“Chỉ cần mỗi người dân nêu cao ý thức phân loại rác thải ngay từ những thứ rác nhỏ nhất, ít nhất của nhà mình thì môi trường sống sẽ trong lành hơn”. Đó là thông điệp của “Zero Waste Community – Cộng đồng không rác thải” nhắn nhủ và kỳ vọng về sự đổi thay trong nhận thức phân loại rác tại nguồn trên địa bàn TP.Đà Nẵng thời gian qua.
Bà Nguyễn Thị Thu – một cư dân ở An Hải Bắc (phải) tham gia chương trình dự án “Cộng đồng không rác thải”
Đổi thay từ người trẻ
Những ngày hè, cứ tầm 5 giờ chiều, cậu học trò Nguyễn Quang Vỹ, học sinh lớp 7/4, Trường THCS Tây Sơn (Đà Nẵng) lại cùng bạn bè đồng trang lứa bắt đầu đi gom những thùng rác đặt trong khu dân cư 56 phường An Hải Bắc quận Sơn – nơi Vỹ sinh sống, đưa về điểm tập trung rồi phân loại. Để có thêm nguyên liệu ủ hoai rác hữu cơ thành dinh dưỡng cho cây trồng, Vỹ còn tranh thủ quét lá khô dọc các con đường. Vỹ chia sẻ: “Ở trường, em được thầy cô tuyên truyền về bảo vệ môi trường, con người sẽ có sức khỏe tốt khi được sống trong môi trường sống trong lành, không rác thải, không ô nhiễm. Vì thế, khi chị Vũ Hồng Thanh – quản lý chương trình Cộng đồng không rác thải đến khu dân cư của em để tổ chức hướng dẫn thu gom, phân loại rác thải là em tham gia ngay. Tuy mỗi ngày mình dành ra một chút thời gian nhưng ý nghĩa mang lại rất lớn, hữu ích cho chính bản thân, gia đình và cộng đồng của mình”.
Đang là sinh viên năm nhất, ngành quản trị kinh doanh (ĐH Duy Tân), mỗi ngày Bùi Huyền Ngọc dành 2 giờ đồng hồ cuối chiều để tham gia công tác phân loại rác. Ngọc nói: “Em rất quan tâm đến môi trường nên khi nhập học ở Đà Nẵng, em thường xuyên tìm hiểu và tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường. Em thấy “Cộng đồng không rác thải” tuyển tình nguyện viên nên đăng ký ngay. Công việc của em là tuyên truyền và hỗ trợ, hướng dẫn các hộ gia đình phân loại rác. Có nhiều khi bà con phân loại rồi, đưa rác về em phải phân loại lại vì có nhiều thứ rác lẫn lộn chưa được phân loại chính xác. Đây là một công việc đòi hỏi sự bền bỉ và nhất là tình yêu môi trường”.
Mỗi ngày, cậu học trò Nguyễn Quang Vỹ dành thời gian tham gia thu gom và phân loại rác thải trong khu dân cư
Không chỉ Vỹ và Ngọc, suốt 5 tháng qua, “Cộng đồng không rác thải” thu hút được sự quan tâm của nhiều học sinh, sinh viên. Chính hành động của các em tạo nên sự thiện cảm, tác động đến việc chủ động phân loại rác thải từ mỗi người dân. Chị Vũ Hồng Thanh – cán bộ dự án “Cộng đồng không rác thải”, cho biết: “Dự án khởi động từ tháng 2-2020 với mong muốn nâng cao nhận thức cho bà con trong việc phân loại rác tại nguồn. Hiện có khoảng 25 hộ gia đình ở khu dân cư 56, phường An Hải Bắc (quận Sơn Trà) tình nguyện tham gia. Dự án đặt 45 thùng rác dọc các tuyến đường khu dân cư này, trên mỗi thùng đều ghi rõ loại rác để bà con dễ phân loại và đặt rác đúng quy định”.
