Hàng năm, cứ đến đầu năm học mới, các khoản tiền đóng góp đã trở thành nỗi ám ảnh của không ít gia đình có con đi học. Mặc dù Bộ GD-ĐT đã có quy định rất rõ: Ngoài các khoản thu theo quy định, các trường tuyệt đối không được đặt ra các khoản thu khác, tuy nhiên, trong bối cảnh ngân sách chi cho giáo dục ở ta còn hạn hẹp, nếu không có những khoản tiền tự nguyện đóng góp thêm của Hội phụ huynh học sinh (PHHS), việc dạy và học ở nhiều trường khó có thể đáp ứng được yêu cầu. Xã hội hóa giáo dục là chủ trương hết sức đúng đắn, tuy nhiên, lợi dụng "xã hội hóa giáo dục" để lạm thu tiền trường lại là việc làm sai trái.
Trường mầm non Sơn Ca. Ảnh: Cao Từ
|
Thực trạng "lạm thu" ở Trường mầm non Sơn Ca
Những ngày này, chuyện "lạm thu", "loạn thu" đang "nóng" trên khắp các mặt báo. Nhóm PV Báo GD-TĐ về Trường Mầm non Sơn Ca (Phổ Yên, Thái Nguyên) theo đơn kiến nghị của bà Nguyễn Thị Huyền, người có 2 con đang theo học tại trường này. Ngoài bà Huyền còn có 22 chữ ký trong "Danh sách chữ ký của phụ huynh học sinh Trường Mầm non Sơn Ca kiến nghị".
Theo đơn của bà Huyền, tại buổi họp PHHS đầu năm học 2011-2012, Trường Mầm non Sơn Ca đưa ra "rất nhiều các khoản thu hết sức vô lý".
Thứ nhất, khoản thu "Tu sửa cơ sở vật chất": Đầu năm học nhà trường đưa ra mức thu là 200.000đ/cháu, tuy nhiên, khi bị PHHS ở nhiều lớp lên tiếng phản đối, nhà trường đã hạ xuống 100.000đ/cháu.
Thứ hai, tiền "sửa chữa bàn ghế" là 150.000đ/năm đối với các cháu mới đi học và 30.000đ/năm đối với các cháu là HS cũ.
Thứ ba, khoản thu "Đồ dùng học tập, đồ chơi" là 400.000đ/cháu với các lớp 5 tuổi, 200.000đ/cháu với các lớp nhà trẻ.
Thứ tư, khoản thu "vệ sinh, điện, nước và bảo vệ" là 30.000đ/cháu/1 tháng.
Đặc biệt, Trường Mầm non Sơn Ca tổ chức thu quỹ "Xây dựng môi trường thân thiện" với 150.000đ/cháu.
Danh sách gồm 12 khoản thu "ngoài quy định" của Trường Mầm non Sơn Ca còn bao gồm "Quỹ tài năng", "Quỹ ngày hội", "Quỹ lớp", "Quỹ chủ đề, chủ điểm", "Quỹ chữ thập đỏ"…
Danh sách gồm 12 khoản thu "ngoài quy định" của Trường Mầm non Sơn Ca còn bao gồm "Quỹ tài năng", "Quỹ ngày hội", "Quỹ lớp", "Quỹ chủ đề, chủ điểm", "Quỹ chữ thập đỏ"…
Tổng cộng, mỗi cháu ở Trường mầm non Sơn Ca phải đóng thêm khoảng 800.000đ-900.000đ tùy thuộc vào học sinh mới hay cũ. Với tổng số 470 học sinh của trường, số tiền thu là không hề nhỏ. Trao đổi với chúng tôi, cô giáo Đinh Thị Cúc, Hiệu trưởng Trường Mầm non Sơn Ca thừa nhận, những khoản thu trong đơn của bà Huyền là đúng sự thật. Điều đáng nói, đây là lá đơn khiếu kiện thứ 2 mà các cơ quan chức năng nhận được từ PHHS Trường Sơn Ca. Theo Chủ tịch UBND thị trấn Ba Hàng Lê Danh Khiêm và Hiệu trưởng Trường Mầm non Sơn Ca Đinh Thị Cúc thì đơn khiếu kiện thứ nhất đã được chính quyền, nhà trường và Hội PHHS "giải quyết thỏa đáng" bằng một cuộc họp được tổ chức vào ngày 13/9/2011 với sự tham gia của các đại diện chính quyền, Ban giám hiệu nhà trường, giáo viên và PHHS 14 lớp của trường, theo đó 100% đều nhất trí với mức thu như vậy.
