dân không ủng hộ và cũng không mở được khai trường. Đúng là khó khăn chồng khó khăn.
Ông Việt tâm sự: nhiều lúc vào mỏ nhìn những người công nhân căm cụi lam lũ, không ít người mấy thế hệ gắn liền, sống chết với mỏ, nhiều lúc thấy cay sống mũi. Ấy vậy mà làm không nổi người đời lại bảo, chỉ đào lên cũng không xong. Đành rằng công nhân mỏ so với cuộc sống ở đây cũng là khấm khá, có nhà, có tivi, rồi xe máy nhưng vẫn nghèo, vẫn thiếu thốn rất nhiều. Lúc ấy tôi nghĩ nhất định phải tìm cách thay đổi. Những gì lớp trước chưa làm xong, lớp sau phải tìm cách làm cho bằng được.
Tự đổi mới mình
 Vì Apatít là mỏ của trung ương nên mối quan hệ với địa phương trước đây không được mặn mà lắm. Chính vì vậy, việc mở khai trường mới ở Apatít rất nhiều năm vướng mắc không gỡ nổi. Sau khi sắp xếp bộ máy hoạt động, việc kế tiếp lúc đó là nối lại quan hệ với địa phương. Ông Việt cho biết, cuộc gặp gỡ lãnh đạo địa phương và trình bày phương án phát triển sản xuất đã được lãnh đạo thành phố đánh giá rất cao. Sau sự kiện này lãnh đạo thành phố đã xuống công ty.
Đây thực sự là sự kiện lớn, sau bao nhiêu năm, mới có đoàn lãnh đạo cùng các ban ngành thành phố xuống Apatít làm việc. Tuy được các cấp ủng hộ rồi nhưng mở thêm khai trường cũng đồng nghĩa với việc phải đầu tư thêm thiết bị mà đầu tư thì lại thiếu tiền. Vậy tiền ở đâu ra? Tại sao một mỏ lớn như vậy lại không có kinh phí tái đầu tư? Trước đây Chính phủ chỉ đạo Tổng công ty ấn định giá chứ không cho công ty tự quyết vì vấn đề này liên quan đến chính sách của Chính phủ bình ổn giá phân bón. Chính vì vậy, sau nhiều năm giá quặng chỉ là "tương đối", không có nguồn tài chính tái đầu tư. Giám đốc họp bàn với ban lãnh đạo công ty gửi văn bản lên Tổng công ty đề nghị cho điều chỉnh giá bán quặng, nếu không công ty không có đủ khả năng tái đầu tư duy trì sản xuất, và khả năng tồn tại của đứa con đầu đàn nền công nghiệp khoáng sản là rất khó.

Quần thể văn hóa thể thao và tượng đài tôn vinh các thế hệ công nhân Apatit Việt Nam

