Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Thầy giáo – Tiến sĩ Nguyễn Thành Thịnh: Hành trình và sứ mệnh

Tạp Chí Giáo Dục

Không ai được quyền lựa chọn nơi mình sinh ra, lựa chọn cha mẹ của mình, nhưng chúng ta đều có quyền lựa chọn cho mình cách sống và thái độ sống; chúng ta nên chấp nhận số phận hay nỗ lực để thay đổi làm nên một cuộc đời theo ý nguyện và hoài bão của chính mình… Đó là chia sẻ của Tiến sĩ Nguyễn Thành Thịnh với Giáo dục TP.HCM về “Chuyện đời – Chuyện nghề” của mình – một học sinh nghèo vượt khó để vươn lên.

Mặc dù bận rộn với lịch dạy học khá “kín”, xong thầy Nguyễn Thành Thịnh vẫn dành cho Giáo dục TP.HCM cuộc phỏng vấn khá vui vẻ và cởi mở. Xin trích lược đến bạn đọc.

Tiến sĩ Nguyễn Thành Thịnh
  • PV: Chào thầy Nguyễn Thành Thịnh, xin thầy chia sẻ một ít thông tin về quá khứ thời cắp sách đến trường của mình?

TS. Nguyễn Thành Thịnh: Mỗi khi nhắc về quá khứ của tuổi thơ tôi vẫn ngỡ như mình vừa trải qua, những kỷ niệm đó là hành trang tôi luôn mang theo trên suốt chặng đường đời.

Tôi được sinh ra và lớn lên từ một vùng quê nghèo thuộc huyện Gò Quao tỉnh Kiên Giang. Ngày đó, phải vất vả vượt qua các cây cầu khỉ để được đến trường. Khó khăn là vậy, nhưng gia đình tôi có truyền thống theo nghề giáo và họ hàng nhà nội được tặng bằng khen của Hội Khuyến học Gia tộc 100% tốt nghiệp đại học. Vì vậy, tôi được cha mẹ yêu thương “giáo huấn”, động viên trong học tập giúp tôi đạt thành tích tốt sau mỗi năm học. Điều đặc biệt, không thể không nhắc đến chính là tôi được hỗ trợ học bổng trong suốt 12 năm học từ Nhà thờ Công giáo (Giáo xứ An Bình) nơi tôi ở. Chính điều này đã hun đắp thêm nguồn động lực để tôi cố gắng, nỗ lực từng ngày nhằm không phụ tình cảm yêu thương của những người thân yêu dành tặng.

  • Với một tuổi thơ quá khó khăn để được học con chữ, có phải chính điều này đã ấp ủ trong tâm khảm thầy để sau này thầy đến với nghề sư phạm?

– Cũng gần đúng như vậy. Sau khi tốt nghiệp THPT tôi thi đỗ vào Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn TP.HCM, chuyên ngành tiếng Đức. Từ đó, niềm đam mê để trở thành thầy giáo được trỗi dậy mạnh mẽ hơn. Tôi đã thực hiện được giấc mơ đó, trở thành người thầy miệt mài với tâm huyết truyền đạt ngôn ngữ tiếng Đức đến học sinh, học viên một cách hữu hiệu nhất.

  • Để hoàn thành 4 năm đại học chắc hẳn đã gặp không ít khó khăn của một cậu học trò nghèo hiếu học?

Đúng vậy. Thời đó đậu đại học là một niềm vui, hạnh phúc lớn của bản thân và gia đình, nhưng đằng sau niềm vui đó lại là nỗi trăn trở lớn của gia đình tôi về chi phí học tập… tận 4 năm. Tôi khăn gói lên Sài Gòn bước vào giảng đường đại học cho thỏa ước mơ và hoài bão của mình. Như bao sinh viên nghèo khác, tôi phải đối mặt với trăm nỗi khó khăn từ vật chất, nào là tiền học phí, ăn uống, chỗ trọ… Tôi tìm công việc dạy thêm, dạy kèm để trang trải chi phí học tập đồng thời cũng là công việc giúp tôi tập làm quen với chuyên môn của một người thầy đứng lớp, truyền đạt kiến thức.

  • Những khó khăn của chàng sinh viên nghèo phải “vật lộn” đủ thứ để tự đi hết chặng đường đại học, có bao giờ thầy nản lòng chùn bước?

– Những lúc “đuối” quá từ áp lực công việc gia sư, mình cũng từng nghĩ đến sẽ thay đổi công việc làm thêm khác chứ không có suy nghĩ dừng lại giảng đường đại học, vì đó không chỉ là ước mơ từ bé của tôi mà còn là niềm tự hào của gia đình. Tôi luôn nhủ lòng phải thật mạnh mẽ để vượt qua mọi khó khăn vì chỉ có việc học giỏi mới bước đi trên con đường “trải hoa hồng” sau này.

  • Thầy đã vượt qua những vất vả đó để thành lập “con tàu tri thức DSHi – trung tâm đào tạo tiếng Đức cho học viên muốn vươn ra biển lớn” du học hay sinh sống và làm việc tại nước CHLB Đức?

– Không có con đường nào trải sẵn hoa hồng cả. DSHi đã bước qua bao thăng trầm cũng như sự phấn đấu không ngừng nghỉ của một tập thể mà tôi là đầu tàu để đưa “con tàu DSHi” đi đúng sứ mệnh của mình.

  • Một tính cách cởi mở và vui vẻ cùng với tâm huyết của người thầy, chắc hẳn thầy Thịnh được sự yêu mến của đông đảo học viên tại DSHi?

– Đam mê với nghề mình chọn, đó là động lực lớn để tôi hăng say phấn đấu, học tập và trau dồi kỹ năng, đồng thời còn là phương tiện để kết nối khoảng cách gần hơn giữa học viên và người thầy. Trong giảng dạy, người thầy không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn là người bạn của học viên để sự tương tác được diễn ra thường xuyên từ hai phía một cách tự do, thoải mái. Từ đó, người học sẽ đam mê, yêu thích môn học để khám phá, chinh phục tri thức.

  • Cảm ơn TS. Nguyễn Thành Thịnh!

PV

Bình luận (0)