Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Thấy gì từ bài làm môn văn mùa thi cuối cùng theo chương trình 2006?

Tạp Chí Giáo Dục

Trong 3 môn thi (toán, ngoại ngữ và ngữ văn) của kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập tại TP.HCM, môn ngữ văn luôn có sự quan tâm đặc biệt. Vậy tình hình làm bài của thí sinh trong kỳ thi tuyển sinh cuối cùng theo chương trình 2006 có gì đáng lưu ý?


Thí sinh ra về sau buổi thi môn ngữ văn trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập tại TP.HCM vừa qua. Ảnh: Đ.Yến

Thí sinh có cảm xúc và hứng thú khi làm bài

Đối với môn ngữ văn, thống kê cho thấy, tỷ lệ điểm dưới trung bình (5 điểm) giảm. Tỷ lệ này gần ngang bằng với tỷ lệ điểm khá giỏi trở lên. Thậm chí có nhiều xấp bài, số lượng điểm trên 8 nhiều hơn số lượng điểm dưới trung bình.

Lý giải cho việc bài làm năm nay của thí sinh ít điểm dưới trung bình, giám khảo đã đưa ra nhiều lý do khác nhau. Lý do thứ nhất phải kể đến là do đề thi môn ngữ văn năm nay đã “chạm được vào trái tim” của thí sinh, khơi gợi được hứng thú làm bài nơi các em. Vì vậy đa số thí sinh đều làm bài tốt. Nhất là ở các câu hỏi có tính gợi mở, hướng đến việc thể hiện tình cảm bản thân, như câu 2 (biết nghĩ bằng con tim), câu 3 (phần liên hệ với cuộc sống, hoặc tác phẩm viết về đề tài gia đình). Lý do thứ hai là đề thi có nhiều câu hỏi rất rõ ràng, dễ “ăn” điểm, như câu a, câu b của phần đọc hiểu và phần phân tích tình cảm nhân vật bé Thu dành cho cha (trong tác phẩm “Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng, đề 1/câu 3), hay phần phân tích đoạn thơ mà đề đã cho hoặc tự chọn (đề 2/câu 3). Các câu hỏi này không hề đánh đố, không tạo ra bất ngờ với thí sinh. Nếu các em ôn bài tốt, đúng trọng tâm là dễ dàng làm bài được điểm trên 5. Lý do thứ ba là đề thi có nhiều câu hỏi có tính liên hệ, vận dụng thực tiễn (câu d phần đọc hiểu và phần liên hệ mở rộng đề 1 và đề 2 của câu 3). Các câu hỏi này phù hợp tâm lý lứa tuổi, rất thiết thực với các hoạt động mà các em đã trải nghiệm ở nhà trường phổ thông. Chẳng hạn câu d (1 điểm)/phần đọc hiểu, nếu học sinh nêu được 1 hoạt động cụ thể (0,25 điểm); giải thích lý do lựa chọn hoạt động hợp lý (0,5 điểm), và diễn đạt tốt, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp (0,25 điểm). Đa số bài làm của thí sinh đạt từ 0,75 – 1 điểm câu hỏi này. Tình hình này khác hẳn với các năm trước, thường câu hỏi d phần đọc hiểu rất khó, ít thí sinh đạt trọn điểm.

Một lý do chủ yếu nữa là đề thi tuyển sinh lớp 10 công lập môn ngữ văn tại TP.HCM năm nay tương đối nhẹ nhàng so với các năm trước. Chia sẻ điều này, một chuyên viên phụ trách việc ra đề thi môn ngữ văn cho biết, đây là năm cuối cùng của lứa học sinh lớp 9 học theo chương trình 2006, các em chịu ảnh hưởng ít nhiều bởi dịch Covid-19 ở tiểu học và THCS, nên đề thi nhẹ nhàng hơn, tránh gây căng thẳng, áp lực với các em. Ngoài ra, một lý do nữa phải kể đến là ở đáp án chấm. Cách xây dựng đáp án mở, dễ dàng cho thí sinh lựa chọn cách thể hiện quan điểm, bày tỏ suy nghĩ, cảm xúc. Điều này cũng giúp cho giám khảo dễ dàng chấm điểm. Theo nhìn nhận của nhiều giáo viên, do đề thi và đáp án rõ ràng như thế, nên giám khảo chấm thi năm nay đồng bộ, đều tay và ít lệch điểm.