Lúc đó công ty với 3.450 người lao động, nhưng lợi nhuận chỉ vài tỷ đồng mỗi năm. Trong khi Apatít phải gánh trách nhiệm giải quyết việc bình ổn giá phân bón thì các công ty sản xuất phân bón được mua quặng giá rẻ lại lãi vài ba chục tỷ, gấp Apatít cả chục lần. Sau nhiều lần trình bày, cuối cùng Tổng công ty cũng chấp thuận. Giá quặng được điều chỉnh dần và công ty bắt đầu có tiền để tái đầu tư sản xuất. Mặt khác, để giảm bớt các khâu trung gian, công ty đã  chuyển công tác quản lý từ 3 cấp (công ty, xí nghiệp, phân xưởng) xuống còn quản lý 2 cấp (công ty và xí nghiệp) đưa tỷ lệ gián tiếp từ 23% xuống còn dưới 17% từ đó tăng tỷ lệ trực tiếp lên tương ứng. Công ty còn hợp nhất 2 xí nghiệp khai thác và vận tải, xí nghiệp cơ khí và xí nghiệp điện nước thành xí nghiệp cơ điện, đồng thời tách 3 xí nghiệp khai thác liên hợp, tạo ra hiệu quả cao trong việc thống nhất điều hành các công trường khai thác, với các phòng ban cũng được hợp nhất các phòng liên quan. Cùng với việc sáp nhập, công ty rà soát lại lao động, sắp xếp lại tổ chức. Kết quả số lao động của công ty giảm xuống còn hơn 2.900 người. Từ đó năng suất sản lượng được nâng lên rõ rệt. chỉ trong một năm, cụ thể năm 2004 sản lượng quăng Apatít các loại đạt 902 nghìn tấn thì năm 2008 đạt 2,1 triệu tấn, tăng trưởng 29% so với năm 2007. Đặc biệt, năm 2008, công ty đã tranh thủ tăng giá quặng xuất khẩu được 52 triệu USD. Đối với công tác quản lý, công ty xác định rõ đây là khâu then chốt nhất, bởi nếu có cơ chế tốt và phù hợp thì sẽ tạo ra động lực mạnh mẽ thúc đẩy sự phát triển của toàn công ty. Chính vì vậy công ty đã vận dụng mạnh mẽ đòn bẩy kinh tế, trong đó xử lý hài hoà 3 lợi ích (Nhà nước, công ty và người lao động). công ty đã khoán sâu, khoán toàn diện các chi phí cho các xí nghiệp thành viên, tiến tới công ty mua sản phẩm cuối cùng của các đơn vị. Người lao động không những được hưởng tiền lương mà còn được hưởng tỷ lệ tiết kiệm các chi phí đầu vào. Từ đó tạo ra cho các tổ chức, mỗi cá nhân tập trung phấn đấu tìm ra các giải pháp tiết kiệm chi phí, hợp lý hoá sản xuất… Chính vì vậy, lợi nhuận của DN tăng lên rõ rệt qua kết quả hàng năm. Thông qua việc đổi mới, công tác thi đua khen thưởng, công tác cán bộ được tiến hành đồng bộ. Nhiều cán bộ trẻ được đề bạt và được khen thưởng kịp thời, tạo ra được một bộ máy trẻ và năng động sáng tạo. Vì vậy, sau 5 năm (2004 – 2008) năng suất lao động, sản lượng tăng lên gấp 2 lần.
Đưa công nghệ hiện đại vào sản xuất
Ông Việt bộc bạch, trước đây do cơ chế nửa bao cấp khiến mọi hoạt động sản xuất chỉ quan tâm đến sản lượng mà ít để ý đến hiệu quả. Trước đây cơ chế khoán mỏ lấy số lượng, mét khoan càng nhiều lương càng cao nên công nhân cứ khoan, càng nhiều càng tốt. Đất mềm không cần cũng khoan, số mét khoan tốn theo hàng tấn thuốc nổ mà thuốc nổ thì đắt. Mặt khác, trước đây các khai trường Apatít khi khai thác đến mực nước ngầm địa phương đều dừng, mặc dù dưới đáy công trường còn nhiều tài nguyên. Đánh giá được thực trạng này, giám đốc cùng ban lãnh đạo công ty đã nghiên cứu kiện toàn tiết kiệm và luật hoá thành văn bản. Mức thưởng được căn cứ theo tỷ lệ tiết kiệm, lương cao hay thấp không vì số mét khoan nhiều hay ít mà phải biết khoan thế nào cho thông minh và tốn ít thuốc nổ. Bên cạnh đó, công ty đã áp dụng biện pháp khai thác xuống sâu bằng cách đổi mới thiết bị khai thác, vận chuyển phù hợp, thiết kế hệ thống tháo khô, chống lầy. Chính vì vậy lần lượt các khai trường vừa tiết kiệm tài nguyên vừa giảm chi phí sản xuất. Do vậy, ngay năm đầu tiên công ty đã tiết kiệm được hàng tỷ đồng. Bên cạnh đó công nghệ tuyển quặng được cải tiến và đầu tư thành công, nhà máy tuyển quặng Cam Đường, công suất 120 nghìn tấn/năm. Vị trí nhà máy được thay đổi bố trí tầng mặt bằng hợp lý, địa điểm phù hợp nên tiêu hao điện năng giảm 1/4, chi phí lao động, chi phí vận chuyển quặng đầu vào giảm đáng kể so với nhà máy tuyển Tằng loỏng do Liên Xô thiết kế. Hiện nay, sau 5 năm tất cả các hạng mục công ty đều đầu tư thiết bị hiện đại hàng đầu thế giới, hệ thống đường sắt đầu xe lửa cũng đầu tư mới và tự vận hành quản lý, không phải thuê đường sắt Việt Nam.
Tôn vinh giá trị con người
Hơn ai hết, ban giám đốc công ty hiểu rằng người lao động chính là “của để dành” của mỗi DN. Vì vậy, công ty đã đầu tư nhiều tỷ đồng để xây dựng các trung tâm văn hoá thể thao, phục vụ nhu cầu giải trí của cán bộ công nhân viên. Vừa qua công ty khánh thành công trình tượng đài công nhân nhân kỷ niệm 50 năm ngày Bác Hồ về thăm mỏ. đây là một công trình lớn có ý nghĩa nhân văn nhằm giáo dục thế hệ hôm nay và mai sau.
Ai đặt chân lên vùng mỏ đều có thể thấy, quần thể phúc lợi văn hoá thể thao của công ty đã biến cả vùng này thành một trung tâm văn hoá. Ông Việt khẳng định: công ty sẽ tiếp tục phát động phong trào thi đua sản xuất đưa công ty phát triển hơn nữa về mọi mặt. Apatít còn mở rộng thêm trên tinh thần đa dạng hoá sản phẩm theo hướng cùng các nhà đầu tư khác chế biến sâu thành các sản phẩm từ quặng Apatít và tham gia khai thác từ lợi thế trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Hiện nay công ty đã có một loạt công ty con, vừa qua công ty CP hoá nhà máy phốtpho vàng Lào Cai, trong đó Apatít là công ty mẹ chiếm 51% phát triển chế biến tạo ra sản phẩm phốtpho xuất khẩu, tham gia công ty CP DAP số 2 – VINACHEM vừa ra mắt tại Lào Cai, công ty CP đồng Tả Phời góp vốn 15%, hoàn thành CPH thành lập công ty CP khai thác khoáng sản – hoá chất Phú Thọ. Tiến tới phát triển công ty thành Tổng công ty và hướng tới tập đoàn kinh tế.
Với danh hiệu anh hùng trong thời kỳ đổi mới do Nhà nước phong tặng cho tập thể CBCNV Apatít Việt Nam, đã tạo niềm vui, hạnh phúc cho các thế hệ công nhân vùng mỏ, đánh dấu một mốc son lịch sử của chặng đường gần 54 năm xây dựng và phát triển vùng mỏ Apatít Việt Nam, xứng đáng là lá cờ đầu của toàn Tổng công ty, vững bước trên con đường hội nhập, đi lên trong sự nghiệp CNH – HĐH đất nước.
Nguyễn Minh (dddn)
 

 

Bình luận (0)