Hỏi thành tích của “lò” cầu lông nghiệp dư ở thôn Cầu Chính (Lạng Giang, Bắc Giang), chủ “lò” Phạm Văn Ngũ lẩm nhẩm rồi lắc đầu hỉ hả: “Nói về huy chương, chúng tôi chỉ tính bằng… thúng!”.
Nhắc đến phong trào cầu lông tỉnh Bắc Giang, giới cầu lông cả nước nhiều người biết đến bởi những thành tích ấn tượng trong các giải thi đấu toàn quốc. Nhưng lại rất ít người biết đến một “lò” đào tạo cầu lông nghiệp dư của một người lính xuất ngũ, nơi đã cung cấp hầu hết những tay vợt cho đội tuyển cầu lông tỉnh nhà và nhiều tay vợt cho đội tuyển quốc gia.
Thầy dạy các “siêu nhí” nhà quê gặt hái thành quả
Cách thành phố Bắc Giang chỉ chừng 3km, điều làm chúng tôi ngạc nhiên là nằm ngay sát đường quốc lộ, nhưng thôn Cầu Chính vẫn còn nguyên vẹn của một làng quê thuần nông. Muốn vào làng từ đường lớn, chỉ có duy nhất một con đường nhỏ, nhìn cả làng như một ốc đảo giữa cánh đồng rau xanh bạt ngàn.
Cầu Chính là một làng công giáo và là làng công giáo duy nhất của huyện Lạng Giang được tỉnh Bắc Giang công nhận là làng văn hóa cấp tỉnh. Chúng tôi đến câu lạc bộ cầu lông của anh Phạm Văn Ngũ vào buổi chiều giao mùa Xuân – Hè. Gió từ cánh đồng thổi lộng vào từng ngõ xóm. Từ ngoài cổng đã nghe thấy tiếng anh giảng bài oang oang, tiếng lanh lảnh đọc bài của các em học trò nhí. Phải đợi chừng hơn nửa tiếng đồng hồ, sau khi anh kết thúc lớp học, chúng tôi mới được anh hồ hởi đón tiếp.
Một góc huy chương các loại mà các "siêu nhí" tại "lò" anh Ngũ giành được. (Ảnh: Thế Cường)
|
Sinh năm 1960, anh lớn lên như bao chàng trai khác trong một làng quê yên ả. Năm 1978, trước lời kêu gọi của tổ quốc anh lên đường nhập ngũ, thuộc trung đoàn 199, đóng tại Lạng Sơn. Hơn 5 năm binh lửa chiến trường, anh xuất ngũ về quê.
Kế thừa tinh thần người lính, anh tham gia ngay vào công tác địa phương. Đến năm 1989, với khao khát từ đam mê của mình, anh mở một lớp nghiệp dư huấn luyện môn thể thao cầu lông cho các em nhỏ trong làng.
Chia sẻ với chúng tôi, anh tâm sự: “Tôi có một niềm đam mê kì lạ riêng với môn Cầu lông. Trong một lần nói chuyện, vô tình được người anh em họ làm việc trong Sở Thể dục Thể thao tỉnh động viên và giúp đỡ tài liệu, tôi nảy ra ý tưởng mở lớp dạy cầu lông cho các em nhỏ từ đó”.
Ngay từ khi thành lập, lớp của anh luôn có trên 10 cháu học viên được chọn lọc hợp lý về mặt thể lực. Sau gần chục năm hoạt động, năm 1998, câu lạc bộ cầu lông của anh ghi dấu bằng một huy chương đồng của em Hà Thị Thảo trong giải đấu thiếu niên nhi đồng toàn quốc.
Liên tục những năm sau đó, câu lạc bộ của anh đều đặn đạt những giải cao và là nguồn cung cấp chủ yếu các vận động viên trẻ cho đội tuyển tỉnh nhà và đội tuyển quốc gia.
Trong quyển sổ nhỏ của anh ghi lại kỹ lưỡng những thành tích của câu lạc bộ, dày chừng gần chục trang giấy: Giải thiếu niên nhi đồng toàn quốc năm 2001: Yến HCV đôi, HCB đơn, Thảo HCV đơn, HCB đôi. Giải học sinh cấp II toàn quốc 2002: Yến HCV đơn nữ. Giải các cây vợt trẻ xuất sắc toàn quốc 2003: Thảo HCĐ đơn nữ. Giải Péc – Ti – Van 2003: Giang HCV đơn nữ..