Cần sự chung tay của cộng đồng
Ước tính mỗi ngày, TP.Đà Nẵng thải ra khoảng 1.200 tấn rác thải. Các hộc rác ở bãi rác Khánh Sơn – bãi rác chính làm nơi chôn lấp, tiêu hủy rác thải của Đà Nẵng đang trong tình trạng gần bị lấp đầy. Việc phân loại rác tại nguồn, tại nhà mỗi người dân không chỉ giúp giảm thiểu tình trạng quá tải mà còn minh chứng rằng, rác có ích nếu biết sử dụng, tái chế chúng đúng cách.
Bà Nguyễn Thị Thu, ở khu dân cư 56 (phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) cho biết: “Lâu nay người dân có thói quen hễ có rác là vứt vào một túi nilon rồi đem đổ ra thùng cho nhanh. Tôi thấy phân loại rác tại nhà rất hữu ích. Mình chỉ cần bỏ ra một chút thời gian phân ra các loại rồi cho vào thùng thì không chỉ giảm tải ô nhiễm môi trường mà rác có thể tái chế thành phân hữu cơ và các loại vật dụng khác. Vì vậy, tôi thực hiện và tuyên truyền thêm cho các chị em trong chi hội phụ nữ khu dân cư làm theo”.
Nhưng để thuyết phục mỗi người dân nêu cao ý thức phân loại rác tại nguồn là một câu chuyện dài. “Nhà tôi dùng rất ít rác”, “Tôi đã trả tiền thu gom rác cho công nhân môi trường”, “Tôi rất bận rộn”… Muôn vàn lý do như thế đã tạo nên bức tường ngăn những hành động bảo vệ môi trường. Chị Vũ Hồng Thanh kể, để xây dựng được cộng đồng không rác thì bản thân chị phải mất rất nhiều thời gian đến tận từng hộ dân cư để thuyết phục. Nhiều hộ phải trở lại nhiều lần. Mỗi cái lắc đầu của bà con không làm các thành viên chương trình nản lòng. Cứ bền bỉ từng tí một hướng đến mục tiêu một cộng đồng yêu môi trường.
“Zero Waste Community – Cộng đồng không rác thải” là một sáng kiến do Trung tâm Phát triển Sáng kiến Cộng đồng và Môi trường (C&E) phối hợp thực hiện với các đối tác tại Đà Nẵng bao gồm Liên minh Không rác VN, Trạm Eco và Black Lotus Coffee House. Dự án này do Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam hỗ trợ tài chính thông qua dự án “Quỹ bảo tồn”. Dự án “Quỹ bảo tồn” do Trung tâm Bảo tồn Đa dạng sinh học Nước Việt Xanh – GreenViet (Việt Nam) và Viện GSI (Đức) phối hợp thực hiện; Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam đồng tài trợ. |
“Thông thường khối lượng rác hữu cơ chiếm khoảng 60% trong tổng khối lượng rác được phân loại tại khu dân cư. Nếu biết tận dụng sau khi phân loại thì sẽ dùng ủ vi sinh thành phân hữu cơ rất tốt cho cây trồng. Bên cạnh đó, các loại nhựa như túi nilon, hộp, ly nhựa, hộp xốp và các loại bao gói có thể tái chế nhằm tái sử dụng. Khi tất cả các công đoạn này được thực hiện tốt tại mỗi hộ gia đình thì bãi rác sẽ được giảm tải, môi trường sống được bảo vệ. Chúng tôi hy vọng dự án sẽ góp phần nâng cao nhận thức trong mỗi người dân về vấn đề bảo vệ tương lai của trái đất”, chị Hồng Thanh nói.
Ở nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới, việc phân loại rác được đề cao và có những quy định nghiêm ngặt nhằm bảo vệ môi trường sống. Theo điều 26, Nghị định 45 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có hiệu lực từ ngày 25-8 tới cũng nêu rõ: “Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định”. Đây là một trong những quy chế cần thiết nhằm thúc đẩy người dân hành động để bảo vệ môi trường.
Vĩnh Yên
Bình luận (0)