Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Thấy gì qua quyết định đình chỉ tuyển sinh năm 2012 đối với một số trường, ngành của Bộ GD-ĐT?

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 30/12, Bộ GD-ĐT chính thức công bố kết luận kiểm tra việc thực hiện cam kết thành lập trường ĐH, CĐ của 24 trường trên cả nước. Theo kết luận của Bộ GD-ĐT, đa số các trường được kiểm tra đều có sai phạm ở nhiều mức độ khác nhau. Đặc biệt, 3 trường ĐH, CĐ gồm: ĐH Văn Hiến, ĐH Đông Đô và CĐ Công nghệ Thông tin TPHCM bị đình chỉ tuyển sinh năm 2012. Ngoài ra, Bộ cũng đình chỉ tuyển sinh năm 2012 đối với 12 ngành thuộc 4 trường ĐH (ĐH Chu Văn An, ĐH Nguyễn Trãi, ĐH Kiến Trúc Đà Nẵng, ĐH Lương Thế Vinh). Quyết định đình chỉ tuyển sinh với các trường vi phạm cam kết thành lập trường ĐH, CĐ đã và đang nhận được sự ủng hộ rộng rãi của dư luận xã hội. Trong bối cảnh chất lượng giáo dục đại học của ta còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội, quyết định đình chỉ tuyển sinh đối với một số trường, một số chuyên ngành là bước đi mang tính đột phá của Bộ GD-ĐT trong công tác đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục.
Một thực trạng khó chấp nhận
Chất lượng dạy và học và lớn hơn là "thương hiệu" của một trường ĐH phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó, cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên được coi là những yếu tố đặc biệt quan trọng. Nếu cơ sở vật chất yếu (trường không có đất xây giảng đường, thư viện, phòng thí nghiệm, ký túc xá…) phải đi thuê mướn thì làm sao có thể tiến hành công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học tốt được? Với những trường này, kế hoạch hoạt động GD-ĐT bị thụ động, sinh viên phải đi lại vất vả vì giảng đường, thư viện không tập trung. Không có diện tích đất, diện tích xây dựng đủ lớn sẽ rất khó triển khai các phòng thí nghiệm, viện nghiên cứu, do đó, công tác nghiên cứu khoa học của các trường này rất yếu, sinh viên đa số phải học "chay". Không "an cư" sao có thể "lạc nghiệp"? 
Thí sinh thi đại học (ảnh minh họa: Internet)
Thí sinh thi đại học (ảnh minh họa: Internet)
Ngoài ra, việc xây dựng đội ngũ giảng viên cơ hữu đủ mạnh để đáp ứng được nhiệm vụ đào tạo của từng trường cũng là yêu cầu tiên quyết. Thực tế cho thấy, đội ngũ giảng viên cơ hữu ở một số trường ĐH, CĐ của ta vừa thiếu, vừa yếu. Nhiều trường ĐH, CĐ ngoài công lập hay những trường mới thành lập đều rơi vào cảnh "vay mượn" giảng viên. Trong bối cảnh thiếu giảng viên trầm trọng, những giảng viên có trình độ làm không hết việc. Báo chí từng ví họ "chạy sô như ca sĩ". Thực trạng ấy dẫn đến giảng viên không đủ thời gian dành cho công tác nghiên cứu khoa học và cập nhật những kiến thức mới thuộc chuyên ngành của họ. Kết quả là những bài giảng của họ nghèo về nội dung, thiếu giá trị thực tế và tất nhiên, không đáp ứng được nhu cầu đặt ra.
Chính vì vậy, trong đợt thanh tra vừa qua, đoàn kiểm tra đã dựa trên hai tiêu chí chính là tỷ lệ sinh viên/giảng viên, diện tích đất/sinh viên để đánh giá và qua đó làm cơ sở để xử lý vi phạm của các trường. Đối tượng lọt vào "tầm ngắm" của Bộ là những trường được thành lập từ năm 1998 trở lại đây. Tuy nhiên, trong thời gian qua Bộ chỉ kiểm tra được 24 trường, Những trường còn lại sẽ tiếp tục được kiểm tra trong năm tới.
Theo kết luận thanh tra của Bộ GD-ĐT, hầu hết các trường được kiểm tra đã cố gắng xin đất, xây dựng cơ sở vật chất, huy động kinh phí, xây dựng lực lượng để triển khai mở ngành đào tạo sau khi có quyết định mở trường hay nâng cấp đối với một số trường. Tuy nhiên, chiểu theo các điều kiện, nhiều trường chưa thực hiện được cam kết thành lập trường. Thậm chí có trường còn chưa định hình được đường hướng phát triển như ĐH Hà Hoa Tiên. Trong số 24 trường được kiểm tra thì 10 trường có số giáo viên cơ hữu và hợp đồng dài hạn dưới 100 người. Đặc biệt, có những trường đã thành lập được trên dưới 10 năm nhưng vẫn đi thuê địa điểm đào tạo (ĐH Đông Đô, ĐH Văn Hiến, ĐH Hòa Bình…). Trong khi đó, quy mô tuyển sinh của các trường này vẫn ở mức cao. Về tỷ lệ sinh viên/giảng viên, so với quy định cứng (25 SV/ GV) của Bộ GD-ĐT thì nhiều trường đều vượt khá xa. Cụ thể, ĐH Văn Hiến: 95,1 SV/GV, Cao đẳng Công nghệ Thông tin TPHCM: 84,5 SV/GV, ĐH Công nghiệp Hà Nội: 66,2 SV/GV, ĐH Kiến trúc Đà Nẵng: 54,3 SV/GV, ĐH Đông Đô: 55 SV/GV…
