Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Thầy giáo dạy chữ bằng đôi tay tật nguyền

Tạp Chí Giáo Dục

“Sinh con trai đầu lòng, đáng lẽ mẹ rất vui mừng và hạnh phúc. Nhưng đôi tay tôi bị tật nguyền, mọi người khuyên mẹ bỏ đi để cháu sau này không phải khổ. Lòng mẹ quặn thắt, giàn giụa nước mắt. Mẹ đã nuôi tôi khôn lớn thành người”, thầy giáo Bùi Thanh Hải, 28 tuổi, ở thị trấn Than Uyên (Lai Châu) tâm sự.
Ai nói con cứ mặc, phải học giỏi
Sinh ra trong một gia đình có cuộc sống đầy đủ, nhưng thân thể của cậu bé Bùi Thanh Hải lại không được lành lặn như bao đứa trẻ khác. Cả hai bàn tay đều bị tật, bàn tay trái không có xương và mọc chồi không cầm nắm được. Bàn tay phải thì ngón cái chỉ có một đốt và ngón giữa thì có hai đốt nên cũng khó khăn trong sinh hoạt. Mọi người bảo do ảnh hưởng chất độc da cam từ người bố là bộ đội nên Hải mới như vậy.
Bước vào tuổi đi học, Hải vui sướng được tới trường. Nhưng bạn bè đã nhìn Hải bằng con mắt lạ lẫm, có người còn trêu chọc cậu. Mỗi lần Hải cầm phấn lên bản, do không đủ ngón tay nên viên phấn rơi, cả lớp lại cười ồ lên. Hải buồn quá, về nhà sà vào lòng mẹ khóc nức nở. Bố mẹ cũng chỉ biết lau nước mắt và động viên con: "Các bạn nói gì thì mặc, con hãy cố gắng học thật tốt là được, rồi mọi người sẽ hiểu và thông cảm cho con…". Từ đó, Bùi Thanh Hải không bận tâm đến mọi người nghĩ và nhìn mình như thế nào. Ngày lại ngày cậu chỉ biết cố gắng học giỏi để vượt lên những mất mát, thiệt thòi của bản thân. Năm học nào Hải cũng là học sinh giỏi, được thầy cô yêu, bạn quý.
Thầy giáo Bùi Thanh Hải cùng vợ đang soạn giáo án trên máy vi tính.
Khi kể về con mình, bà Nguyễn Thị Huệ rưng rưng nước mắt nói: “Hai vợ chồng nằm đêm suy nghĩ, không cho con tới trường thì khổ quá, mà tới trường thì sau này không biết học để làm nghề gì với đôi bàn tay tật nguyền như vậy? Thôi thì nhắm mắt để con được đi học với bạn bè. Ít ra nó cũng không mặc cảm, tự ti, đến đâu hay đến đó…”. Nhưng chính hai vợ chồng bà Huệ cũng không ngờ được cậu con trai của mình lại nuôi một hoài bão trở thành thầy giáo, để được dạy chữ cho các em học sinh.
Tôi hỏi Hải, tại sao lại ước mơ trở thành thầy giáo mà không phải một nghề nào khác? Hải tâm sự: “Em thấy trẻ em vùng cao nhem nhuốc, ít được học chữ. Nếu chúng có được đi học thì nhiều khi vẫn phải bỏ học giữa chừng để giúp gia đình đi nương. Rồi bố mẹ bắt lấy vợ, lấy chồng sớm để có thêm lao động trong nhà… Vì vậy mà em đã mong muốn trở thành thầy giáo góp một phần sức lực nhỏ bé của mình để nâng cao trình độ dân trí ở mảnh đất vùng cao khốn khó này”.
Năm 2002, tốt nghiệp THPT, năm đầu Bùi Thanh Hải thi vào trường Đại học Xã hội và nhân văn. Năm thứ hai thi trường Đại học Tây Bắc. Cả hai lần đều thiếu 1 điểm. Tuy vậy, Hải vẫn không nản lòng mà nỗ lực theo đuổi ước mơ của mình, năm 2005 cậu đã thi đỗ vào khoa văn, trường Cao đẳng Sư phạm Lào Cai. Nhận giấy báo, cả nhà niềm vui xen lẫn nỗi buồn. Vui mừng vì sự khát khao được làm thầy giáo của Hải bước đầu được thực hiện. Buồn và lo lắng vì sắp phải sống xa gia đình, ai sẽ chăm sóc.
