Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Thấy gì từ việc nhiều bản nhạc quảng cáo được yêu thích?

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều bản nhạc quảng cáo đang nhận được sự yêu thích của khán giả, thậm chí lượt xem còn vượt xa một số dự án âm nhạc được đầu tư bài bản. Điều này đặt ra nhiều dấu hỏi với những người làm nhạc về xu hướng, thị hiếu người nghe.

Nhạc quảng cáo "hồi sinh" bản hit 

Mới đây, nhạc sĩ Hứa Kim Tuyền kết hợp ca sĩ Kay Trần phát hành ca khúc Mắt nhìn tim thấy. Ca khúc được Hứa Kim Tuyền làm mới từ bản hit Mắt nai cha cha cha do Sỹ Luân sáng tác – bài hát từng “làm mưa, làm gió” với thế hệ khán giả thời 8X, 9X.

Ca sĩ Amee liên tục thành công với nhiều ca khúc quảng cáo trong 2 năm qua

Ca sĩ Amee liên tục thành công với nhiều ca khúc quảng cáo trong 2 năm qua

Ở bản gốc, một trong những phiên bản thể hiện thành công nhất thuộc về ca sĩ Hồng Ngọc. Ca khúc Mắt nhìn tim thấy ra mắt trong thời điểm nhạc Việt có nhiều dự án âm nhạc lớn nhưng nhờ giai điệu quen thuộc, lời nhạc trẻ trung, một số đoạn trong bài được người nghe sử dụng, làm nhạc nền cho nhiều clip ngắn, đăng tải trên các nền tảng mạng xã hội khác nhau.

Say nắng (tựa gốc Shay nắnggg) cũng được xem là một trong những hiện tượng của nhạc Việt vào khoảng giữa năm 2022. Ca khúc cũng do Hứa Kim Tuyền sáng tác với đoạn điệp khúc dựa trên bài Hai mươi – bản hit lớn trong sự nghiệp của ca sĩ Mỹ Tâm. Tính đến nay, Say nắng đạt hơn 18 triệu lượt nghe trên YouTube và độ phủ của ca khúc trên các nền tảng vẫn tiếp tục được duy trì sau gần 1 năm ra mắt. Với một bài hát quảng cáo, đây là thành tích nổi bật, không dễ đạt được.

Thành công của Say nắng từng được mang ra “mổ xẻ”, xem như trường hợp đáng học hỏi khi nhãn hàng “bắt tay” với nhạc sĩ viết nhạc quảng cáo. Trong Say nắng, tác giả hoàn toàn không nhắc đến tên của thương hiệu nào. Phần hình ảnh của sản phẩm chỉ được lồng ghép nhẹ nhàng trong MV thực hiện sau đó nên người nghe cảm thấy khá dễ chịu khi thưởng thức. Ngoài ra, công thức thành công của Say nắng phần lớn nhờ vào việc Hứa Kim Tuyền sử dụng một phần giai điệu cũ của bài Hai mươi. Cách làm này giúp gợi lại trong người nghe sự thân quen, những hoài niệm một thời.

Trước Say nắng và Mắt nhìn tim thấy, nhạc sĩ Hứa Kim Tuyền cũng từng lấy cảm hứng sáng tác từ những ca khúc quen thuộc của nhạc Việt. Trong đó, bài hát Lucy thuộc album Colours được anh sáng tác nhờ cảm hứng từ ca khúc thiếu nhi Chú voi con ở Bản Đôn của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Chia sẻ về việc làm mới hay sử dụng một phần âm nhạc, chất liệu từ các ca khúc cũ đưa vào sáng tác mới, Hứa Kim Tuyền cho biết anh mong muốn âm nhạc hiện đại của thế hệ trẻ sẽ luôn song hành cùng thành tựu âm nhạc của thế hệ nghệ sĩ đi trước, tạo ra những sự kết hợp lạ mà quen, mang tới những trải nghiệm mới cho người nghe.

Đời sống mới của nhạc quảng cáo

Lâu nay, nhạc quảng cáo thường bị mặc định là những bài hát thuần để lồng ghép tên thương hiệu, chức năng, thông điệp sản phẩm. Chúng không có tuổi thọ dài vì hiếm khi được khán giả chú ý, chưa kể, khi ra mắt còn phải cạnh tranh với nhiều sản phẩm, dự án âm nhạc chỉn chu từ nhiều ca sĩ. Tuy nhiên, không phải bài nhạc quảng cáo nào cũng có chung số phận như thế.

Kay Trần được chú ý sau khi  ra mắt ca khúc Mắt nhìn tim thấy

Kay Trần được chú ý sau khi ra mắt ca khúc Mắt nhìn tim thấy

Vào tháng 3/2023, ca khúc Ưng quá chừng của nhạc sĩ Kai Đinh kết hợp nhà sản xuất âm nhạc TDK và ca sĩ Amee tiếp tục lập nhiều thành tích đáng nể cho nhạc quảng cáo. Ưng quá chừng hiện đạt gần 10 triệu lượt nghe trên YouTube sau 2 tháng ra mắt. Ca khúc cũng được nhiều bạn trẻ làm mới với các phiên bản nhảy hiện đại trên đường phố, được người xem ủng hộ, thích thú.

Ban đầu, ca sĩ Amee không nghĩ Ưng quá chừng sẽ nhận được sự quan tâm lớn từ khán giả. Do đó, cô và nhạc sĩ Kai Đinh chỉ tung phiên bản dài 1 phút 20 giây, nhưng sau khi nhiều người nghe mong muốn được thưởng thức bản nhạc dài hơn, cả hai quyết định thực hiện phiên bản dài 5 phút 18 giây. Trên nền tảng TikTok, trong 2 tháng qua đã có hàng chục triệu lượt hashtag #Ungquachung xuất hiện, minh chứng cho độ thu hút của ca khúc này với khán giả trẻ.

Lý giải cho thành công của Ưng quá chừng, người nghe dễ dàng nhận thấy ca khúc có giai điệu vui tươi với nhiều câu hát liên quan đến loài mèo. Chưa kể, nội dung chính của bài hát xoay quanh chủ đề tình yêu, đặc biệt trong giai đoạn cả hai mới vừa chạm mặt, phải lòng nhau nên dễ làm rung động người nghe. Ngoài ra, việc phát hành của Ưng quá chừng cũng khơi gợi sự tò mò với phiên bản siêu ngắn dùng để gây chú ý, sau đó giới thiệu bản dài hơn nhằm tiếp tục duy trì độ hot của sản phẩm.

Điểm chung ở những ca khúc quảng cáo thành công là hiếm có bài hát nào lồng tên thương hiệu vào bài nhạc. Nếu có lồng ghép, ca khúc đó sẽ khó duy trì sự chú ý dài lâu, giống như bài hát Mắt nhìn tim thấy. Dù một số đoạn nhạc được người nghe sử dụng làm nhạc nền nhưng sức lan tỏa của ca khúc khôngmạnh như nhiều bài hát quảng cáo khác.

Thành công đặc biệt của một số bài hát cho thấy nếu các nhãn hàng không can thiệp quá sâu, không buộc bản nhạc phải lồng ghép thông điệp, câu chuyện về sản phẩm và nhạc sĩ đủ sáng tạo thì ca khúc đó hoàn toàn có chỗ đứng, thậm chí chiếm vị trí cao ở thời điểm ra mắt. 

Theo Khánh An/PNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)