Giám đốc Lâm Kế Chí trao phần thưởng cho các HV giỏi của trung tâm
|
Một lần ghé thăm Trung tâm GDTX Q.1, tôi thấy một nhóm giáo viên (GV) đang dạy thêm cho học viên (HV) trong mấy phòng học trên lầu. Lúc đầu cứ nghĩ là các lớp phụ đạo HV yếu kém nhưng sau khi được thầy Lâm Kế Chí – Giám đốc trung tâm giới thiệu tôi mới biết đó là các lớp bồi dưỡng chuẩn bị cho kỳ thi HV giỏi toàn thành phố sắp tới.
Những học trò cưng
Từ trước tới nay, tại các trung tâm GDTX, ban giám đốc (BGĐ)chỉ tổ chức các lớp phụ đạo để giúp đỡ các em HV yếu kém có thêm kiến thức và kỹ năng làm bài. Còn việc bồi dưỡng HV giỏi hầu như còn mang tính tự phát. Điều đó cũng có cơ sở của nó bởi vì đối tượng học tại các trung tâm GDTX còn hạn chế nhiều mặt. Ở đây, đa số HV đã lớn tuổi vừa đi làm lại vừa đi học, họ chỉ mong sao có tấm bằng tốt nghiệp trong tay là quý lắm rồi. Chính vì thế, gần đến các kỳ thi, nhiều trung tâm chỉ tập trung vào kế hoạch phụ đạo cho HV yếu kém, còn công tác bồi dưỡng HV giỏi vẫn là “chuyện xa xỉ” nên ít người dám bàn tới. Nghĩ tới GDTX không ít người quan niệm, bổ túc văn hóa làm gì có học sinh giỏi. Thế nhưng, BGĐ Trung tâm GDTX Q.1 mấy năm gần đây lại tập trung “sức người sức của” cho công tác bồi dưỡng HV giỏi, rất quan tâm tới việc tìm kiếm nhân tài trong học tập. Thực ra, do đặc thù địa bàn nên Trung tâm GDTX Q.1 cũng có một số thuận lợi riêng trong việc “săn chất xám”. Do ở xa các khu công nghiệp nên HV của trung tâm đa số được “đầu quân” là từ các trường phổ thông và rất ít cán bộ, công nhân đi học. Nhiều nhất là các em học sinh đã hoàn thành chương trình THCS rớt ba nguyện vọng vào THPT trên địa bàn thành phố. Các HV này do mới vào học theo hệ GDTX nên kiến thức phổ thông vẫn chưa bị rơi rụng nhiều. Ngoài ra, các em còn có ưu điểm là tiếp nhận tri thức nhanh và phương pháp tự học hiệu quả. Có lẽ từ lợi thế đó mà tỉ lệ tốt nghiệp hàng năm của trung tâm luôn ổn định và liên tục nằm ở top trên so với các quận, huyện khác. Biết phát huy thế mạnh và tiềm năng vốn có, BGĐ Trung tâm GDTX Q.1 đã tập trung nhân lực và tài chính cho công tác bồi dưỡng HV giỏi. Thế nhưng, tất cả chỉ là con số không nếu thiếu đội ngũ GV cơ hữu của đơn vị. Sau nhiều năm đứng lớp, các thầy cô có đủ kinh nghiệm để đổi mới phương pháp và thực hiện tốt chương trình theo quy định của Bộ GD-ĐT. Nhóm đầu tiên tôi ghé đến là lớp bồi dưỡng bộ môn địa lý của cô Phạm Thị Thanh Mai. Tuy chỉ 1 thầy 5 trò nhưng giờ học nghiêm túc lắm! Cô Mai đang tận tình hướng dẫn các em vẽ biểu đồ và đọc Atlat. Những bài học hôm nay tuy không quá phức tạp nhưng sẽ giúp các em có thêm kỹ năng làm bài khi đi thi thố tài năng. Ở lớp phía bên kia, thầy Phan Khắc Toàn đang bồi dưỡng cho các “nhà toán học lớp 12” qua những bài toán khó. Nhóm của cô Phan Thị Tài thì đang ôn luyện môn ngoại ngữ cho một HV giỏi đợt này. Có thể nói, đây là điểm nổi bật của Trung tâm GDTX Q.1 so với các trung tâm khác vì có “sĩ tử” chuẩn bị đi thi HV giỏi môn tiếng Anh.
Trở về phòng làm việc của BGĐ, tôi lại có thêm một bất ngờ nữa khi thầy Chí cho xem kết quả kỳ thi HV giỏi năm học 2009-2010 của trung tâm. Trong số 42 em HV “mang chuông đi đánh đất người” thì có đến 50% em đoạt giải, có nghĩa là có tất cả 21 HV được lên bục danh dự để nhận giấy khen. Chưa hết, năm học 2008-2009, trung tâm có tới ba giải nhất trong tổng số 12 em đoạt giải. Quả thật đây là những con số rất đáng tự hào. Thầy giám đốc coi đó là những “đứa con cưng” của mình.
