Vợ chồng nhà giáo Lê Duy Trung trong những ngày an hưởng tuổi già
|
Là một giảng viên từ Trường Sư phạm, theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT, nhà giáo Lê Duy Trung đành tạm xa mái trường từng đào tạo nhiều thế hệ giáo sinh cho ngành giáo dục tỉnh Thanh Hóa để theo đoàn quân chi viện từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam sau khi Hiệp định Genève được ký kết.
Năm 1973 không chỉ là cột mốc lịch sử của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của toàn dân tộc mà còn là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời của nhiều thầy cô giáo thế hệ 4X, trong đó có nhà giáo Lê Duy Trung.
Thầy này dạy trò kia
Thầy giáo Trung kể lại: “Lúc này tôi đang công tác tại Trường Sư phạm Thanh Hóa đóng ở xã Quảng Minh, huyện Quảng Xương. Sau Hiệp định Paris, biết có đợt tổng động viên của lực lượng giáo dục, nhiều thầy cô giáo trẻ như chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng nếu có lệnh là đi. Đúng như dự đoán, tôi là 1 trong số 400 giáo viên do Bộ GD-ĐT điều động đi ngay vào đầu năm 1973”.
Trong ba lô của các thầy cô giáo xứ Thanh là những cuốn giáo trình, giáo án được gói cẩn thận bằng nhiều lớp nilon tận dụng từ bao đựng gạo. “Ở ngoài này chúng tôi đã xác định, vùng giải phóng không chỉ thiếu trường, thiếu giáo viên mà còn thiếu tài liệu để giảng dạy. Vì thế hành trang mang theo ngoài mấy bộ quần áo là những cuốn sách còn quý hơn cả cơm gạo”, thầy Trung hào hứng nhắc lại. Những đợt mưa rừng hay lũ quét làm cho quần áo người chiến sĩ rách ướt nhưng những cuốn sách trong ba lô lúc nào cũng được cất giữ khô ráo nguyên vẹn. Sau này khi vào đến vùng căn cứ tân binh ở Lộc Ninh mở ba lô ra anh em giáo dục mới càng thấy quý. Họ cảm thấy như đang cầm trên tay những hạt giống quý. Ông giáo Trung kể, mọi người xác định lực lượng đi vào sẽ là bộ khung sư phạm cho các trường đào tạo vùng mới tiếp quản nhằm đào tạo đội ngũ giáo viên mới cho các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên thực tế chiến trường lúc bấy giờ vẫn chưa có nhiều thuận lợi nên dự án đó không thể thực hiện được ngay. Tình thế bắt buộc phải xoay chuyển. Không còn cách nào hơn, thay vì mở lớp dạy thầy, các cán bộ giáo dục lại trực tiếp dạy trò. Do dạy Trường Sư phạm có kinh nghiệm nên thầy giáo Trung được phân về dạy ngay tại Trường Nguyễn Văn Bé nằm khuất trong vùng cây giữa rừng Lò Gò, Xa Mát (vùng biên giới thuộc tỉnh Tây Ninh) mà kẻ địch không thể nào phát hiện được. Nói là mô hình trường sư phạm nhưng thực tế ngôi trường này lại dạy con em cán bộ Khu 8 biết chữ và phổ cập trình độ cấp 2 là chính. Trường học dã chiến nên đủ các loại lớp bất kể cấp học và lứa tuổi học sinh. Cũng từ đó mà có nhiều nghịch lý đã xảy ra. “Đội ngũ anh em chúng tôi đa số là giáo viên dạy cấp 3 và trường sư phạm, thế mà lại được phân dạy học sinh cấp 2 và cả cấp 1. Lúc đầu thấy cũng hơi uổng”, ông giáo Trung nhớ lại. Nhưng theo ông trong hoàn cảnh thiếu thốn đó không có ai câu nệ chuyện “thầy này dạy trò kia”. Các thầy cô xác định làm bất cứ mọi việc, dạy bất kỳ các lớp khi cách mạng và nhân dân cần trên tinh thần cống hiến. Bước đầu cũng gặp không ít khó khăn trong tiếp cận chương trình và đối tượng học sinh nhưng cuối cùng đâu cũng vào đó cả.
