Đất thép – Củ Chi vốn được mệnh danh là những vùng đất cằn cõi và một thời mang trong lòng nhiều bom đạn. Vậy mà, có những thầy giáo đã xua đi nỗi ám ảnh về những dải đất khô cằn, thiếu sức sống ấy thành những vườn lan xuân sắc, tràn đầy sức sống. Đó là Thầy Lê Đình Hoe (nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung), thầy Trần Quang Hùng (nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Củ Chi), thầy Nguyễn Văn Cải (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung) và thầy Nguyễn Hồng Quí (Trợ lý Thanh niên Trường THPT Quang Trung)…
Thầy Lê Đình Hoe, Trần Quang Hùng, Nguyễn Văn Cải (thứ tự từ trái qua) tại “vườn lan nhà khoai sắn” |
Khởi nghiệp khi về hưu
Không chỉ là người tận tâm vì học sinh nghèo qua công tác vận động xây dựng nhà tình thương và khuyến học khuyến tài tại huyện Củ Chi, thầy Lê Đình Hoe (nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung) còn được biết đến là người đã khởi xướng mô hình trồng hoa lan cắt cành trong giới nhà giáo ở địa phương. Vốn đam mê làm nông nghiệp, đồng thời nắm bắt xu thế làm nông nghiệp hiện đại ở đô thị như TP.HCM, nên thầy đã tìm tòi và học hỏi kinh nghiệm ở các hộ dân trồng lan địa phương và bắt đầu lập vườn từ năm 2010 ở xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi. Khởi nghiệp với 2.500 cây giống, thầy Hoe khi đó phải vay 200 triệu đồng từ ngân hàng để đầu tư.
Loại lan thầy Hoe trồng là hoa Mokara, phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng của vùng đất Củ Chi. Đây là loài lan đơn thân, thân hình trụ dài, hoa lưỡng tính đối xứng hai bên, có thể ra hoa quanh năm. Thời gian đầu tư với lượng giống lớn khiến thầy Hoe phải bán 500m2 đất vườn để trả nợ ngân hàng vì không kham nổi lãi suất. Từ bài học này, thầy đã rút được kinh nghiệm quý: “Trồng lan sẽ an toàn khi bắt đầu trồng số lượng ít, rồi nhân giống dần dần”, thầy Hoe đúc kết. Nhờ trải qua những thất bại, khó khăn thầy đã rút ra được kinh nghiệm. Đồng thời thầy không ngừng tìm kiến thức trên Internet, các nhà vườn trồng lan trong và ngoài địa phương. Vì vậy đến nay vườn lan của thầy Hoe đã phát triển lên đến 4.500 gốc.
Nhận thấy đây là một mô hình kinh tế nông nghiệp “thời thượng” và có nhiều tiềm năng, thầy Hoe đã khuyến khích đồng nghiệp và cả học trò của mình cùng nhau lập vườn trồng loại hoa có giá trị kinh tế cao này. Trong số đó có thầy Trần Quang Hùng (nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Củ Chi). Thầy Hùng thổ lộ: “Người đồng nghiệp tốt bụng đã tích cực hướng dẫn từ việc thiết kế vườn, hỗ trợ cây giống cũng như kinh nghiệm chăm sóc, nên cuộc sống của tôi khi nghỉ hưu (năm 2014) thoát được cảnh buồn tẻ, cùng với đó là kinh tế gia đình cũng có đồng vô đồng ra”. Với vườn lan 2.500 cây, niềm vui mỗi ngày của thầy Hùng thật đơn giản: “Ngày nào cũng vậy, tôi tưới vườn hoa 2 lần, 7 ngày xịt phân bón cho cây một lần và thu hoạch những cành hoa tươi tắn, rực rỡ màu sắc mỗi tuần. Sau khi hoàn thành công tác “trồng người”, thật thú vị khi được hàng ngày tiếp tục những công việc để làm đẹp cho đời”, thầy Hùng chia sẻ.
Những học trò tiếp bước
Là học trò của thầy Lê Đình Hoe và thầy Trần Quang Hùng thời THPT, thầy Nguyễn Văn Cải (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung) là một trong những học trò đầu tiên về “lớp học trồng lan” của thầy giáo cũ. Được thầy Hoe khuyến khích và hỗ trợ tận tình, thầy Cải đã mạnh dạn vay vốn đầu tư xây dựng vườn lan trên mảnh đất của ông bà để lại ở xã Trung Lập Hạ, huyện Củ Chi. “Ngay từ những ngày đầu tiên, thầy Hoe đã túc trực hỗ trợ “từ A tới Z”, từ khâu thiết kế hạ tầng kỹ thuật cho vườn, hướng dẫn trồng cây mẫu, cũng như kỹ thuật chăm sóc cho đến ngày vườn lan bắt đầu đơm bông. Không chỉ vậy, thầy Trần Quang Hùng cũng hỗ trợ 120 cây giống và thường xuyên đến thăm vườn và động viên học trò…”, thầy Cải nhớ lại.
