Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Thầy giáo “quân hàm xanh” đứng lớp

Tạp Chí Giáo Dục

Thầy giáo “quân hàm xanh” Đồn biên phòng 669 dạy các em học chữ

Những người lính “quân hàm xanh” ở Đồn biên phòng 669, Bộ đội biên phòng Kon Tum đã mở 35 lớp học, xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học cho trên 1.000 học sinh thuộc xã vùng cao Đăk Nhoong, huyện Đăk Glei.  Không chỉ mang “cái chữ” về cho đồng bào dân tộc Giẻ Triêng ở nơi đây, họ còn góp sức tạo nên diện mạo mới cho cuộc sống người dân trên dải đất biên giới thiêng liêng.
1. Là xã biên giới giáp với nước bạn Lào, Đăk Nhoong có hơn 300 hộ, gần 1.600 nhân khẩu dân tộc Giẻ Triêng sống rải rác ở bảy làng, địa hình cách trở, đời sống khó khăn, người mù chữ chiếm hơn 90% dân số.  Nguyên đồn trưởng, Trung tá Nguyễn Ngọc Lệ nhớ lại, bắt đầu từ năm 1993 được Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh đồng ý, sau nhiều lần bàn bạc với dân, lãnh đạo Đồn biên phòng 669 đã ra nghị quyết chuyên đề “xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học cho nhân dân Đăk Nhoong”, coi đây là nhiệm vụ chính trị cấp bách trong công tác dân vận, là khâu đột phá giúp cho xã có sự phát triển kinh tế – xã hội ở mức cao hơn. 12 đoàn viên và đảng viên trẻ đã tốt nghiệp phổ thông trung học và biết tiếng Giẻ Triêng được biệt phái vào “Đội vận động quần chúng” do Trung úy Trần Quốc Tuấn, Bí thư Chi đoàn làm đội trưởng, được giao nhiệm vụ dạy học cùng với tổ chức sản xuất và đời sống cho dân. Các tổ công tác xuống từng làng tuyên truyền, vận động bà con đăng ký đi học chữ, giúp nhân dân xây dựng 5 phòng học, đóng mới 100 bộ bàn ghế, 5 bảng đen và các nhu cầu khác phục vụ cho việc khai giảng lớp học đầu tiên.  Ngày khai trường năm ấy diễn ra như ngày hội lớn, một sự kiện chưa bao giờ có ở chốn thâm u giữa núi rừng Tây Nguyên này, gia đình nào cũng có người đến lớp…
2. Mở được lớp đã là khó, việc duy trì và phát triển số học viên lại càng khó gấp bội.  Đội trưởng Trần Quốc Tuấn kể, thời kỳ đầu số học viên bỏ học quá nhiều, hỏi vì sao thì học sinh nói rằng: “Tao cũng muốn đi học nhưng cha mẹ không cho đi, bắt tao làm rẫy, đi đào củ, hái rau để lấy cái ăn…”.  Thế là cán bộ, chiến sĩ của đồn lại đến từng nhà những người bỏ học để  nói với dân rằng: “Phải có cái chữ thì làm lúa mới nhiều bông, bắp mới nhiều hạt, mới biết cách đưa điện về làng, có chữ thì không nghèo đói nữa…”.  Nghe ra họ lại rủ nhau đến lớp. 
Để không mất học sinh những người lính phải ngày đêm bám dân, bám lớp, tất cả phải thực hiện triệt để ba cùng: cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con buôn làng. Khi lên rẫy, lúc dựng nhà, làm nương, khi chung vui bên ché rượu cần… cán bộ và chiến sĩ đều hướng vào mục tiêu giáo dục dân làng duy trì việc học hành.  Cả xã có bảy làng, làng xa nhất phải một ngày đường đi bộ.  Mỗi chiến sĩ – thầy giáo được giao nhiệm vụ phụ trách “chủ nhiệm” lớp của một làng.  Nhưng có lẽ vất vả nhất và cũng nhiều kỷ niệm hơn cả vẫn là Thiếu úy Đặng Trung Trực, phụ trách cụm làng Roóc Met – Roóc Mầm; Trung úy Nguyễn Văn Minh, làng xa nhất Đăk Nớ Pin… Cứ mỗi tháng một lần, các anh từ làng trở về đồn báo cáo diễn biến học tập và tình hình quần chúng nơi mình phụ trách. Có nhiều lúc học sinh sốt, anh em phải thay nhau cõng về đồn điều trị.  Lại còn chuyện hai chiến sĩ Nguyễn Quốc Tuấn và Nguyễn Văn Long trên đường đến lớp, khi đi qua rẫy nghe tiếng khóc của trẻ con và tiếng rên của phụ nữ, các anh tìm đến thấy người mẹ trẻ vừa đẻ xong đứa con trai ở ngoài rừng, người mẹ đã đuối sức, họ phải cõng ngay về đồn cứu chữa qua cơn nguy biến.  Có những chiến sĩ suốt ba tháng liền, mỗi ngày phải đảm nhận ba lớp: sáng lớp 1, chiều lớp 3, tối lớp xóa mù chữ.  Chính sự kiên trì hết lòng với cuộc sống của dân đã khiến bà con coi chiến sĩ biên phòng như những người con thân yêu nhất của buôn làng.
3. Song song với nhiệm vụ dạy chữ, đơn vị còn tổ chức xây dựng điểm sáng văn hóa, phát triển kinh tế – xã hội, Bộ Chỉ huy biên phòng tỉnh đã đầu tư 2 tỷ 289 triệu đồng giúp xã thực hiện định canh định cư cho 259 hộ, làm mới 20km đường liên xã, xây dựng hai trường kiên cố tại làng Đăk Ung cụm Roóc Mầm, Roóc Mẹt, xây dựng 3 công trình nước sạch, 2 đập thủy lợi và trồng 57ha cây ăn quả… Với những mô hình kinh tế trang trại đang phôi thai trên mảnh đất này, vùng cao biên giới Đăk Nhoong đang đổi thịt thay da, diện tích lúa nước được mở rộng theo từng năm, cơ cấu vật nuôi cây trồng được chuyển đổi đúng hướng, người ốm đau đã biết đến trạm y tế dùng thuốc chữa bệnh, phụ nữ hết cảnh sinh con ngoài rẫy… nhân dân càng phấn khởi, gắn bó cùng Bộ đội biên phòng tham gia xây dựng bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới. Suốt những năm qua, địa bàn dọc chiều dài biên giới giáp với nước bạn Lào dài 35 cây số do đồn quản lý luôn ổn định, đoàn kết thủy chung. Mối quan hệ quân dân ngày thêm bền chặt, cùng nhau bảo vệ, xây dựng vững chắc vùng biên giới thiêng liêng của Tổ quốc.
Đêm nay, chúng tôi chung vui với thanh niên Đăk Nhoong. Già, trẻ, gái, trai quây quần dưới ánh trăng tỏa sáng. Bên những ché rượu ghè nồng ấm, tất cả đều say sưa trong tiếng cồng chiêng rộn rã hòa cùng tiếng suối reo trong vòng xoang rộng mở, gọi cả buôn làng vào ngày hội lớn. Một vùng quê đang hối hả trên bước đường đổi mới, Bộ đội biên phòng với nhân dân Đăk Nhoong như quyện chặt trong mối tình quân dân nồng ấm, tất cả vì cuộc sống bình yên và no ấm trên vùng biên giới thiêng liêng.
Bài, ảnh: Lê Đình Đanh

Bình luận (0)