Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Thay đổi thi THPT quốc gia 2017: Những cái lo phải được lường trước

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Thời gian thi rút ngắn xuống chỉ còn hai ngày (vào đầu tháng 6), có buổi thi hai môn (buổi sáng ngày thứ nhất thi văn và ngoại ngữ), kết hợp liên môn trong một bài thi (KHTN gồm lý, hóa, sinh; KHXH gồm sử, địa, giáo dục công dân)…, so với những lần thay đổi trước đây, có thể nói đây là lần thay đổi có bước đột phá lớn nhất.

Kỳ thi THPT quốc gia 2017 diễn ra trong 2 ngày sẽ tạo ra nhiều áp lực cho thí sinh. Ảnh: Phụ huynh và thí sinh xem lại đề sau buổi thi trong kỳ thi THPT quốc gia 2016. Ảnh: D.Bình

Mặt dù được dư luận xã hội nhất trí ủng hộ cách làm, nhưng còn rất nhiều những băn khoăn lo lắng về tính khả thi và hiệu quả của nó. Theo chúng tôi, đó là những băn khoăn lo lắng có cơ sở. Nếu Bộ GD-ĐT không cân nhắc thật cẩn thận để có cách chủ động lường trước những bất cập sau đây, kỳ thi THPT quốc gia 2017 sẽ khó đạt được kết quả như mong muốn.

1. Việc dồn các môn thi vào hai ngày, đặc biệt là ở buổi sáng ngày thi thứ nhất với hai môn văn và ngoại ngữ, sẽ tạo ra sự quá sức với thí sinh, nhất là đối tượng học sinh có lực học yếu, trung bình. Vì thế rất khó có kết quả tốt cho các môn thi. Theo sát việc học hành của học sinh nhiều năm, chúng tôi thấy các em luôn chịu một áp lực rất lớn trong mỗi mùa thi cử. Mỗi buổi thi một môn đã thấy căng thẳng, huống hồ dồn hai môn thi vào một buổi, một ngày thi quá nhiều môn sẽ gây sự quá tải, quá sức! Đây là cái lo thứ nhất.

2. Không những thế, việc dồn môn thi như trên, kể cả bài thi liên môn khối tự nhiên và xã hội, còn tạo cho những người làm công tác coi thi một áp lực rất lớn về thời gian và công việc. Trước đây mỗi buổi một môn, việc coi thi có điều kiện để thực hiện chính xác, nghiêm túc. Nay nhiều công việc hơn, đòi hỏi tính chính xác và thao tác nhanh hơn vì chủ yếu thi trắc nghiệm. Trong khi đó, nhiều địa phương chưa quen tổ chức thi cử, việc đi lại của thí sinh còn nhiều khó khăn, tình trạng tiêu cực một số địa phương đâu dám chắc không còn… Cho nên, nếu các hội đồng coi thi không có sự chuẩn bị tốt, không có cách làm khoa học thì rất dễ có sai sót. Vì vậy khâu tổ chức coi thi như thế nào? Đó là cái lo thứ hai.

Quan trọng là cách ra đề thi thế nào

Trao đổi với Giáo dục TP.HCM, ông Nguyễn Bá Hảo (Hiệu trưởng Trường THPT Phạm Phú Thứ, Đà Nẵng) cho biết, hiện tại dù chưa có quy định cụ thể cũng như cấu trúc đề thi với những môn thi trắc nghiệm mới như toán, giáo dục công dân… nhưng có thể thấy nhiều trường THPT đã bắt đầu làm công tác tư tưởng cho giáo viên và học sinh, xác định lại mục tiêu, nội dung, phương pháp dạy và cách học sao cho phù hợp với điều kiện và cách thức thi của năm 2017 để tránh bị động. Với môn toán, mỗi cách thi có mặt ưu và mặt khuyết của nó. Môn toán thi trắc nghiệm có thể bao quát hết được chương trình, tránh được trường hợp chỉ dạy các dạng toán thường hay ra thi trong đề mà bỏ đi các nội dung, các dạng bài ít gặp. Quan trọng là cách ra đề thi như thế nào để tránh việc học sinh phải giải một câu mà có quá nhiều bước suy luận, bước giải mới ra kết quả.

Theo ông Hảo, việc thay đổi phương pháp học để phù hợp với cách thi không quá khó, cơ bản với cách thi nào thì học sinh đều phải nắm kỹ nội dung học, nắm kỹ các phương pháp giải để vận dụng linh hoạt. Với môn giáo dục công dân, lâu nay dạy học chủ yếu là để biết. Với định hướng đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục, đã xác định giáo dục công dân là một môn học quan trọng thì đưa vào thi trong năm nay cũng phù hợp, yêu cầu giáo viên và học sinh phải xác định rõ vị trí quan trọng của bộ môn giáo dục công dân trong quá trình hình thành nhân cách cho học sinh, hướng đến giáo dục toàn diện.

“Bộ GD-ĐT cần sớm phác họa đề thi mẫu để giáo viên và học sinh có đầy đủ thông tin, không bị mơ hồ dẫn đến hoang mang, lo lắng. Khi học sinh được chuẩn bị tốt về kiến thức, kỹ năng lẫn tâm lý thì kỳ thi đạt kết quả thực chất hơn”, ông Hảo nói.

Vĩnh Yên

3. Việc kết hợp liên môn trong một đề thi để thi nhiều môn hơn nhằm đánh giá toàn diện kiến thức người học là cần thiết. Nhưng với chừng ấy giới hạn thời gian và số lượng câu hỏi, lại phải đánh giá sức học của học sinh trong suốt cả một quá trình học, thì đề thi phải ra làm sao cho phù hợp? Nếu đề dài và khó quá thì thí sinh không đủ thời gian làm và gây khó khăn cho mục đích xét tốt nghiệp. Nhưng nếu đề thi chỉ ra ở mức trung bình thì sẽ khó cho việc phân loại thí sinh để xét tuyển. Và nhiều trường ĐH sẽ phải tổ chức thi tuyển sinh riêng thêm. Như vậy sẽ gây lãng phí vì chưa tận dụng triệt để kỳ thi tốt nghiệp cho tuyển sinh, sẽ còn tăng áp lực thi cử cho người học. Vì vậy đề thi phải được xây dựng như thế nào? Đó là cái lo thứ ba.

4. Thi nhiều môn thì phải ôn luyện nhiều môn là điều tất yếu. Nhiều học sinh đã có “chiến lược” học các môn theo khối, theo ngành ngay từ đầu bậc THPT, nay tăng thêm số lượng môn thi, có nghĩa là các em phải đầu tư việc học nhiều hơn. Nhà trường và giáo viên thì tăng tốc ôn luyện theo “kế hoạch” riêng của mình, và như thế học trò lại phải vùi đầu vào kiến thức, thi cử…

Nhiều ý kiến cho rằng với quy chế thi như năm nay sẽ giúp giảm được áp lực thi cử, giảm được thực trạng dạy thêm, học thêm. Nhưng với phân tích ở trên, chúng tôi không tin đó là nhận định đúng. Trong tình hình chung ở nhà trường phổ thông hiện nay là luôn theo sau thi cử, chưa theo kịp việc đổi mới thi cử, thì giải pháp nào của Bộ GD-ĐT đưa xuống nhà trường để vừa hướng dẫn nhẹ nhàng mà hiệu quả về cách làm, vừa trấn an tinh thần cho giáo viên và học sinh nhằm giảm bớt áp lực thi cử trên vai của họ? Đó là sự băn khoăn cho lý do thứ tư này vậy!

Trần Ngọc Tuấn (giáo viên THPT)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)