Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Thầy giáo tật nguyền rèn học sinh viết đẹp bằng… miệng

Tạp Chí Giáo Dục

Không ai nghĩ rằng chàng trai khuyết tật này lại có thể tự mình cầm bút bằng miệng. Không chỉ thế, suốt 4 năm qua thầy Phùng Văn Trường còn mở lớp học miễn phí cho hàng chục em học trò ở thôn Nhân Lý, Xã Nam Phương Tiến, Chương Mỹ, Hà Nội.

“Lớp học nhân ái” là cách mà những người dân thôn Nhân Lý đặt cho lớp học viết chữ đẹp của thầy giáo Trường. Nhắc đến anh Phùng Văn Trường (thôn Nhân Lý – xã Nam Phương Tiến – Chương Mỹ, Hà Nội) ai cũng hết lòng khen ngợi và khâm phục.

Không chỉ bởi anh Trường biết vượt qua tật nguyền để sống thành người có ích mà còn làm được những việc ít ai có thể làm được: Viết chữ bằng miệng và dạy đám trẻ viết chữ đẹp như in.

Sau mỗi giờ học ở trường các em nhỏ lại tập hợp về nhà Trường để anh dạy đọc, luyện chữ, học toán. Lớp học của thầy Trường không phân biệt độ tuổi, không phân biệt thời gian, không phân biệt gia cảnh. Bất cứ em nào có tinh thần học, ham học thầy đều nhận vào lớp.

Được biết, hầu hết hơn chục học sinh thầy Trường đang dạy ở đây đều là các em học sinh đang học tiểu học ở xã và các em học sinh đều được cha mẹ gửi gắm để thầy rèn chữ.

Khi được hỏi về lớp học nhân ái, anh Trường chia sẻ: “Học trò đều là người làng xóm cả, hơn nữa tôi muốn làm việc gì đó có ích và muốn bọn trẻ nhìn vào gương của mình mà phấn đấu thành người có ích nên tôi cảm thấy hạnh phúc khi hàng ngày bọn trẻ lại đến với tôi”.

Có mặt trong lớp học, thầy Trường dù phải ngồi trên chiếc xe lăn nhưng miệng ngậm chiếc bút và viết chữ một cách thành thạo, nhanh nhẹn, thậm chí nét chữ còn đẹp hơn rất nhiều người.

Tuy khuyết tật nhưng thầy luôn biết cách chăm chút cho học trò của mình. Trong giờ học chốc chốc thầy lại để ý đến nhóm học trò đang theo học lớp 1 luyện chữ, chốc, rồi lại qua theo dõi nhóm đang làm toán lớp 3…

 

Dù học trò đang theo học ở nhiều lớp nhưng thầy luôn biết cách dạy để các em có thể tiếp thu được kiến thức một cách tốt nhất.

Mười đứa trẻ, đứa nhỏ nhất vừa vào lớp 1, lớn nhất đang học lớp 5 nắn nót từng chữ một theo hướng dẫn của thầy. Không giống như những lớp học viết chữ đẹp khác, thầy giáo là người nắm tay, nắn từng nét chữ cho trò thì ở đây, thầy Trường lại “nắn chữ” bằng… miệng. Thầy dùng lời để hướng dẫn các trò viết theo các đường nét, còn chữ viết mẫu, thầy dùng… miệng để viết.

 

Những nét chữ như phượng múa rồng bay trên trang giấy, khiến ai cũng ngạc nhiên, trầm trồ. Bởi đôi tay thầy đã không thể cầm nắm, đôi chân thầy đã bại liệt hoàn toàn. “Tôi không chỉ muốn dạy chữ cho các cháu mà còn dạy đức tính kiên trì, nghị lực vươn lên trong các nghịch cảnh của cuộc sống”, thầy Trường tâm niệm.