Các bé tại trường mầm non Sơn Ca. Ảnh: Cao Từ
|
Tại sao vẫn còn đơn khiếu kiện?
Nên nhớ rằng 100% các vị đại diện cho PHHS đồng ý với mức thu của Trường Mầm non Sơn Ca chứ không phải 100% PHHS đồng ý với mức thu này. Theo ông Khiêm thì mỗi lớp có 3 đại diện PHHS tham gia cuộc họp.
Trao đổi với PV, cô Cúc chia sẻ, thực ra chỉ có PHHS của 8/14 lớp của trường là nhất trí 100% với các khoản thu, số lớp còn lại có một số người còn phản đối. Cô Cúc cho rằng, đây là năm đầu tiên nhà trường tổ chức thu tiền mua sắm, sửa chữa bàn ghế sao cho đồng bộ. Trả lời câu hỏi tại sao lại thu tiền đồ dùng học tập- đồ chơi đối với HS mẫu giáo 5 tuổi những 400.000đ/cháu, cô Cúc khẳng định: Để đáp ứng yêu cầu của Thông tư 02 của Bộ GD-ĐT (124 hạng mục đồ dùng đồ chơi của các cháu mẫu giáo 5 tuổi) phải thu 700.000đ/cháu mới đủ. Trong bối cảnh không được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, sau khi cân đối, nhà trường thu 400.000đ/cháu là hoàn toàn hợp lý. Cô Cúc cũng cho biết, nhà trường chưa hề nhận được một đồng từ ngân sách Nhà nước chi cho phổ cập mẫu giáo mầm non 5 tuổi.
Ngoài ra, cô Cúc cũng cam đoan rằng tất cả các khoản tiền ngoài ngân sách (do PHHS đóng góp) Hội PHHS trực tiếp quản lý và mua sắm, còn nhà trường chỉ thực hiện chức năng giám sát.
"Xã hội hóa giáo dục" nhìn từ Mầm non "Sơn Ca"
Trường Mầm non Sơn Ca là trường vừa được chuyển đổi từ hệ "bán công" lên "công lập" vào đầu năm học này. Theo cô Hiệu trưởng Đinh Thị Cúc thì cơ sở vật chất của Trường vẫn… như xưa, Trường chưa hề nhận được bất cứ khoản trợ cấp nào từ ngân sách Nhà nước. Cô Cúc cho rằng, nếu không có những khoản thu này, hoạt động giảng dạy và học tập của nhà trường sẽ hết sức khó khăn. Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Huyền, Hội trưởng Hội PHHS Trường Mầm non Sơn ca khẳng định: "xảy ra đơn khiếu kiện này là ngoài sức tưởng tượng của tôi". Bà Huyền cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, muốn con em học tốt thì dứt khoát phải đóng góp. Chia sẻ với bà Huyền, Phó Hội trưởng Hội PHHS cũng cho rằng: Mình ở nhà nằm chăn ấm, đệm êm, sao lỡ để con cháu phải chịu khổ, chịu rét…
Quan điểm của ông bà Hội trưởng và Hội phó là không sai, tuy nhiên, phải thừa nhận rằng những khoản đóng góp mà Trường Mầm non Sơn ca đưa ra chưa nhận được sự đồng thuận tuyệt đối của PHHS và như vậy chưa thể gọi là hoàn toàn tự nguyện. Điều này chứng tỏ việc giải thích mục đích, ý nghĩa các khoản đóng góp với PHHS chưa cụ thể, các khoản đóng góp chưa phù hợp với khả năng của một số gia đình học sinh. Theo điều tra của chúng tôi, những PHHS chưa nhất trí với các khoản thu của Trường Mầm non Sơn Ca chủ yếu thuộc về khối công nhân viên chức, nông dân, những người nghèo, những người không có khả năng tài chính dư dả như các bậc PHHS làm nghề kinh doanh. Theo ông Lê Danh Khiêm thì phải nhanh chóng tổ chức một cuộc họp với PHHS về vấn đề này. Ông Khiêm khẳng định công tác "xã hội hóa giáo dục" ở địa phương vẫn được tiến hành. Điều quan trọng là phải xét đến hoàn cảnh của học sinh. Với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn phải miễn giảm chứ không được gây sức ép với các em- Ông Khiêm nhấn mạnh.
