Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Thầy giáo – khâu then chốt của đổi mới toàn diện

Tạp Chí Giáo Dục

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển nói: Chúng ta đã qua một số lần đổi mới, cải cách GD nhưng trước tình hình hiện nay, đổi mới căn bản toàn diện GD là một nhu cầu thực tế. Nền GD của chúng ta vẫn còn hạn chế. Chất lượng GD chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội, nhất là chất lượng đào tạo của ĐH, GD nghề nghiệp. Nghị quyết TWII, khóa 8 đã đưa ra một số bức xúc, tiêu cực kéo dài trong thời gian qua nhưng vẫn chưa khắc phục được triệt để, thậm chí một số mặt còn nặng nề hơn. Bên cạnh đó, trong điều kiện phát triển kinh tế, xã hội, khoa học công nghệ hiện nay, một số chủ trương phù hợp với hoàn cảnh trước đây thì bây giờ đã lạc hậu. Mặt khác, tình hình mới cũng đòi hỏi, đặt ra yêu cầu mới với GD-ĐT nên chúng ta phải đổi mới. Đổi mới GD là đổi mới cả mục tiêu, nội dung, phương pháp GD cũng như phương pháp kiểm tra đánh giá. Chúng tôi xác định rằng đổi mới quản lý GD, phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý GD là yếu tố then chốt, nhưng cũng xác định đổi mới kiểm tra đánh giá là yếu tố đột phá.
PV: Đổi mới căn bản lần này được Bộ trưởng ví là trận đánh lớn. Kế hoạch ra trận của bộ như thế nào, thưa ông?
– Ngay  khi có nghị quyết, Bộ GD-ĐT đã tổ chức học tập nghị quyết này trong cơ quan của bộ, sắp tới sẽ phối hợp với các ngành, các địa phương quán triệt nghị quyết tới các tầng lớp xã hội nhân dân. Mặt khác bộ cũng tích cực tham mưu với Chính phủ, xây dựng chương trình, kế hoạch để được phê duyệt thực hiện nghị quyết. Tham mưu với Chính phủ, Quốc hội rà soát các văn bản để phù hợp với quan điểm, mục tiêu đổi mới GD-ĐT. Tổ chức triển khai thực hiện. Chúng ta xác định những vấn đề chung, những hướng đi lớn, sau đó  xác định vấn đề cụ thể. Tuy nhiên hiện nay nhiều hướng đi, nhiều chủ trương đã được xác định. Thực tế đã và đang triển khai đổi mới này.
Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý GD được coi là nhân tố quyết định thành công của đổi mới và là những người trực tiếp thực thi chương trình, sách giáo khoa mới, tuy nhiên, hiện nay đội ngũ này đang có nhiều khiếm khuyết và bất cập, vậy vấn đề này được quan tâm, giải quyết như thế nào?
– Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý GD phải phát triển cân đối về cơ cấu và đặc biệt là phải phát triển năng lực chuyên môn, hay chất lượng đội ngũ GV. Xưa nay chúng ta không có quy hoạch phát triển GD của từng địa phương nên cũng không có quy hoạch nguồn nhân lực GD. Đào tạo nhân lực GD khi thừa khi thiếu, chỗ thừa, chỗ thiếu, môn thiếu môn thừa. Giờ phải khắc phục điều này. Việc cần làm trước hết phải xây dựng quy hoạch đội ngũ nhà giáo để đảm bảo về số lượng cơ cấu, mặt khác chất lượng đội ngũ GV cần được nâng lên. Muốn vậy, phải đổi mới chương trình, kế hoạch đào tạo của các trường sư phạm, SV ra trường phải có chất lượng tốt ngay. Đội ngũ GV hiện tại cũng cần được tiếp tục đào tạo, đào tạo lại để họ đáp ứng yêu cầu của chương trình mới. Phải đổi mới cả cách thức đánh giá đội ngũ GV, đánh giá SV sư phạm theo hướng yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực của người GV tương lai. Mặt khác, phải đảm bảo chế độ chính sách, tạo điều kiện, động lực cho GV hoạt động. Chế độ chính sách cần thỏa đáng, cách đánh giá công bằng, khách quan, nhìn vào thực chất, chất lượng công việc của từng người, trên cơ sở đó để đánh giá, quy hoạch, bồi dưỡng, tôn vinh. Đối với những GV trẻ, nhất là giảng viên trẻ phải có chế độ chính sách để họ tiếp tục học tập, có nhà ở để nghiên cứu khoa học, phát triển năng lực nghề nghiệp. Cũng nên có cơ chế sàng lọc để những  người không đáp ứng yêu cầu thì bố trí công việc khác đưa ra khỏi ngành. Đồng thời với việc phát triển đội ngũ GV trong nước, cần khuyến khích đội ngũ nhà giáo là người Việt  đang ở nước ngoài có nhiều cơ hội tham gia cống hiến cho ngành GD, giảng dạy trong nước.
Đổi mới đội ngũ GV là khâu then chốt. Vậy đối với đội ngũ GV hiện nay, Thứ trưởng thấy yên tâm nhất vấn đề gì và lo lắng điều gì?
– Yên tâm nhất đó là đội ngũ GV của chúng ta nhiệt tình với nghề nghiệp, tận tụy với công việc, ý thức trách nhiệm cao và họ có đủ năng lực để thực hiện đổi mới. Nhưng tôi cũng lo nhất làm thế nào tạo được động lực để họ tích cực đổi mới. Về phía mình, Bộ GD-ĐT cũng phải tạo điều kiện để họ đổi mới. Nhưng chúng ta cần làm đồng bộ.
Bộ có dự kiến cần phải có đề án đổi mới sư phạm không, thưa ông?
– Chắc chắn sẽ có đề án về đổi mới sư phạm. Trong đó có việc quy hoạch lại chức năng nhiệm vụ của các trường, xác định trường trọng điểm, đào tạo đội ngũ GV như thế nào, đào tạo cấp nào. Đồng thời, nâng cao năng lực của các trường sư phạm: Năng lực đội ngũ giảng viên, năng lực cơ sở vật chất, năng lực đổi mới trong đó có việc làm thế nào để các trường sư phạm gắn với phổ thông hơn, để các trường này phát huy được đổi mới ở phổ thông và chương trình, sách giáo khoa.
Những lần đổi mới trước, nhiều người cho rằng hệ thống các trường sư phạm đứng ngoài cuộc. Lần này, theo ông, hệ thống các trường này vào cuộc như thế nào?
– Lần này chúng ta quan tâm hơn đến vai trò của các trường sư phạm đối với việc xây dựng chương trình, sách giáo khoa mới, với việc tập huấn bồi dưỡng GV, đào tạo GV mới. Tất cả đều có yêu cầu trường sư phạm phải vào cuộc chủ động hơn lần trước, tạo cơ chế trách nhiệm rõ hơn để các trường này đổi mới đồng hành cùng với phổ thông.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Nghiêm Huê (thực hiện)
LTS: Đầu tháng 11, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI (nghị quyết số 29-NQ/TW) với nội dung đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa – hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Có thể nói điều kiện đổi mới toàn diện giáo dục (GD), chấn hưng GD đã chín muồi. Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển, khâu đột phá trong quá trình đổi mới lần này chính là đổi mới kiểm tra đánh giá thi tuyển sinh. Khâu then chốt của quá trình này chính là đội ngũ cán bộ quản lý, đội ngũ nhà giáo.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)