Nổi tiếng là tấm gương vượt khó, học giỏi khi còn ngồi trên ghế nhà trường, là một trong 5 công dân trẻ tiêu biểu nhất của TP năm 2011, nên quyết tâm cải thiện kinh tế gia đình bằng mô hình trồng lan của thầy Cải đã được Trạm Khuyến nông huyện Củ Chi nhiệt liệt ủng hộ và hỗ trợ 925 cây giống từ những ngày đầu mới “khởi nghiệp”. Được các thầy đồng hành xuyên suốt, sự quan tâm đặc biệt của địa phương, sự nỗ lực của vợ chồng thầy Cải đã tạo nên thương hiệu “Vườn lan nhà khoai sắn”. Vườn lan này không chỉ là nơi chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt, cung cấp nguồn hoa, nguồn giống uy tín cho khách hàng, mà còn được Trung tâm Khuyến nông TP.HCM chọn là “Mô hình trình diễn kỹ thuật trồng hoa lan Mokara cắt cành” năm 2015-2016. Đồng thời đây cũng là địa chỉ quen thuộc để học trò, đồng nghiệp, bạn bè, các đoàn khách của thành phố hoặc các tỉnh, thành từ Nam chí Bắc đến tham quan, học hỏi. Đến nay, vườn lan của thầy Cải với quy mô 3.500 cây lan cắt cành và 1.000 lan chậu (trong đó có loại có giá trị như lan Hồ điệp).
Năm 2014, thầy Nguyễn Hồng Quí (Trợ lý Thanh niên Trường THPT Quang Trung) cũng được các thầy tiền bối trồng lan hỗ trợ khởi nghiệp. Đến nay, thầy Quí hiện đang sở hữu với 2.000 gốc lan cắt cành. Học hỏi kinh nghiệm từ thầy Hoe, thầy Quí đã có một khởi đầu an toàn từ 500 cây giống, được Trạm Khuyến nông huyện Củ Chi tài trợ thêm 500 cây và sau đó thầy kiên nhẫn nhân giống dần dần. Theo thầy Quí, lan Mokara cắt cành khi đã ra hoa, thì từ năm thứ 2 – 3 trở đi là lúc cây cho nguồn thu nhập cao.
Lan tỏa sắc hương
Nghề dạy nghề, kinh nghiệm tiếp nối kinh nghiệm, sẻ chia tất cả những gì mình có là tâm niệm của những thầy giáo trồng hoa lan trên vùng đất thép cằn cõi nhiều bom đạn. Đó là lý do các thầy gặp gỡ nhau thường xuyên ở hội trồng hoa lan để trao đổi kinh nghiệm và cùng giúp nhau phát triển. Không chỉ hỗ trợ cho đồng nghiệp và học trò, thầy Lê Đình Hoe còn nhiệt tình hướng dẫn cho tất cả những người có nhu cầu tìm đến thầy. Như hôm chúng tôi đến, thầy đang trực tiếp giúp cho một hộ dân trồng 1.500 gốc lan Mokara. “Bất kỳ ai cần, tôi cũng sẽ giúp để người trồng lan làm sao đạt được hiệu quả tốt, góp phần tạo thêm việc làm và thu nhập cho gia đình họ”, thầy Hoe bộc bạch. Quy mô trồng lan cắt cành ngày càng được nhân rộng đồng nghĩa với nguồn cung cấp giống hoa lan địa phương ngày càng dồi dào hơn. Trước đây, các vườn lan chủ yếu nhập giống từ Thái Lan, có khả năng kháng bệnh thấp, dễ bị hư khi trồng, sinh trưởng kém, phải mất đến 3 tháng cây giống mới “tỉnh” và bắt đầu phát triển. Trong khi nguồn lan giống của địa phương rất nhanh thích ứng và phát triển mạnh mẽ.
Thầy giáo Cải bên vườn lan nhà mình |
Học theo thầy mình, thầy Quí cũng luôn sẵn sàng chia sẻ tất cả những kiến thức mình đã tích lũy cho những ai đã tìm đến thăm.
Không chỉ là nơi chia sẻ kinh nghiệm trồng lan hiệu quả, các thầy giáo trồng lan trên Đất thép luôn nhiệt thành chào đón các đoàn khách tham quan xa gần. Vườn lan của thầy Cải còn trở thành “điểm hẹn cuối tuần” lý tưởng của đồng nghiệp, bạn bè, học trò sau những giờ học tập, làm việc tất bật. Những nhành hoa tươi thắm, rực rỡ sắc màu góp thêm phần trang trọng, ấm cúng cho không gian của gia đình khi nhà có đám tiệc hoặc lễ Tết. “Mong rằng vườn lan của gia đình mình sẽ là nơi kết nối bạn bè khắp nơi và cả những mạnh thường quân, để có thể chung tay vì học sinh nghèo quê mình. Giúp các em có điều kiện đến trường và có cuộc sống tốt đẹp hơn”, thầy Cải mong ước.
Bích Vân
Bình luận (0)