Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Thầy giáo cấp ba có bảy bài báo đăng tạp chí ISI

Tạp Chí Giáo Dục

Buổi tối đi gia sư để lấy tiền làm nghiên cứu sinh, luận án của thầy Nguyễn Văn Yên (Nghệ An) được đánh giá là xuất sắc.

Tuần trước, thầy Nguyễn Văn Yên (38 tuổi), giáo viên trường THPT Yên Thành 3 (Nghệ An) nhận bằng tiến sĩ ngành Vật lý tại Đại học Bách khoa Hà Nội. 

Năm năm trước, khi tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành Vật lý ở TP HCM do PGS Lê Thế Vinh (Đại học Tôn Đức Thắng) hướng dẫn, thầy Yên chưa muốn dừng lại việc nghiên cứu khoa học. Một năm sau, được PGS Vinh giới thiệu, thầy Vinh quyết định ra Đại học Bách khoa Hà Nội để làm nghiên cứu sinh.

Đề tài thầy chọn là Cấu trúc và sự không đồng nhất động học trong vật liệu silicat ba nguyên gồm chì silicat, nhôm siliacat và natri silicat (PbO.SiO2, Al2O3.2SiO2 và Na2O.2SiO2) ở trạng thái lỏng và vô định hình. Đây là đề tài có nhiều ứng dụng thực tế trong công nghiệp.

"Lĩnh vực này tương đối mới, được ít người trong nước quan tâm. Vì vậy việc tìm tòi tài liệu học và tham khảo cũng là một hạn chế", thầy Yên nói.

Tháng 6/2014, khi con gái đầu được một tuổi, thầy giáo tạm xa vợ con với hành trang là một balô quần áo, tài liệu cùng dăm triệu đồng ra Hà Nội học tiến sĩ. Để có chi phí trang trải cho việc nghiên cứu và tạm trú ở thủ đô, ban ngày lên lớp, ban đêm thầy Yên tranh thủ đi làm gia sư.

"Mỗi tối tôi dạy một hoặc hai ca cho học sinh cấp ba, có hôm tới khuya mới về tới phòng trọ thì lại tiếp tục nghiên cứu tài liệu. Tính ra mỗi ngày, tôi chỉ ngủ vài ba giờ, bù lại cũng kiếm thêm vài trăm nghìn", thầy Yên nhớ lại.

Quá trình nghiên cứu, thầy Yên nhận được sự hướng dẫn nhiệt tình của PGS Nguyễn Văn Hồng (Đại học Bách khoa Hà Nội), PGS Lê Thế Vinh và sự hỗ trợ của PGS Phạm Khắc Hùng (Viện Vật lý của Đại học Bách khoa Hà Nội).

"Ban giám hiệu nơi công tác, đồng nghiệp cũng tạo điều kiện rất nhiều trong thời gian tôi nghiên cứu. Vợ đã làm hậu phương vững chắc, nuôi dưỡng hai con nhỏ, chăm sóc bố mẹ già trong lúc tôi xa nhà", thầy Yên nói.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Yên. Ảnh: Đại học Bách khoa Hà Nội.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Yên. Ảnh: Đại học Bách khoa Hà Nội.

Trong bốn năm nghiên cứu, thầy Yên đã có bảy bài báo khoa học đăng trên hệ thống tạp chí ISI quốc tế. Trong đó hai bài đăng ở tạp chí tại Ba Lan; hai bài đăng tạp chí Singapore; hai bài ở Anh và một bài ở Canada.

Tháng 3/2018, sau ba giờ bảo vệ đề tài, thầy Nguyễn Văn Yên được hội đồng giám khảo đánh giá cao về kết quả. Luận án của thầy là một trong hai luận án tiến sĩ xuất sắc năm 2018 của Đại học Bách khoa với những tiêu chí: kết quả bảo vệ với tối thiểu 6/7 thành viên Hội đồng đánh giá xếp loại xuất sắc, kết quả công bố của luận án trong tạp chí quốc tế thuộc danh mục ISI-Scopus, chất lượng uy tín của tạp chí nơi nghiên cứu sinh công bố và bảo vệ đúng hạn.

Nói về tương lai, tiến sĩ Yên cho biết trước mắt sẽ cố gắng truyền thụ kiến thức cho học sinh nơi mình đang công tác…

Ông Trần Đình Đô, Hiệu trưởng THPT Yên Thành 3 đánh giá, thầy Nguyễn Văn Yên là giáo viên có chuyên môn ngành Vật lý tốp đầu của trường, luôn bồi dưỡng học sinh tham gia các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh. "Thầy say mê tìm tòi, nghiên cứu những cái mới. Trường luôn tạo điều kiện để thầy Yên yên tâm tham gia nghiên cứu", ông Đô nói và cho biết thầy Yên có 13 năm công tác tại trường.

ISI là viết tắt của Institute for Scientific Information (Viện Thông tin Khoa học). ISI đã xếp các tạp chí có uy tín của khoa học tự nhiên vào hai danh sách: SCI (Scientific Citation Index) và SCIE (Scientific Citation Index Expanded – danh sách SCI mở rộng). Mỗi tạp chí đều có chỉ số ảnh hưởng (Impact Factor – IF) được tính dựa trên số lượng trích dẫn tới các bài báo của tạp chí.

Hải Bình/Vnexpress

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)