Nghe mẹ kể như vậy thì Hải cười tươi nói: “Ngày đó em cũng sợ lắm. Liệu mình có thích nghi với cuộc sống tự lập không? Em đã giấu tất cả để nở nụ cười tươi động viên bố mẹ là con sẽ làm được. Bố mẹ hãy yên tâm và tin vào con trai. Em đã biết con đường mình đang đi sẽ đầy rẫy những khó khăn, vất vả. Nhưng mỗi khi nghĩ mình được đứng trên bục giảng thì em tự nhủ với bản thân phải cố gắng vượt qua…”. Đúng vậy, để trở thành thầy giáo, một người bình thường, lành lặn còn thấy khó, đằng này Hải là người tật nguyền, khiếm khuyết. Hải tâm đắc với một câu nói của nhà văn nào đó "Bản thân mình sẽ tự cô lập giữa cái thế giới mà mình đang sống", vì thế mà cậu nghĩ rằng mọi người làm được gì thì mình sẽ làm được cái đấy, không có thái độ ỷ lại và chán nản.
Lớp học vùng cao
Ba năm học đầy vất vả, cuối cùng Bùi Thanh Hải cũng tốt nghiệp với tấm bằng loại khá. Con đường đến với ước mơ của Hải đã tiến tới đích gần hơn. Cậu chuẩn bị những hành trang, yêu cầu của một giáo viên đứng lớp. Xe máy chưa biết chạy thì nhờ mọi người trong gia đình tập hộ để tự mình đi từ nhà tới trường. Nhiều lần ngã xuống thì Hải lại dựng lên đi tiếp. Phải luyện để viên phấn cầm trên tay viết bảng chắc và vững hơn không để rơi giữa chừng vì mỏi hai ngón tay. Kể cả ánh mắt học sinh sẽ nhìn thầy như thế nào, Hải cũng tính đến để rồi cậu tự nhủ rằng mình sẽ nói và tâm sự để học sinh hiểu và thông cảm cho thầy…
Tháng 8/2008, Phòng Giáo dục huyện Than Uyên đã tạo điều kiện tiếp nhận hồ sơ để Hải về công tác tại trường Tiểu học xã Tà Hừa. Năm học 2009 – 2010, Bùi Thanh Hải được về dạy ở trường THCS xã Mường Mít. Năm học tiếp theo, để thuận lợi cho thầy giáo Hải cùng với người vợ tương lai được dạy một trường thì Phòng Giáo dục đã sắp xếp để Hải về đứng lớp ở trường THCS xã Tà Mung. Công việc giờ cũng đã ổn định, khi nói chuyện với tôi, Bùi Thanh Hải không ngớt lời cảm ơn ngành, đồng nghiệp, học sinh đã hiểu, gần gũi và tạo mọi điều kiện cho mình hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trong những năm học vừa qua.
Về công tác tại trường THCS xã Tà Mung, thầy giáo Hải trăn trở trước cơ sở vật chất của trường còn khó khăn, thiếu thốn, phòng học tre nứa tạm bợ… vì vậy anh mong muốn ngôi trường bán trú mới đang xây dựng sớm hoàn thành để công tác dạy và học của thầy lẫn trò được đảm bảo tốt hơn. Ở Tà Mung đến mùa đông thì lạnh chẳng khác gì cao nguyên Sìn Hồ (Lai Châu), nên thầy cô trong trường đã cùng nhau vận động người thân ủng hộ quần áo ấm cũ để mang đến lớp phát cho học sinh tới trường giữa mùa đông giá rét.
Ngoài ra, thầy giáo Hải còn cảm hóa được một học sinh bỏ học đã lâu. Đó là trường hợp của em Giàng A Thái, dân tộc Thái, lớp 7 A. Em chán nên bỏ học, thường xuyên đi nương cùng gia đình. Các thầy cô phụ trách lớp năm trước đến vận động thì em vẫn không đi học đầy đủ. Đến khi thầy Hải về phụ trách chủ nhiệm thì thầy thường xuyên đến nhà em Giàng A Thái chơi và tâm sự. Học sinh cá biệt này đã nghe thầy Hải kể về mình và con đường gian nan để trở thành thầy giáo, cậu học trò cá biệt thấy khâm phục, tôn trọng thầy nên đã ra lớp học chăm chỉ.
