Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Thay đổi tư duy, nhận thức về nghề cho học sinh

Tạp Chí Giáo Dục

Thầy trò Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng trong giờ học tiện máy CNC. Ảnh: V.M

Sáng 20-8, Báo Giáo Dục TP.HCM cùng Sở GD-ĐT TP.HCM đã tổ chức buổi tọa đàm “Giải pháp để thu hút học sinh học nghề và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”. Tại đây, những vấn đề “nóng” xoay quanh nguồn nhân lực được các đại biểu trao đổi một cách thẳng thắn nhằm tìm ra những giải pháp thiết thực nhất trong việc đào tạo nghề.
ThS. Tạ Văn Doanh, Tổng biên tập Báo Giáo Dục TP.HCM cho biết: “Trong thời gian qua chúng tôi đã phối hợp với Sở GD-ĐT và một số cơ quan truyền thông tạo ra nhiều “sân chơi” xoay quanh vấn đề “định hướng lại dư luận xã hội trong việc chọn trường, học nghề” nhưng vẫn chưa đi sâu vào gốc rễ của vấn đề này cũng như chưa đề ra được các giải pháp thiết thực nhất. Đây là một vấn đề cần được mổ xẻ để có những chủ trương, biện pháp thu hút học viên”.
Mâu thuẫn tồn tại giữa doanh nghiệp và người lao động
Ông Bùi Minh Trực, Giám đốc Công ty Phù Sa Đỏ cho biết: “Trong quá trình làm công tác tư vấn, chúng tôi nhận thấy một số mâu thuẫn tồn tại giữa doanh nghiệp và người lao động. Doanh nghiệp cần người lao động làm việc toàn thời gian trong khi các học viên tốt nghiệp trường nghề không đáp ứng được vì phải tìm cách sắp xếp thời gian đi học thêm nhằm nâng cao trình độ của mình. Đây là một nguyện vọng đúng đắn rất đáng khuyến khích. Trong trường hợp này, người lao động chỉ có thể làm việc bán thời gian nên không thể đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, vì đã xác định làm để có tiền trang trải cho việc học nên các em không toàn tâm, toàn ý dành cho công việc. Nếu có cơ hội tìm được công việc khác, có thu nhập cao hơn, làm việc nhẹ nhàng hơn… các em sẵn sàng ra đi. Không những thế, thái độ làm việc của các em vẫn chưa thể hiện được tính chuyên nghiệp, không đảm bảo được giờ giấc theo quy định do doanh nghiệp đề ra…”. Cái vòng luẩn quẩn này cứ lặp đi lặp lại mà không sao tìm được hướng giải quyết. Vậy nguyên nhân từ đâu? Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Nguồn nhân lực TP lý giải: “Sở dĩ hiện trạng trên vẫn tồn tại là do doanh nghiệp chưa nói rõ và thể hiện được thiện chí của mình với người lao động. Lúc nào họ cần thì đăng thông báo tuyển dụng… do đó, các trường nghề cũng như người lao động luôn ở trong thế bị động. Vậy thì làm sao đòi hỏi người lao động toàn tâm với công việc được. Rồi chế độ, tiền lương luôn bất cập, đòi hỏi người lao động có trình độ, tay nghề cao nhưng anh lại đưa ra mức lương không bằng họ ở nhà phụ giúp việc gia đình thì liệu có hợp lý không? Vậy có phải người lao động không yêu thích ngành nghề mình đã chọn. Ngoài ra, không ít doanh nghiệp còn “ngại” tuyển người lao động có bằng cấp, tay nghề cao… bởi họ sợ phải trả lương cao. Để thoát khỏi vòng luẩn quẩn này, các doanh nghiệp cần phải có sự liên kết chặt chẽ với nhà trường để tìm kiếm nguồn nhân lực theo yêu cầu, đồng thời cần đưa ra chế độ lương, thưởng xứng đáng với tay nghề của người lao động. Với cách làm thiết thực này, các doanh nghiệp sẽ không phải nay kêu không có lao động, mai kêu lao động tay nghề thấp… bởi thực tế tại TP.HCM, lực lượng lao động có tay nghề, trình độ là rất phong phú”.
Hướng nghiệp cho học sinh từ bậc THCS
Thầy Thái Doãn Thanh (ĐH Công nghệ thực phẩm TP.HCM) chỉ ra những hạn chế, thiếu sót trong công tác tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh (HS): “Việc phân luồng cho HS đến nay vẫn chưa đạt hiệu quả. Hướng nghiệp và dạy nghề cần có chính sách, hoạch định được nguồn nhân lực để dự báo và tư vấn thật cặn kẽ tới HS. Nhà nước cần có chính sách ưu đãi đối với người học nghề để các trường đầu tư chu đáo về cơ sở vật chất phục vụ tốt nhất cho việc học và hành của học viên. Và để thu hút được học viên, bản thân người dạy phải có trình độ tay nghề cao bên cạnh kinh nghiệm giảng dạy lâu năm, bởi có như vậy học viên mới tin tưởng vào tay nghề mình, khi học ra trường các em sẽ an tâm, tự tin đi tìm việc”.
Khuyến cáo các cấp có thẩm quyền cùng các ban ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền HS nhất là HS bậc THCS để các em nhận thức đúng năng lực của bản thân mà có kế hoạch lựa chọn ngành nghề sao cho phù hợp. Bà Đinh Thị Mỹ Quỳnh (Giám đốc Trung tâm Đào tạo khu công nghệ cao TP.HCM) nêu ý kiến: “Chúng ta phải định hướng nghề nghiệp cho các em từ khi các em còn ngồi trên ghế nhà trường nhằm hạn chế tối đa tình trạng chọn sai trường, chệch lớp. Để thay đổi được nhận thức của xã hội dành cho trường nghề, các trường phải ngày một nâng cao chất lượng nguồn nhân lực do mình đào tạo. Bởi khi trình độ của học viên đáp ứng được nhu cầu của xã hội, chắc chắn các bậc phụ huynh cùng con em mình sẽ không ngần ngại “dấn thân” vào môi trường học tập tại các trường nghề. Theo đó, các doanh nghiệp sẽ không thiếu nguồn nhân lực có tay nghề cao”.
Để người lao động ý thức được trách nhiệm với những sản phẩm do mình làm ra, các doanh nghiệp cần yêu cầu nhân viên của mình phải có chứng chỉ nghề. “Doanh nghiệp nên tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động được tự học để nâng cao kiến thức bằng cách xây dựng hệ thống đào tạo nội bộ nhằm hướng dẫn cụ thể các kỹ năng cần có cho quá trình lao động của toàn thể nhân viên” – TS. Huỳnh Lê Quốc (Trường CĐ Công thương) nhấn mạnh.
ThS. Phạm Ngọc Thanh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM kết luận: “Đất nước đang trong quá trình hội nhập một cách sâu rộng. Vì vậy, mỗi địa phương cần có kế hoạch quy hoạch nguồn nhân lực qua đào tạo cho mình trong 5, 10 năm tới. Muốn vậy, các địa phương phải có hướng kiến nghị, đề xuất với Nhà nước đầu tư cho cơ chế xây dựng được nhiều trường TC, TCCN, CĐ nghề có quy mô, hiện đại để đáp ứng được nhu cầu dạy và học của các trường. Việc tuyên truyền, hướng nghiệp cho HS không thể tách rời truyền thông và các lực lượng khác trong xã hội. Ngoài ra, các trường phải biết nâng niu, tôn trọng học viên, có như vậy các em mới yêu quý để theo đuổi đến cùng nghề mà mình đã lựa chọn”.
Lê Quang Huy

 

Bình luận (0)