Thực tế trong đợt kiểm tra vừa qua, đoàn kiểm tra chỉ tính số sinh viên chính quy/giảng viên cơ hữu, nếu tính cả số sinh viên học hệ không chính quy của các trường, tỷ lệ trên chắc chắn sẽ vượt chuẩn rất xa.
Số lượng giảng viên đã thiếu, trình độ giảng viên (Tiến sĩ, thạc sĩ) của các trường còn "thê thảm" hơn. Theo quy định của Bộ GD-ĐT, khi mở ngành phải có ít nhất 1 Tiến sĩ và 3 Thạc sĩ, tuy nhiên, kết quả kiểm tra cho thấy có tới 43 ngành học của 16/24 trường không có Tiến sĩ, 12 ngành không có cả Tiến sĩ lẫn Thạc sĩ, thậm chí có ngành chưa có giảng viên cơ hữu!?
 Và một quyết định mang tính đột phá
 Như vậy, các đoàn kiểm tra của Bộ GD-ĐT đã hoàn tất việc thanh, kiểm tra đối với 24 trường ĐH, CĐ. Đành rằng, kết quả thanh, kiểm tra 24 trường chưa nói hết được bức tranh toàn cảnh của giáo dục đại học Việt Nam, tuy nhiên, trước thực trạng khó chấp nhận ở một số trường qua kết quả kiểm tra, Bộ GD-ĐT quyết định đình chỉ tuyển sinh năm 2012 đối với 3 trường ĐH, CĐ, đình chỉ tuyển sinh với 12 ngành thuộc 4 trường ĐH và cảnh báo 7 trường ĐH khác. Không dừng lại ở đây, Bộ GD-ĐT còn khẳng định: Đến năm 2013, nếu 3 trường bị đình chỉ tuyển sinh không khắc phục được các điều kiện đảm bảo chất lượng dạy và học như cam kết, Bộ sẽ đình chỉ hoạt động giáo dục, thậm chí xem xét đề nghị Thủ tướng Chính phủ giải thể trường. Dư luận cho rằng, việc kiểm tra một loạt trường với thái độ hết sức nghiêm túc và công bố kết quả kiểm tra công khai là một động thái tích cực của Bộ GD-ĐT. 
Quyết định đình chỉ tuyển sinh đối với một số trường, một số ngành của Bộ GD-ĐT đã thực sự là hồi chuông cảnh tỉnh nhiều trường ĐH, CĐ chưa thực hiện đúng cam kết thành lập trường. Tuy nhiên, dư luận còn rất băn khoăn rằng tại sao Bộ GD-ĐT bỗng nhiên "mạnh tay" đến vậy, rằng tại sao Bộ chỉ đình chỉ tuyển sinh năm 2012 đối với 3 trường ĐH, CĐ và 12 chuyên ngành của 4 trường ĐH khác, trong khi còn không ít trường cũng vi phạm cam kết thành lập trường?
 Có thể khẳng định, không phải đến bây giờ Bộ GD-ĐT mới "mạnh tay" trong việc thiết lập kỷ cương đối với giáo dục đại học. Ngay sau khi Chỉ thị 296/CT-TTg ngày 27/2/2010 của Thủ tướng Chính phủ được ban hành, Bộ GD-ĐT đã xây dựng Chương trình hành động về đổi mới và quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010-2012. Đặc biệt, trong bối cảnh Bộ GD-ĐT đã và đang tích cực triển khai Nghị quyết số 50/2010/NQ-QH12 ngày 19/6/2010 của Quốc hội  về việc thực hiện chính sách pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học, trong đó yêu cầu: "Thực hiện hậu kiểm, tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm khắc, tùy theo mức độ vi phạm để đình chỉ hoạt động, hạ cấp hoặc giải thể đối với những trường vi phạm quy định của pháp luật và cam kết thành lập trường" thì việc đình chỉ tuyển sinh đối với một số trường, một số ngành vi phạm cam kết vừa qua cũng là lẽ bình thường. Ngay mới năm ngoái thôi, Bộ GD-ĐT đã tạm ngừng tuyển sinh năm 2010 với hai trường là ĐH Phan Châu Trinh và ĐH Công nghệ Đông Á vì "vi phạm quy chế tổ chức và hoạt động của trường tư thục".
 Tóm lại, việc đình chỉ tuyển sinh đối với một số trường ĐH, CĐ, một số ngành vi phạm cam kết vừa qua là bước đi đúng đắn, kịp thời, nghiêm túc và kiên quyết của Bộ GD-ĐT nhằm "xốc" lại đội ngũ các trường ĐH, CĐ, đảm bảo nghiêm minh trong việc thực thi pháp luật và từng bước nâng cao chất lượng giáo dục đại học, một nhiệm vụ có ý nghĩa sống còn đối với chiến lược cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho công cuộc CNH, HĐH đất nước. Nói như Chánh thanh tra Giáo dục (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Huy Bằng thì không có chuyện Bộ "mạnh tay" với trường này, "nhẹ tay" với trường nọ. Công việc thanh, kiểm tra thực hiện cam kết thành lập trường cũng như mọi hoạt động GD-ĐT đối với các trường ĐH, CĐ vẫn được tiếp tục tiến hành vào năm sau và những trường, những cơ sở GD-ĐT vi phạm dứt khoát sẽ bị xử lý. 
 
Theo Anh Phương
(GD&TĐ)

Bình luận (0)