(ảnh: Cao Từ)
|
Việc lạm thu ở Trường Mầm non Sơn ca đã quá rõ ràng, nhưng đến thời điểm đoàn công tác của Báo GD-TĐ đến làm việc (7/10), số tiền thu ngoài quy định vẫn chưa được trả lại cho PHHS. Các cơ quan chức năng vẫn còn hy vọng "sẽ làm rõ vấn đề" qua vụ khiếu kiện vừa qua. Động thái ấy chứng tỏ những văn bản về chấn chỉnh tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục của Bộ GD-ĐT chưa thực sự đi vào cuộc sống ở nơi đây. Được biết, Phổ Yên không phải là địa phương "cá biệt" ở Thái Nguyên có chuyện lạm thu tiền trường. Các huyện khác như Đồng Hỷ, Võ Nhai, Phú Bình và TP Thái Nguyên đều có hiện tượng lạm thu vào đầu năm học.
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Trưởng Phòng GD-ĐT Phổ Yên, phụ trách khối Mầm non khẳng định: Phòng đã gửi công văn cho các trường yêu cầu phải trả lại các khoản thu không đúng quy định cho PHHS, trường nào không chấp hành, trường ấy phải chịu trách nhiệm. Vậy chịu trách nhiệm ở đây cụ thể là như thế nào?
Nhóm PV không tiếp cận được với đồng chí Trưởng phòng GD-ĐT Phổ Yên, trong khi đồng chí Phó Trưởng Phòng Nguyễn Tiến Đạt phải thú thực là "không được quyền phát ngôn". Chính vì vậy, câu hỏi các đơn vị sai phạm trong chuyện lạm thu tiền trường sẽ được xử lý ra sao của chúng tôi hiện chưa có lời giải.
Đúng là các trường vi phạm phải chịu trách nhiệm, nhưng thẳng thắn nhìn lại, công tác thanh, kiểm tra của các cơ quan quản lý đã hiệu quả chưa hay còn nhiều bất cập?
Câu chuyện "xã hội hóa giáo dục" của Trường Mầm non Sơn Ca để lại cho chúng ta nhiều suy ngẫm. Trước hết, muốn "xã hội hóa giáo dục" hiệu quả phải nêu cao vị trí, vai trò của Ban đại diện Hội PHHS ở mỗi cơ sở giáo dục. Điều quan trọng là Ban đại diện Hội PHHS phải thực sự do PHHS bầu ra, phải là những người toàn tâm, toàn ý vì sự nghiệp giáo dục chứ không phải là "cánh tay nối dài" của Ban giám hiệu nhà trường như người ta thường nói. Và trên hết, "xã hội hóa giáo dục" phải nhận được sự quan tâm sâu sát của chính quyền các cấp, các cơ quan quản lý giáo dục, các trường học, các thầy cô giáo, các bậc PHHS và tất nhiên, của toàn xã hội.
Theo Anh Phương-Xuân Nam
(GD&TĐ)
Bình luận (0)