Mê thư pháp Việt, hơn 15 năm qua, cứ mỗi độ xuân về, thầy giáo Trương Vĩnh Đặng – giáo viên mỹ thuật, Trường Tiểu học Tây Hồ (TP.Đà Nẵng) lại lặng lẽ mang giấy mực xuống phố tặng chữ cho người trẻ với mong muốn gìn giữ và lan tỏa những giá trị hoài cổ…
Mỗi độ xuân về, thầy giáo Trương Vĩnh Đặng lại mang chữ thư pháp xuống đường tặng người trẻ
Theo đuổi đam mê
Độ xuân về, đi dọc cung đường 29-3 qua trung tâm TP.Đà Nẵng hay đâu đó bên góc cây xanh trong Công viên 29-3, không khó để bắt gặp hình ảnh một “ông đồ” trẻ cặm cụi viết thư pháp Việt. Phong thái đĩnh đạc, tay đưa nét bút từ tốn phác họa những chữ viết lên nền giấy đỏ thu hút nhiều người dừng chân ghé lại. Câu chuyện “nghề” của thầy giáo Đặng lúc vãn khách nghe thật thú vị. “Khi có đam mê làm động lực, mọi khó khăn sẽ vơi bớt đi một nửa. Người viết thư pháp không chỉ cần năng khiếu mà còn phải có tính cách điềm tĩnh, am hiểu ngữ nghĩa thơ văn để mỗi chữ cho đi có thể gieo lên những hạt mầm thiện lương giữa cuộc sống xô bồ”, thầy Đặng nói.
Một bức thư pháp do thầy Đặng viết
Thầy Đặng theo học thư pháp từ những ngày còn ngồi trên ghế trường phổ thông. “Thời điểm ấy, đang là học sinh nên chỉ có thể mua cây cọ giá 1 ngàn đồng về chấm nước viết lên nền xi măng. Hồi đó, việc tìm thầy hay tư liệu qua công nghệ như bây giờ không có. Mọi thứ đều mày mò từng bước một. Có lần tình cờ một người bạn chung lớp giới thiệu giùm một sư thầy ở tận Hội An, thế là nhờ sư thầy chia sẻ lại cho ít tài liệu và tập dần”, thầy Đặng nhớ lại. Học thư pháp từ sớm, không ai nghĩ cậu học trò lớp 10 có thể theo đuổi được đam mê với môn thư pháp kén người, khó tiếp cận và nhập môn. Thầy Đặng kể, giai đoạn đó nhập môn muôn vàn khó khăn. Sau có điều kiện hơn chút thì mua cây bút loại giá 10 ngàn đồng, viết lên giấy báo, rồi chuyển sang viết giấy A4. Tiết kiệm từng khoảng trống nhỏ nhất, thậm chí còn viết đè lên 4, 5 lớp mực để hạn chế thấp nhất các khoản chi phí cho đam mê của mình. Vừa viết, vừa tự rút kinh nghiệm và luôn ghi nhớ các bước kỹ thuật căn bản là khởi bút, hành bút và thu bút. Dần vượt qua mọi khó khăn để có thể tự mình viết thư pháp với một số kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình tự học. Thầy Đặng cho biết, học thư pháp giúp rèn luyện được nhiều đức tính như khiêm nhường, từ tốn, kiên nhẫn.
Lan tỏa văn hóa truyền thống
Năm 2004, thầy Đặng bắt đầu mang chữ xuống đường. “Mục đích của mình lúc ấy là viết tặng mọi người để lan tỏa tình yêu thư pháp Việt và muốn có thêm nhiều người bạn trong nghề để cùng nhau trao đổi kinh nghiệm. Vì thế mình chọn địa điểm bên cạnh các khu ký túc xá sinh viên ĐH Sư phạm và ĐH Bách khoa – ĐH Đà Nẵng”. Những buổi cho chữ ấy thu hút nhiều sinh viên và cả người dân, du khách ngang qua. Thậm chí, còn có người hỏi mua tranh. Đó là động lực để thầy Đặng nỗ lực hơn với công việc viết thư pháp của mình.