Người thầy nặng trách nhiệm
Đến nay, thầy Lâm Kế Chí đã có 20 năm gắn bó với bậc học GDTX. Đó cũng là một duyên nợ khi thầy chuyển từ Cần Thơ về TP.HCM sinh sống năm 1991. Vì là một GV dạy cấp 3 nên khi được “mời” qua đứng lớp tại một trung tâm GDTX, ban đầu thầy không khỏi băn khoăn, do dự. Tuy nhiên, vốn là một cán bộ Đoàn năng nổ nên thầy đã đến với các HV bằng cả tinh thần trách nhiệm và lòng nhiệt tình. Thầy Chí tâm sự: “Thời kỳ đầu thiếu GV, một mình tôi dạy cả ba khối. Không chỉ soạn ba giáo án mà phải dạy cả ngày”. Nhưng điều mà thầy và các GV quan ngại nhất chính là nề nếp và học lực của các HV. So với trường phổ thông rõ ràng nề nếp và chất lượng học tập ở các trung tâm GDTX không thể nào bằng. Có lẽ vì thế mà nhiều GV đã không quen và cảm thấy khó chịu khi công tác trong môi trường mới mẻ này. Thế nhưng, dần dà gắn bó và gần gũi với HV, các thầy cô đã hiểu và thông cảm hơn cho hoàn cảnh của từng em một.
So với các quận nội thành, Trung tâm GDTX Q.1 thời gian đó như đứa con út nghèo nhất trong một gia đình có nhiều khó khăn về kinh tế. Mặt bằng cơ sở 1 trên đường Nguyễn Thị Minh Khai diện tích quá nhỏ hẹp nên năm nào cũng thiếu phòng học. Phòng thư viện chật chội chẳng khác gì một căn nhà kho chứa sách và đồ dùng dạy học, muốn bày biện, trang trí cho thật đẹp và gọn gàng cũng khó. Phòng thí nghiệm dùng theo kiểu “3 trong 1”, hết thảy các bộ môn lý – hóa – sinh. Mỗi lần ghé vào trung tâm, khách không vất vả vì tìm đường mà vất vả vì chỗ để xe. Sân hẹp, xe của thầy và trò chen chúc nhau kín cả cổng ra vào. Do đó, muốn xếp thêm cho khách không phải là chuyện đơn giản.
Tuy cơ sở nhỏ hẹp nhưng đối với thầy trò của Trung tâm GDTX Q.1 thì đây là một gia tài vô cùng quý giá vì trước năm 2000, Trường Dân Chính (tiền thân của trung tâm) được tiếp quản từ Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu (16A, Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1) mới có chỗ dạy chỗ học ổn định như ngày hôm nay. Nếu không cả thầy lẫn trò phải chịu cảnh “nay đây mai đó”. Mỗi lần thấy các GV trong trung tâm phải di dời các ống nghiệm, hóa chất, sách vở do nhà dột, thầy Chí thương HV bao nhiêu thì trách mình chưa làm tròn trách nhiệm bấy nhiêu. Thời kỳ đó, thầy cô cứ lo dạy để giúp các em có tấm bằng tốt nghiệp bổ túc THPT nên chỉ biết vùi đầu vào các lớp phụ đạo HV yếu kém. Nhờ thầy cô tận tình chăm chút từng ly từng tí nên sức học của HV các khối lớp cứ vậy mà nhích dần lên. Bài tập được làm ngay tại lớp, công thức học tới đâu nhớ tới đó nên các em không còn ngán ngại như trước. Thời gian này, tỉ lệ đậu tốt nghiệp của HV tại trung tâm luôn nằm ở top 5 toàn thành phố. Thế nhưng, BGĐ không hề “ngủ quên trên chiến thắng” mà ước muốn có một đội tuyển HV giỏi luôn là niềm mong đợi của thầy giám đốc. Kế hoạch bồi dưỡng đội tuyển HV giỏi bắt đầu từ đó. Nào ngờ cứ ra quân là chiến thắng nên niềm động viên và khích lệ năm sau lại lớn hơn năm trước. Những người không đồng tình thì cho rằng vào đây thì em nào cũng “lọt sàng xuống nia”, lấy đâu ra HV giỏi mà bồi dưỡng. Lại có người khẳng định đi thi cũng chắc gì có giải chỉ mất công tốn sức mà thôi. Thế nhưng, thầy Chí và BGĐ trung tâm vẫn không nản lòng. Là cán bộ Đoàn nhiều năm, thầy giám đốc hiểu sâu sắc lời khuyên của Bác Hồ đối với thanh niên: “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền”.
Năm 2009, sau một thời gian dài chạy ngược chạy xuôi, trung tâm mới có được nguồn quỹ để xây sửa thêm 9 phòng học. Đến nay, trung tâm đã có được bộ mặt tương đối khang trang. Điều đáng quý là dù khó khăn đến mấy, thầy và trò nơi đây vẫn luôn thi đua dạy tốt học tốt. Đội tuyển HV giỏi của trung tâm vẫn giữ được truyền thống của đàn anh đàn chị đi trước.
Bài, ảnh: Phan Ngọc Quang
Năm học vừa qua, trung tâm có 12 em đoạt giải HV giỏi, trong đó có hai giải nhất môn toán và địa, một giải nhì môn tiếng Anh nên được xếp loại nhất toàn đoàn. Trước đó, em Nguyễn Kim Khánh – HV lớp 12 của trung tâm đã trở thành thủ khoa của kỳ thi tốt nghiệp bổ túc THPT năm 2009-2010 với tổng số điểm là 56. Những HV đó đã trở thành những “đứa con” cưng của thầy giám đốc họ Lâm để làm nên những đỉnh cao của một trung tâm GDTX vốn có truyền thống về phong trào bồi dưỡng HV giỏi hệ GDTX của TP.HCM.
|
Bình luận (0)