Từ “thượng vàng đến… hạ cám”

Do đề thi môn ngữ văn năm nay có tính phân hóa rõ rệt nên tình hình bài làm của thí sinh cũng cho thấy điều đó. Có rất nhiều bài làm đạt điểm rất tốt. Theo kết quả chấm, bài làm môn ngữ văn năm nay của thí sinh đạt điểm trên 8 chiếm tỷ lệ cao. Mỗi xấp chấm (thường là 24 bài), bình quân có khoảng từ 3 bài điểm từ 8 trở lên, chiếm tỷ lệ hơn 10%. Thi thoảng vẫn có điểm 9 – 9,25. Trong buổi chấm đầu tiên đã xuất hiện bài đạt điểm 9,5.

Sở dĩ thí sinh đạt điểm cao như trên là do bài làm của các em rất đầy đủ, sạch đẹp, chữ viết rõ ràng, dễ coi, không bỏ sót câu hỏi nào, các câu hỏi đều giải quyết thấu đáo các yêu cầu. Để có được điểm cao, đa phần các bài thi phải đạt gần trọn điểm phần đọc hiểu (3 điểm). Không mất điểm phần diễn đạt và phần sáng tạo phải có điểm (thường là 0,25 điểm ở câu nghị luận xã hội lẫn câu nghị luận văn học). Quan trọng nhất là, do chủ đề của đề thi năm nay hướng đến “nhịp trái tim” và suy nghĩ về lối sống cống hiến “không chỉ dành riêng cho mình”, cho nên rất cần đến sự rung động, thái độ nhập tâm và cảm xúc thật sự của thí sinh. Vì vậy rất dễ hiểu lý do vì sao những bài làm đạt điểm tốt đã… chạm đến trái tim giám khảo.

Tuy nhiên, bên cạnh những bài làm tốt cũng có nhiều bài mắc nhiều lỗi về kiến thức, kỹ năng nên điểm không thật tốt. Chẳng hạn, ở phần đọc hiểu (3 điểm), cả 4 câu hỏi a, b, c, d đều có lỗi sai. Câu hỏi a là câu nhận biết, thí sinh chỉ cần bám sát từ ngữ phần đầu của văn bản là có thể trả lời đúng. Tuy nhiên, nhiều thí sinh viết thêm, dư thừa từ ngữ nên bị mất điểm. Ở câu b, theo đáp án thành phần biệt lập là “thành phần phụ chú: vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc”. Thế mà do nắm không chắc kiến thức tiếng Việt, nhiều thí sinh trả lời thành “phù chú”, “phụ trú”. Và dĩ nhiên không có điểm. Với câu c (hiểu gì về những người lính ở quần đảo Trường Sa), thí sinh cần trả lời được 4 ý gồm trong các từ khóa “tuổi đời trẻ”, “yêu biển đảo”, “mạnh mẽ, bản lĩnh”, “vượt qua gian lao, thử thách để bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương”. Nếu thí sinh chỉ bám sát vào từ ngữ của 4 câu thơ thì chỉ đúng ý 1 (được 0,25/1 điểm). Câu d tưởng dễ nêu hành động nhưng không dễ có điểm. Vì hành động ở đây phải thiết thực, cụ thể (0,25 điểm), chứ không nói chung chung (như nhặt rác, môi trường…), hoặc nói lại ý của văn bản. Ngoài ra còn đòi hỏi thí sinh phải lý giải thuyết phục lý do chọn hành động ấy (0,5 điểm) và diễn đạt (0,25 điểm) tốt nữa.

Câu nghị luận xã hội (3 điểm), với yêu cầu “suy nghĩ về lời khuyên biết nghĩ bằng con tim”, có nghĩa là “đề cao sức mạnh của việc đánh giá, nhìn nhận mọi việc xung quanh bằng cảm xúc, bằng cách đi vào chiều sâu của thế giới nội tâm chứ không phải dừng lại ở sự lý trí, chính xác và khoa học”. Tuy nhiên, nhiều thí sinh đã lạc đề, do không hiểu chủ đề, và đi nghị luận vấn đề khác (như tình thương con người nói chung). Những trường hợp này chỉ cho điểm bố cục (0,5 điểm) và diễn đạt (0,25 điểm). Đề 2 của câu nghị luận văn học (4 điểm) yêu cầu phân tích bài thơ, đoạn thơ có trong chương trình hoặc ngoài sách giáo khoa. Tuy nhiên, nhiều em lại chọn phân tích văn bản truyện. Và lỗi này cũng chỉ được chấm điểm về bố cục và diễn đạt như câu nghị luận xã hội nói trên.

Mùa tuyển sinh lớp 10 công lập cuối cùng theo chương trình 2006 khép lại, hy vọng những ưu và khuyết điểm trên sẽ giúp cho các thí sinh tham gia kỳ thi năm sau theo chương trình 2018 có thêm kinh nghiệm quý giá để làm bài!

Hậu Nguyên

 

Bình luận (0)