Cũng có thời điểm nghiệm lại, thấy độ chín của chữ chưa đạt, cảm giác thiếu sự đời, thiếu trải nghiệm cuộc sống trong con chữ nên thầy Đặng nghỉ hẳn khoảng một năm, tự tìm đến nhiều người lớn tuổi, để học hỏi thêm kinh nghiệm, lắng nghe những chia sẻ đời thường và cách để cảm nhận chữ nghĩa qua từng nét đưa bút. Có khoảng thời gian tới vài năm, thầy Đặng lang bạt nhiều nơi. “Đi để cảm nhận cuộc sống. Dành thời gian sưu tầm thơ ca làm vốn liếng ngôn từ cho mình. Khi cảm nhận được độ chín của chữ, mình bắt đầu trở lại với công việc này”, thầy Đặng chia sẻ.
Thư pháp giàu triết lý nhân sinh của thầy Đặng thu hút sự quan tâm của nhiều học trò
Trong ký ức của mình, thầy Đặng vẫn nhớ như in lần đầu mang tranh vào Hội An viết. Ban đầu vẫn chọn một điểm bên lề đường. Ít lâu sau đó, lần đầu tiên tranh được vài galary ở đó đặt mua tranh giới thiệu đến khách du lịch. Thầy Đặng nói, cảm xúc ấy thật khó tả. Vui không phải vì bán được tranh mà hơn thế là vì đã có người cảm nhận được, chấp nhận chữ của mình. Vài năm trở lại đây, năm nào thầy Đặng cũng tham gia viết thư pháp Việt vào mỗi dịp xuân về. Địa điểm quen thuộc được chọn là dọc đường hoa 2-9 – nơi trung tâm thành phố. “Mình muốn chọn những điểm có nhiều người dừng chân để trải nghiệm cuộc sống, để được gặp và trò chuyện với nhiều người. Chính họ sẽ dạy mình cách sống, cách làm người”, thầy Đặng bộc bạch.
Nhắc đến thầy giáo Trương Vĩnh Đặng, ngoài thư pháp Việt, nhiều người còn biết đến một thầy giáo giàu lòng nhân ái. Từ việc đấu giá cây cảnh, kêu gọi mạnh thường quân ủng hộ để tổ chức bếp ăn 0 đồng mỗi tháng một lần cho người nghèo mưu sinh ở Đà Nẵng, nhiều người còn nhớ đến hình ảnh một thầy giáo xông pha hỗ trợ người dân khó khăn trong những ngày dịch Covid-19 bùng phát dữ dội đẩy bao phận người vào cảnh lao đao. “Tôi chỉ muốn sẻ chia một chút trong khả năng của mình để mọi người giảm bớt khó khăn. Sự cho đi không chỉ san sẻ mà còn nhân lên những mầm thiện tốt đẹp giữa đời”, thầy Đặng bày tỏ. |
Thư pháp dường như là một món ăn tinh thần không thể thiếu trong ngày xuân. Người Việt có truyền thống xin chữ để cầu mong bình an, tài lộc và sức khỏe cho gia đình. Theo thầy Đặng, giá trị của con chữ không thể đong đo cân đếm bằng khối lượng vật lý. “Có lần, khi đang viết tranh thư pháp, một người đàn ông cao niên làm nghề chạy xe thồ đứng nhìn rất lâu, đọc lấy từng chữ trên các bức tranh. Khi có cuốc xe, chú chạy khách rồi quay lại xem tiếp. Thấy chú tần ngần bên một bức tranh, mình nghĩ chú rất thích nhưng không đủ tiền mua nên mình liền tặng chú. Điều đặc biệt, thầy Đặng còn thường cho chữ các bạn trẻ. Qua nội dung con chữ, thầy luôn mong các bạn trẻ có cách nhìn khách quan về cuộc sống, biết trân quý những phút hiện tại, biết yêu thương mọi người và gia đình của mình.
Phan Vĩnh Yên
Bình luận (0)