Luôn kề cận cái chết
Mặc dù phân chia theo lớp nhưng do số lượng trò ít nên có khi cùng một lớp mà có cả 2, 3 trình độ. Vừa dạy cả lớp 7 nhưng đồng thời “ôm” luôn lớp 5, lớp 6 là chuyện thường. Quan điểm cứ có trò, có người học là mừng lắm rồi. Là con em cán bộ đi thoát ly nên tuổi tác các em cũng không đồng đều. Có em mới 13, 14 tuổi nhưng có em đã 20, 21 mà vẫn ngồi chung bàn với nhau. Lớp nào có thầy, đủ tài liệu thì học hết các môn nhưng lớp nào thiếu thì học những môn cơ bản mà chủ yếu là 2 môn toán và văn. Rất cơ động có gì “đánh” nấy. Giữa tiếng bom gào đạn rít, thầy cứ hào hứng dạy và trò vẫn say mê học.
Theo yêu cầu của bộ chỉ dạy theo chương trình 10 năm cho đơn giản, nhưng để nâng cao thêm nhà trường đã quyết định dạy theo chương trình 12 năm dù còn xa lạ với cả thầy và trò. Điều này thể hiện sự quyết tâm cao của tinh thần người cách mạng trên trận địa chống giặc dốt và chống giặc ngoại xâm. Dù không trực tiếp giáp mặt với quân thù nhưng cái chết luôn rình rập bên cạnh thầy và trò. “Hôm đó tôi đang nằm ngủ thì nghe tiếng đại bác nổ. Biết là chúng bắn phía dưới trường chúng tôi đành chạy ngược lại, một lúc sau lại nghe thấy tiếng nổ của đại bác ở phía trước chúng tôi lại chạy ngang. Nhờ vậy mà cả hai anh em đã thoát chết”, ông giáo già vẫn chưa hết kinh hoàng mỗi khi nhắc lại lần tránh đạn đại bác giống như một trò chơi trốn tìm của trẻ con.
Cùng với nhiều nhà giáo khác, khi đi qua Campuchia mở lớp dạy cùng với tiểu ban giáo dục, thầy giáo Trung cùng đồng nghiệp luôn sống trong nỗi sợ hãi do tình hình rối loạn sau khi chế độ Lon Non đảo chính và chính quyền Khmer Đỏ ra đời. Mỗi khi nghe tin có người bị bắn lén, đâm trộm là không ít người suy sụp tinh thần nhưng vì nhiệm vụ nên không thể thoái thác. Mỗi lần nghe tiếng chiêng trống nổi lên là mọi người phải tìm chỗ nấp nếu không sẽ bị chém giết vô tội vạ. Đến lúc này nhà giáo Lê Duy Trung mới thấu hiểu được sự cam go quyết liệt của mặt trận văn hóa tư tưởng vốn rất bình lặng nhưng cũng không thua kém gì giữa chiến trường khốc liệt đạn bom. Những thử thách đó đã giúp các nhà giáo – chiến sĩ trưởng thành hơn rất nhiều.
Bài, ảnh: Phan Ngọc Quang
Niềm vinh dự của nhà giáo Lê Duy Trung là trong suốt hành trình dạy chữ giữa làn bom đạn của kẻ thù luôn có sự tiếp sức và hỗ trợ của cô giáo Trần Thị Thơ – sau này trở thành người bạn đời chung thủy. Tình yêu như vườn hoa đẹp nở hồng giữa chiến trường để bây giờ họ có đủ một gia đình viên mãn và hạnh phúc. Ước muốn của đôi vợ chồng thầy giáo già là được một lần trở về Lò Gò tìm lại dấu tích của ngôi trường Nguyễn Văn Bé ngày xưa. |
Bình luận (0)