Rời bục giảng, anh Hồ Việt chuyển nghề làm du lịch cộng đồng. Trải qua những khó khăn, anh đã có thu nhập cho bản thân anh và việc làm cho bà con ở địa phương.
Anh Hồ Việt (40 tuổi, huyện Đăk Hà, Kon Tum) đã có hành trình "gieo chữ" suốt 13 năm ở khắp các điểm trường khó khăn tại tỉnh Kon Tum. Đến năm 2020, anh đã quyết định xin thôi việc để thực hiện ước mơ xây dựng trang trại du lịch ngay tại Đăk Hà.
Rời bục giảng, thầy giáo xây dựng điểm du lịch cộng đồng Kon Trang Long Loi.
Theo đó, sau khi rời bục giảng, anh Việt trở về quê nhà đã bắt tay vào xây dựng mô hình du lịch cộng đồng ở làng Kon Trang Long Loi (huyện Đăk Hà, Kon Tum).
Theo anh Việt, vùng đất này đa số là người đồng bào Ba Na. Nhiều nét đặc thù riêng về kiến trúc và những giá trị văn hóa truyền thống còn được bảo tồn trong sinh hoạt cộng đồng.
Chính vì vậy, anh muốn duy trì, phục dựng lại những nét văn hóa và xây dựng một không gian bình yên cho du khách nghỉ ngơi sau tuần làm việc mệt mỏi.
Tận dụng những thứ sẵn có, anh Việt đã tạo nên một khung cảnh tự nhiên, yên tĩnh cho du khách dịp cuối tuần.
"Hai vợ chồng tôi đều là họa sĩ. Chính vì vậy, tôi đã lên ý tưởng làm du lịch cộng đồng. Ngoài lựa chọn phong cách phù hợp với văn hóa đồng bào, tôi cũng dựa vào sự thuận lợi vào thiên nhiên ban tặng và hoàn cảnh mình đang có. Cứ như vậy mà việc xây dựng điểm du lịch được thuận lợi, dễ dàng hơn", anh Việt cho hay.
Anh Hồ Việt – Chủ điểm du lịch cộng đồng Kon Trang Long Loi.
Sau một thời gian xây dựng ý tưởng, anh Việt đã bắt tay vào xây dựng trang trại du lịch rộng 3.500m2. Để xây dựng, tạo hình thù cho điểm du lịch, anh Việt tận dụng những chất liệu sẵn có, xây dựng thêm mô hình, tiểu cảnh.
Cảnh vật khiến du khách nhớ mỗi khi tham quan dịp cuối tuần.
Mảnh đất mà anh Việt xây dựng khu du lịch nằm bên hồ thủy điện Plei Krông. Mỗi mùa lũ, lòng hồ thủy điện lại kéo về những loại củi tổng hợp, nhành cây đủ loại… Anh đã vớt củi, nhành cây ấy tận dụng trang trí khuôn viên cùng với việc trồng các loài hoa bình dị như đỗ mai, sao nhái, hoa gạo.
Ngoài việc phát triển tiềm năng sẵn có của địa phương, anh Việt mong muốn cùng với người dân làng Kon Trang Long Loi phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống.
Theo đó, anh đã hướng dẫn, tuyển dụng bà con đồng bào làm dịch vụ du lịch, giúp bà con có thu nhập ổn định.
Không gian được người dân làm nơi tổ chức các chương trình âm nhạc, hoạt động cắm trại
Chị Y Le – lao động thường xuyên tại điểm du lịch vườn hoa Kon Trang Long Loi – cho biết, du lịch cộng đồng đã mang lại việc làm, thu nhập và nhiều niềm vui cho dân làng, nhất là trong những dịp lễ, tết.
"Từ khi có du lịch cộng đồng, bà con có công ăn việc làm. Bà con tích cực, nhiệt tình tham gia hoạt động đón, phục vụ khách du lịch. Các lễ hội, sự kiện có người già, người trẻ, con trai, con gái cũng tham gia rất đầy đủ. Nhờ có thu nhập từ du lịch cộng đồng, bà con rất phấn khởi, cuộc sống gia đình đỡ hơn", chị Y Le nói thêm.
Người dân cũng thường ra dựng trại, đốt lửa dịp cuối tuần
Theo thống kê, năm 2020, điểm du lịch đón nhận 18.000 lượt khách. Năm 2021 đón 23.000 lượt và năm 2022 đón 30.000 lượt khách. Từ ngôi làng trước đây có thể coi là "khỉ ho, cò gáy", giờ đã được khách du lịch khắp nơi check-in.
Các công trình được tạo đơn sơ, giản dị mang nét văn hóa của người bản địa.
Với nguồn thu nhập từ việc làm du lịch và bán tranh, anh Việt dành một phần mua sách, vở, cặp bút cho trẻ em nghèo và nhu yếu phẩm gửi cho gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
NN (theo dantri)
Bình luận (0)