Khi nói về đồng nghiệp của mình, thầy giáo Nguyễn Tấn Dũng, Hiệu trưởng trường THCS xã Tà Mung nói: Tuy mới về trường nhận công tác được một năm, với đôi tay tật nguyền nhưng thầy luôn kiên trì, cố gắng học hỏi để hoàn thành tốt công tác chuyên môn. Thầy Hải cũng là tấm gương vượt lên số phận để các em học sinh, giáo viên noi theo…
Hạnh phúc như liều thuốc quý…
Hạnh phúc thứ nhất là làm giáo viên dạy chữ cho trẻ em vùng cao đã thực hiện được; hạnh phúc thứ hai là lấy được một người vợ biết cảm thông, chia sẻ, ngoan hiền và yêu chồng hết mực. Vì thế, dù quãng đường từ nhà vào tới trường hơn 23km và hai phần ba đường là dốc, đá cấp phối rất khó đi, nhưng thầy Hải vẫn chở vợ sáng đi, chiều về; hai vợ chồng đã nở nụ cười tươi mãn nguyện với cuộc sống vốn có. Con đường để làm thầy giáo đã khó vô vàn, nhưng để có một người đồng cảm đem lòng yêu thương mình lại càng khó hơn. Yêu nhau rồi, để gia đình chấp nhận lại là một vấn đề không dễ dàng gì…
Nói về mối tình gian nan của mình, chị Đỗ Thị Hoài (26 tuổi) quê ở Lào Cai là vợ của thầy Hải cúi mặt lấy tay gạt nước mắt tâm sự: Khi chúng em về nhà ra mắt hai bên gia đình, bố mẹ anh Hải thì tỏ ra vui mừng và ủng hộ. Trái lại, bố mẹ em phản đối quyết liệt và đe dọa từ con nếu cố tình kết hôn. Gia đình nghĩ để con gái mình lấy một người tàn tật như vậy thì sẽ khổ, liệu cháu chắt sau này có mang di chứng giống bố nó không? Ai làm cha, làm mẹ trong hoàn cảnh này mà chẳng nghĩ như vậy. Em và anh Hải đã phải cầu xin bố mẹ chấp nhận: "Chúng con thương yêu nhau, chấp nhận lấy nhau làm vợ chồng, thì dù sướng hay khổ là do sự lựa chọn của con". Thấy con quyết tâm như vậy, nên bố mẹ em cũng đồng ý”.
Lễ cưới thật giản đơn nhưng hạnh phúc và ấm cúng giữa hai bên gia đình. Anh em, bạn bè đến chúc mừng cho đôi bạn trẻ.
Đã lấy nhau được gần ba năm và có một cậu con trai kháu khỉnh, mạnh khỏe, nhưng thầy Hải vẫn không tin được mình đã có một hạnh phúc trọn vẹn đến vậy, ngay cả trong mơ thầy cũng không dám nghĩ đến. Hoài là một cô gái trẻ trung, xinh đẹp, học giỏi, đã từ chối những chàng trai bảnh bao, giàu có để chấp nhận yêu Hải. Nhờ vào tình yêu thương, chăm sóc của Hoài mà Hải có thêm nghị lực để vượt qua những tháng ngày vất vả khi xa nhà, xa người thân. Thành công trên bước đường sự nghiệp của Hải không thể không nhắc tới bàn tay tần tảo của Hoài. Mối tình của Hải và Hoài như duyên nợ của ông trời sắp đặt trước, hai người cùng học một trường, cùng ở trong một xóm trọ. Hoài học trên một khóa, nhưng mỗi lần thấy Hải khó nhọc múc nước giếng tắm giặt, nấu ăn… thì Hoài cảm động và nói: "Để em giúp anh". Từ sự cảm thông, chia sẻ khó khăn trong cuộc sống hai người đã dành tình yêu cho nhau.
Nghe Hải kể cho tôi nghe về mối tình lúc còn sinh viên của hai người, Hoài ôm con mặt đỏ bừng có vẻ ngượng nghịu, còn Hải thì cười tủm tỉm nói: “Lúc lấy nhau rồi, em có hỏi Hoài, tại sao em lại yêu và đủ can đảm vượt qua dư luận của xã hội, sự cấm đoán của gia đình để lấy anh? Thì vợ em cũng chỉ trả lời, do em thấy thương anh. Ngày trước em có nghe những bài hát về người tàn tật và tham gia các chương trình chung tay hỗ trợ cho người khuyết tật, nên thấy anh cùng cảnh thì em thán phục và đem lòng yêu…”. Tình yêu thật giản dị, nhưng nó như một liều thuốc quý để giúp cho một người tàn tật có sức mạnh để ước mơ và vươn lên trong cuộc sống.
Theo Việt Hoàng
(tintuc)

Bình luận (0)