Em Ngô Phương Huyền (học sinh lớp 3, trường Tiểu học Nam Phương Tiến) đã học ở lớp học thầy Trường được 1 năm. Huyền vốn thông minh nhưng ham chơi, đặc biệt là viết chữ rất cẩu thả. Thầy Trường thấy thế, vận động bố mẹ đưa con sang học để thầy “rèn chữ”.

Mới đầu, bắt cô bé ngồi vào bàn và nắn nót từng chữ một là việc rất khó khăn. Để nhắc cháu phải uốn lượn từng đường nét, thầy giáo ngậm bút viết chữ, còn trò thì cầm bút viết theo. Cách cầm bút và tư thế ngồi học, thầy Trường cũng phải nhắc nhở.

“Ban đầu, cháu tỏ ra rất khó chịu. Mấy hôm đầu, Huyền còn không dám đến lớp gặp thầy. Nhưng dần dần, tôi dạy cháu sự kiên nhẫn trong từng nét bút, nét chữ của Huyền cũng khá lên trông thấy”.

Một năm nay, cuối tuần nào, Huyền cũng có mặt ở lớp học sớm nhất . “Cháu thích đến học thầy Trường vì thầy giỏi mà còn không mắng học trò khi viết xấu. Giờ chơi, thầy kể cho cháu nghe nhiều câu chuyện hay. Thỉnh thoảng, cháu mang toán sang nhờ thầy giảng bài giúp. Năm ngoái, cháu còn được học sinh giỏi trường”, Huyền cười khi nhắc đến kết quả mình đã đạt được nhờ sự giúp đỡ của thầy Trường.

 

Chia sẻ với chúng tôi, Bà Lê Thị Nguyệt kể: “Nhà tôi có hai đứa cháu, cả hai đứa đều đến nhà thầy Trường học. Nhờ sự dạy dỗ của thầy, chúng học giỏi hơn. Ở làng này, hầu hết các cháu học sinh đều được cha mẹ đưa đến đây luyện chữ và học theo gương sáng từ thầy Trường…”.

Không dừng lại ở luyện chữ, giờ đây, thầy còn giảng dạy những kiến thức về toán học, địa lý, xã hội và kỹ năng sống, nên lượng học sinh đến nhà thầy mỗi ngày một đông.

Trong tâm trí của người thầy khuyết tật ấy luôn ấp ủ ngày nào đó mở được một lớp học khang trang, để tiếp nhận nhiều hơn các em học sinh, đặc biệt là các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn như anh. Với những học sinh đó, anh không chỉ miễn phí tiền học, mà còn tạo điều kiện để chăm lo cho cuộc sống của các em.

Vượt lên tất cả, dù không lấy mình là tấm gương cho các cháu học sinh noi theo, nhưng trong mỗi bài học, anh đều cố gắng truyền nhiệt huyết, lòng ham mê, ý chí vượt khó cho học trò.

Mỗi khi có học sinh chểnh mảng bài vở, học hành, anh lại nhẹ nhàng: “Các cháu sinh ra may mắn hơn bác và hơn nhiều người. Các cháu được đầy đủ nên phải gắng học hành cho tốt, viết chữ phải đẹp, học hành phải chăm ngoan hơn. Bác viết chữ bằng miệng mà đẹp như thế này, các cháu đầy đủ chân tay mà viết chữ xấu thế kia. Các cháu phải cố gắng. Bác làm được như thế này là nhờ vào nghị lực của bác, không phải tự nhiên mà có…”.

Tiễn chúng tôi về, khi hỏi về ước mơ của mình, anh Trường nở nụ cười lạc quan nói: “Dù bị tật từ nhỏ, nhưng bản thân tôi chưa từng bi quan, chán nản. Cả cuộc đời còn lại tôi chỉ muốn học được chữ và giúp ích được nhiều em nhỏ, tôi chỉ mong mình giữ được sức khỏe như hiện tại để có thể dạy chữ, truyền đạt kiến thức nhiều hơn cho các em”.

Gia đình và Xã hội

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)