Với những đóng góp đáng kể, CLB nghiệp dư cầu lông của anh đã được nhận bằng khen của LĐ Cầu lông VN. |
Nhìn cuốn sổ, chúng tôi choáng ngợp bởi cả chục trang giấy thấy đủ các loại huy chương trong các cuộc thi lớn nhỏ. Hỏi tất cả thành tích của “lò” mình, anh lẩm nhẩm tính rồi lắc đầu, hỉ hả: “Nói về huy chương, chúng tôi chỉ có tính bằng… thúng”.
Hiện nay, câu lạc bộ của anh đang có 25 em theo học. Hầu hết các cháu trong làng có nhu cầu anh đều nhận. Tuy nhiên, là một câu lạc bộ tự phát nên “lò” của anh còn gặp rất nhiều khó khăn về vật chất. Khoảng 3 năm trở lại đây, câu lạc bộ có nhận được sự hỗ trợ của Sở TDTT với số tiền 450 ngàn đồng cho mỗi năm, số tiền đó là nguồn động viên rất quý nhưng thực sự chưa thấm tháp vào đâu so với nhu cầu thực tế.
Với những cống hiến thầm lặng, đầy đam mê của mình, câu lạc bộ cầu lông của anh đã vinh dự được nhận bằng khen của Thủ tướng Phan Văn Khải ký tặng năm 2006.
Thầy giáo làng mấy chục năm dạy “chay”
Ngay từ khi thành lập câu lạc bộ, “lò” cầu lông của anh Phạm Văn Ngũ đã kết hợp song song với việc dạy văn hóa cho các cháu nhỏ, anh tự mình làm thầy giáo làng bất đắc dĩ. Và tất cả gần như miễn phí.
Anh tâm sự: “Hầu hết các cháu đều ở quanh làng, hoàn cảnh rất khó khăn. Hơn nữa, nhiều cháu trên lớp là học sinh cá biệt, có khi thầy cô cũng “bó tay”. Hơn nữa, người ta vẫn bảo thể thao giỏi đồng nghĩa với việc học dốt. Tôi quyết tâm vừa dạy cầu lông, vừa dạy văn hóa cho các cháu với phương châm: “Thể thao tốt, văn hóa giỏi”.
Mô hình đào tạo của anh như sau, những cháu nào sáng học văn hóa tại trường thì chiều học cầu lông. Cháu nào chiều học văn hóa tại trường thì sáng tập cầu lông. Riêng thứ 7, chủ nhật các cháu sáng học văn hóa và chiều tập cầu lông.
Những học sinh cá biệt “qua tay” anh đều trở nên ngoan ngoãn, trong đó có nhiều em đã trở thành học sinh khá giỏi. Hỏi về bí quyết rèn người, anh mỉm cười chia sẻ: “Tôi chẳng có bí quyết gì đặc biệt cả. Những cháu đến chỗ tôi đều phải học lễ nghĩa trước, học chữ sau. Đã học là phải nghiêm túc, không đến muộn, phải làm đầy đủ bài tập”.
Thay cho tiền học phí, mỗi tháng anh chỉ thu của mỗi em tiền quả cầu phục vụ cho các em tập luyện bộ môn này.
Tiếp xúc với chúng tôi, ông Nguyễn Sơn Hà – Phó Chủ tịch UBND xã Tân Dĩnh – cho biết: “Địa phương chúng tôi còn nhiều khó khăn trong giáo dục vì thế, chúng tôi rất chú trọng động viên tinh thần, tạo điều kiện cho câu lạc bộ tham gia các cuộc thi và cố gắng giúp đỡ câu lạc bộ phần nào về mặt vật chất”.
Những người dân làng Cầu Chính bây giờ đã quen với cảnh anh Ngũ dẫn đầu hàng chục cháu thiếu nhi chạy thể dục buổi sáng. Bao kiện tướng cầu lông đã ra đời, bao mầm non được uốn nắn nên người từ “lò luyện chân đất” giản dị ấy của anh.
Thế Cường (Dan tri)
Bình luận (0)